Con người như là trò chơi vô tăm tích

Một phần của tài liệu Cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Milan Kundera (Qua tác phẩm tiêu biểu) (Trang 47)

6. Đóng góp của đề tài

2.2.3. Con người như là trò chơi vô tăm tích

Trò chơi là một trong những đặc điểm quan trọng của chủ nghĩa hậu hiện đại. Nó là sản phẩm của tư duy hậu hiện đại. Sáng tạo tác phẩm theo nguyên tắc trò chơi thực chất là sự kiến tạo nên một thế giới mới, tuy nhiên lại không hoàn toàn tách biệt với thế giới có sẵn, tách biệt với đời sống. Trò chơi trong văn học khác trò chơi trong các lĩnh vực khác ở chỗ nó không thuần túy là trò chơi mà được xem như một phương tiện, một cách thức, một kĩ thuật để xây dựng tác phẩm. Milan Kundera quan niệm: “Ở bên ngoài tiểu thuyết người ta sống trong thế giới của những điều khẳng định, mọi người đều tin chắc ở lời nói của mình: một nhà chính trị, một nhà triết học, một người gác cổng. Trong lãnh địa của tiểu thuyết, người ta không khẳng định: đây là lãnh địa của trò chơi và của những giả thuyết”. Vận dụng lí thuyết trò chơi trong sáng tạo nghệ thuật là một phương thức để chuyển tải những thông điệp nghệ thuật, những cách tân táo bạo của chủ thể sáng tạo. “Tiếng gọi trò chơi” hấp dẫn M.Kundera thể hiện trong cảm quan hậu hiện đại về con người. Trong tiểu thuyết của Kundera, sự tồn tại của con người không được nhìn nhận như là những số phận, thân phận. Vì thế, nó không được miêu tả như là những nhân vật có lí lịch, hành trạng, nghề nghiệp... mà nó như là những nhân vật của một cuộc chơi đầy ngẫu hứng. Thế giới nhân vật

trong sáng tác của M.Kundera hiện lên rất sơ sài, không được giới thiệu rõ nguồn gốc, thân phận, nơi sinh, quá trình trưởng thành từ bé đến hiện tại. Bức chân dung nhân vật không phải là một bức tranh mô phỏng giống như thật mà chỉ được gợi lên bởi những đường nét đơn giản, những đường nét yếu tính nhất ở con người. Trong cuộc chơi đầy ngẫu hứng này, Kundera đã đưa cả kí hiệu để miêu tả con người. Đây là mũi tên tính cách Agnès:

“Thân thể vươn lên như ngọn lửa. Còn cái đầu thường xuyên cúi xuống: một đầu óc hoài nghi nghiêng xuống mặt đất” [11, 327].

Còn đây là mũi tên tính cách Laura:

“Cái đầu chứa đầy mơ mộng hướng lên trời. Còn thân thể thì bị hút xuống đất” [11, 326].

Nếu trong cuộc đời thực, mỗi con người là một nét tính cách khó trộn lẫn thì trong tiểu thuyết của Kunder, con người dù ở các thời đại khác nhau vẫn “đồng dạng”, điển hình là Bettina và Laura (Sự bất tử). Tình yêu với Bettina là

gắn kết tên tuổi mình với những nhân vật nổi tiếng để được bất tử. Tình yêu với Laura là sự bành trướng cái tôi và tìm kiếm sự bất tử bằng cách ghi dấu cá nhân mình vào trí nhớ người ta. Bettina lấy quyền của một đứa trẻ để ngồi lên đùi Goethe. Laura nghiện tính lập lờ cũng ngồi lên đùi anh rể. Động tác của Bettina cũng lặp lại ở Laura khi tuyên bố về một “cái gì đó”. Nhân vật không chỉ có diện mạo mờ nhạt mà tính cá thể, nét riêng biệt cũng không tồn tại. Họ là những con người không có nhân ảnh, không có cá tính điển hình, thậm chí có thể trộn lẫn vào nhau. Sự hiện hữu của họ trở nên mơ hồ, thiếu xác tín.

Để xóa bỏ ảo tưởng nhân vật hư cấu giống như những con người ngoài đời thực mà tiểu thuyết hiện thực thường xây dựng, Kundera loại bỏ yếu tố độc

thoại nội tâm ra khỏi nhân vật của mình. Nhân vật như những con người vô tri giữa thời đại. Nhân vật không biết đến cả hành động của mình, phải “nhờ” nhà văn cắt nghĩa, lí giải. Cử chỉ của Laura (Sự bất tử) khi muốn làm một “cái gì đó” được tác giả ghi nhận là “hướng tới cõi xa xăm tuyệt vời chứ không có gì chung với cái xác chết nằm trên nền phòng khách ở miền nhiệt đới” [36;219]. Nhân vật không đi theo những quy luật thường hằng của cuộc sống mà đi theo những vận động trong suy tưởng của nhà văn. Đó cũng là cách cảm nhận con người theo quy luật “trò chơi”.

Tính chất trò chơi đặc biệt thể hiện rõ trong sáng tác của Kundera ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi dạng thái hoạt động, tồn tại: khi vui chơi, khi làm một việc gì đó, trong đối thoại, trong tư tưởng… Những dạng thái hoạt động, tồn tại này không trọn vẹn mà luôn dang dở, phân mảnh, đứt nối. Câu chuyện về người đàn bà bên bể bơi đột ngột bị dừng lại với cử chỉ đầy duyên dáng. Người đọc không thể tìm thêm một thông tin nào nữa về bà ta trong toàn bộ Sự bất tử. Người đàn bà này đã không có tính cách, số phận, lai lịch… đến hành động cũng ít ỏi, không đủ nói lên tâm tư của nhân vật. Nhân vật người đàn bà cùng cử chỉ mĩ lệ kia đơn giản chỉ là nguyên cớ để gợi nhắc nhân vật tôi sáng tạo nên nhân vật Agnès.

Những phân tích trên cho thấy sự tồn tại của con người trong thế giới nghệ thuật của M.Kundera không có ý nghĩa như những thực thể, mà chỉ là những kí hiệu. Nó trôi nổi, vô định như là một thứ cợt đùa của số phận. Nó không để lại một chút dấu ấn nào về sự tồn tại của mình (cũng như nhân vật của Kundera không hề để lại một dấu ấn nào thực sự trong tác phẩm). Nó như là trò chơi vô tăm tích.

Một phần của tài liệu Cảm quan hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Milan Kundera (Qua tác phẩm tiêu biểu) (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w