CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ CỦA CHÍNH QUYỀN TỈNH ĐỐI VỚI NGUỒN VỐN ODA
1.3.3. Bài học rút ra cho tỉnh HouaPhan – CHDCND Lào
Trên cơ sở nghiên cứu về công tác thu hút và quản lý sử dụng vốn ODA của chính quyền hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa của Việt Nam, là những tỉnh có đường biên giới giáp tỉnh HouaPhan của Lào, cũng có những đặc điểm vị trí địa lý, tự nhiên tương tự tỉnh HouaPhan mặc dù xuất phát điểm là khác nhau, nhưng dựa trên việc phân tích đánh giá những kết quả đạt được, những mặt hạn chế còn tồn tại, và những giải pháp mà chính quyền hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đề xuất, là những bài học kinh nghiệm quý báu cho chính quyền tỉnh HouaPhan của Lào trong công tác thu hút và quản lý sử dụng vốn ODA trong thời gian tới.
Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, tác giả xin rút ra một số bài học cho chính quyền tỉnh HouaPhan của Lào như sau:
Thứ nhất, đảm bảo tính chủ động trong tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA Vì thực chất vốn ODA là sự ưu đãi của đối tác nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế dành cho các nước có nền kinh tế kém phát triển hơn, vì thế nước tiếp nhận viện trợ cũng có thể mạnh dạn đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều khoản không hợp lý và đi ngược lại lợi ích của quốc gia và phù hợp với tỉnh thành tiếp nhận vốn ODA để tránh tình trạng chạy đua “xin” dự án ODA bằng mọi giá.
Thứ hai, có cơ chế theo dõi, giám sát chặt chẽ các dự án ODA
Từ thực tiễn quản lý ODA ở Nghệ An và Thanh Hóa cho thấy, việc thu hút ODA không khó bằng việc quản lý và sử dụng hiệu quả ODA. Nếu không có cơ chế quản lý và giám sát nghiêm ngặt đối với các dự án ODA, thì sẽ dẫn đến tình trạng dự án chậm tiến độ, sử dụng nguồn vốn lãng phí, tình trạng tham nhũng xuất hiện và chất lượng các dự án ODA không cao.
Công tác quản lý, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, liên tục qua hình thức kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất nhằm kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý; phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém trong việc thực hiện các quy định của pháp luật và điều ước quốc tế về ODA.
Đánh giá dự án có thể được tiến hành vào các thời điểm khác nhau của dự án như đánh giá ban đầu được tiến hành ngay sau khi bắt đầu thực hiện dự án; đánh giá giữa kỳ vào giữa thời gian thực hiện chương trình, dự án; đánh giá kết thúc tiến hành ngay sau kết thúc dự án và đánh giá tác động tiến hành trong vòng 3-5 năm kể từ ngày đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Thêm vào đó, việc đánh giá dự án phải được tiến hành bởi các chuyên gia độc lập được thuê tuyển, có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết.
Kiểm toán là một công việc quan trọng để tăng tính giải trình, tính công khai và minh bạch của chủ đầu tư, ban quản lý dự án để xem xét việc sử dụng vốn ODA có tuân thủ những quy định về mua sắm công, định mức chi phí quản lý dự án... hay không?
Thứ ba, tăng cường công tác phân cấp trong quản lý ODA
Việc phân cấp quản lý phải có sự phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý để mỗi cấp quản lý thấy được nghĩa vụ và quyền lợi, cũng như dám chịu trách nhiệm trước những sai sót do mình gây ra.
Cần tăng cường năng lực các cơ quan của chính quyền trong việc quản lý các nguồn ODA, từ khâu thu hút đến khâu sử dụng, tuyệt đối tránh tham nhũng, lãng phí, bởi ODA cũng là một nguồn của ngân sách nhà nước.
Thứ năm, coi trọng và nâng cao trình độ nhân tố con người trong công tác quản lý, vì việc thành công hay thất bại trong công tác đàm phán, ký kết thu hút vốn ODA nói chung, công tác kiểm tra giám sát đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ODA nói riêng phần lớn phụ thuộc vào trình độ, năng lực, trách nhiệm, đạo đức của chính các cán bộ chính quyền làm trong công tác quản lý này.