Các văn bản triết học

Một phần của tài liệu Cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Milan Kundera (Qua tác phẩm tiêu biểu) (Trang 74)

6. Đóng góp của đề tài

3.2.2.Các văn bản triết học

Chúng ta cũng biết có nhiều dòng văn học được khơi nguồn hay chịu tác động trực tiếp của tư tưởng triết học nào đó. Trong văn học phương Tây, ta dễ nhận ra sự ảnh hưởng của tư tưởng triết học Kant, Husserl, Freud… Tuy nhiên, bất kì nhà văn vĩ đại nào, nhà sáng tạo luôn xuất hiện trước nhà lí luận. Đó cũng là trường hợp của Milan Kundera. Trong Nghệ thuật tiểu thuyết, Kundera khẳng định: “Tiểu thuyết biết đến tiềm thức sớm hơn Freud, biết đến đấu tranh giai cấp sớm hơn Marx, nghiên cứu hiện tượng học sớm hơn các nhà hiện tượng học” nên thật khó mà xác định dứt khoát, rõ ràng một ảnh hưởng triết học nào đó trong sáng tác của ông. Tác phẩm của M.Kundera là sự hiện diện của nhiều vấn đề mà các tư tưởng triết học đã đề cập: quan niệm về con người đặt trong tình thế hiện sinh như quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh, sự chi phối mạnh mẽ của bản năng và vô thức tập thể như quan niệm của phân tâm học… Chịu ảnh hưởng của triết học hiện sinh nên M.Kundera cũng xây dựng nhân vật dựa trên hành động. Sartre với câu nói nổi tiếng “Hiện sinh có trước bản chất” đã trở thành yếu lĩnh của chủ nghĩa hiện sinh. Theo đó, “con người hiện sinh là con người sinh động và hành động, và chính hành động xác định bản chất con người”. Chẳng hạn như hành động chọc xì lốp xe hơi trong những lúc chạy bộ của giáo sư Avenarius (Sự bất tử) đã thể hiện đây là một con người hành động mang tinh thần đấu tranh

không khoan nhượng trước xã hội hiện đại. Hay hành động vẫy tay duyên dáng, cầm nhành lưu li đi trên phố… cho thấy Agnès luôn lơ đãng, luôn muốn thoát ra khỏi cái cuộc sống mà nàng đang hiện hữu. Nàng luôn hành trình tìm lại ý nghĩa đích thực của cuộc sống và tìm lại “khuôn mặt riêng” của mình - không hề giả tạo và chủ ý, cũng không hề mong muốn những thứ hư danh. Bên cạnh đó, nhân vật của Kundera thường có những hành động mô phỏng, bắt chước nhau. Hành động giống nhau nhưng ở mỗi nhân vật lại mang một ý nghĩa khác nhau. Với Agnès, đeo kính râm là sự yêu thích, là cảm giác đẹp lên mỗi khi đeo kính. Bắt

chước chị, Laura cũng đeo kính nhưng đó lại là hình thức che giấu nỗi buồn. Những khác biệt giữa Agnès và Laura là căn nguyên cho xung đột xảy ra. Trong phương thức xây dựng nhân vật, xung đột, mâu thuẫn là con đường để nhân vật bộc lộ cái tôi một cách mạnh mẽ, rõ ràng nhất. Việc Laura bị thất tình dọa tự tử đã khiến hai chị em dấy lên cuộc tranh cãi quyết liệt thế nào là tình yêu, để rồi Agnès tiến tới hành động làm vỡ cái kính của Laura, đập vỡ chiếc mặt nạ giả tạo mà cô em đã khoác lên. Hành động của các nhân vật trong tiểu thuyết của Kundera có khi là những hành động hoàn chỉnh, có động cơ, có sự dẫn dắt từ nguyên nhân đến hành động. Nhưng cũng có khi đó là những hành động vụt hiện, một cử chỉ riêng lẻ xuất hiện một cách bất ngờ như hành động Agnès giơ tay chào bạn trai, hành động Laura đặt tay vào giữa ngực rồi đưa ra.

Triết học hiện đại xem con người không là trung tâm của vũ trụ, không còn mang tính đơn nhất mà chỉ là mẫu số chung của nhân loại. Sự hiện hữu của con người với tư cách là một cá thể trong xã hội trở nên mơ hồ, thiếu xác tín. Mang ảnh hưởng của triết học hiện đại, thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của M.Kundera không chỉ có diện mạo mờ nhạt mà tính cá thể, nét riêng biệt cũng không tồn tại. Họ là những nhân vật không có nhân ảnh, không có một cá tính điển hình, thậm chí có thể trộn lẫn vào nhau. Tuy tác giả xây dựng nhiều tuyến nhân vật, nhưng người đọc dễ dàng nhận ra khuôn hình của nhân vật này trong nhân vật khác, và ngược lại. Trong Sự bất tử, Kundera xây dựng nhiều nhân vật đồng dạng ở các thời đại khác nhau, điển hình là Bettina và Laura. Sự tương đồng giữa họ là tương đồng ở mã hiện sinh - tình yêu, sự bất tử, sự đấu tranh. Tình yêu với Bettina là gắn kết tên tuổi mình với những nhân vật nổi tiếng để được bất tử. Tình yêu với Laura là sự bành trướng của cái tôi, và tìm kiếm sự bất tử qua việc ghi dấu cá nhân mình vào trí nhớ người ta. Giữa các nhân vật còn có sự tương đồng về hành động. Bettina lấy quyền của một đứa trẻ để ngồi lên đùi Goethe. Laura lập lờ ngồi lên đùi anh rể. Động tác Laura làm khi tuyên bố về một “cái gì đó” cũng được lặp lại ở Bettina. Đó là cử chỉ “đòi sự bất tử”.

Sự chắt lọc ngôn từ cộng với sự xâm nhập của triết học phương Tây hiện đại và phân tâm học khiến ngôn ngữ của Kundera mang đậm tính triết lí. Từ một hiện tượng, một sự việc rất nhỏ, nhà văn cũng có thể khoác cho nó một phạm trù mới, và khái quát lên thành một ý nghĩa sâu xa. Mặc dù phủ định “sự chiêm nghiệm triết học” “là thủ pháp chính” [37] trong tiểu thuyết của mình, bởi ông cho rằng “triết học triển khai tư tưởng của mình trong một không gian trừu tượng, không có nhân vật, không có tình huống” [37], nhưng theo chúng tôi, triết học trong sáng tác của M.Kundera là một yếu tố thường xuyên không thể thiếu. Chính tác giả cũng thừa nhận những quan điểm của triết học hiện đại có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng và sáng tác của mình. Nhưng, Kundera không phải là người phụ thuộc vào các tư tưởng đạo đức, chính trị, triết học mà là người có khả năng đúc kết, suy nghiệm những vấn đề mang tính phổ quát: thói háo danh đeo đẳng và giết chết nhân cách con người, sự hư vô của ái tình, sự tàn phá của tốc độ trong thế giới hiện đại đối với đời sống cá nhân, giá trị của nghệ thuật đối với con người… Có điều, khác với triết học thông thường, triết học của M.Kundera có đầy đủ các yếu tố cần thiết như không gian, nhân vật và tình huống để tác giả triển khai tư tưởng. Chậm rãi đưa ra triết lí về bi kịch của con người khi phải đối mặt với guồng quay của cuộc sống hiện đại. Họ không thể làm chủ được tốc độ bản thân, lúc nào họ cũng phải sống nhanh, sống gấp. Và, bất chợt một lúc nào đó, họ nhận ra mình đã đánh mất bao điều đẹp đẽ. Trong tác phẩm của mình, M.Kundera cũng đề cập nhiều về tình yêu của con người trong thời hiện đại và chẳng né tránh hay ngại ngùng khi nhắc đến tình dục. Từ học thuyết Freud, tình dục chỉ là cái cớ để Kundera đưa ra triết lí về giá trị thật của tình yêu trong cuộc sống. Nhân vật của Kundera không tìm thấy tình yêu nơi cuộc sống hiện tại. Tình dục chỉ thật sự có ý nghĩa khi được đặt trong mối quan hệ bền chặt với cái gọi là tình yêu. Dấu ấn của những văn bản triết học đưa đến cho sáng tác của M.Kundera sự sâu sắc và tầm phổ quát rộng lớn, góp phần chứng tỏ sự uyên bác của một cây bút bậc thầy .

Một phần của tài liệu Cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Milan Kundera (Qua tác phẩm tiêu biểu) (Trang 74)