CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ CỦA CHÍNH QUYỀN TỈNH ĐỐI VỚI NGUỒN VỐN ODA
1.2.5. Khái niệm quản lý của chính quyền tỉnh đối với ODA
Quản lý của chính quyền tỉnh đối với nguồn vốn ODA là sự tác động có tổ chức của chính quyền cấp tỉnh đối với toàn bộ nguồn vốn ODA bằng quyền lực của nhà nước thông qua cơ chế quản lý vốn ODA nhằm thực hiện được các mục tiêu đặt ra đối với quá trình thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA.
Hoặc có thể hiểu: Quản lý của chính quyền tỉnh đối với ODA là quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, kiểm soát việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA nhằm đạt được mục tiêu đặt ra với hiệu lực và hiệu cao trong điều kiện phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng.
Chủ thể quản lý là các cơ quan quản lý ODA với những cơ cấu tổ chức nhất định gồm các cơ quan chức năng của nhà nước, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với mọi ODA và các cơ quan của chủ đầu tư thực hiện việc quản lý vi mô đối với từng dự án.
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng (Quyết định quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất đai, phát triển ngành và quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn trong phạm vi quản lý; lĩnh vực đầu tư và quy mô vốn đầu tư theo phân cấp của Chính phủ trong đó có vốn ODA) để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội; thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động (trong đó có quyết định phương án quản lý, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực ở địa phương đối với vốn ODA nói riêng; quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong quản lý vốn ODA).
- Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh: có từ 11 đến 17 thành viên, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, 1 Ủy viên thư ký và các Ủy viên khác. Thường trực Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, và Ủy viên thư ký. Người đứng đầu chính quyền địa phương cấp tỉnh là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân. Trên danh nghĩa, vị trí này do Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định bằng bầu cử theo hình thức bỏ phiếu. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thường đồng thời là một Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn trong đó có gắn liền với vốn ODA; Thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở.
Trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến vốn ODA (lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thuỷ lợi và đất đai, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lĩnh vực giao thông vận tải, lĩnh vực xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, lĩnh vực y tế và xã hội, lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường,….) Ủy ban nhân dân có quyền xây dựng, lập quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm của tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để trình Chính phủ phê duyệt; Chỉ đạo thực hiện và kiểm tra giám sát các sở, ban ngành trực tiếp liên
quan đến từng lĩnh vực trong việc sử dụng vốn ODA và định kỳ tổng hợp báo cáo về tình hình và hiệu quả thu hút sử dụng ODA lên cấp trên.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Là cơ quan đầu mối vận động, thu hút, điều phối quản lý vốn ODA của tỉnh; hướng dẫn các sở, ban, ngành xây dựng danh mục và nội dung các chương trình sử dụng vốn ODA; tổng hợp danh mục các chương trình dự án sử dụng ODA trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chủ trì, theo dõi và đánh giá thực hiện các chương trình dự án; làm đầu mối xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xử lý những vấn đề vướng mắc giữa Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc bố trí vốn đối ứng, giải ngân thực hiện các dự án ODA có liên quan đến nhiều Sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã; định kỳ tổng hợp báo cáo về tình hình và hiệu quả thu hút sử dụng ODA.
- Sở Tài chính: Tham gia với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan để tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh về chiến lược thu hút, huy động, sử dụng vốn đầu tư ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước; xây dựng các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trên địa bàn; Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý về tài chính đối với các chương trình, dự án ODA trên địa bàn.
- Sở Tư pháp: Là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước cụ thể đối với vốn ODA của tỉnh về: công tác xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; công chứng; chứng thực; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; giám định tư pháp; hòa giải ở cơ sở; bán đấu giá tài sản và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Ngoài ra, tùy theo quy mô, lĩnh vực được hưởng vốn ODA mà phân cấp cho các sở, ban, ngành phù hợp chia thành các khối như:
• Khối nội chính: Ban Thanh tra và các cơ quan chịu sự chỉ đạo theo ngành dọc, mà không trực thuộc UBND: Công an tỉnh, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.
• Khối lưu thông phân phối: Sở Thương mại, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành chịu sự chỉ đạo theo ngành dọc, mà không trực thuộc UBND.
• Khối nông lâm nghiệp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và môi trường.
• Khối công nghiệp: Sở Xây dựng, Sở Công nghiệp, Sở Giao thông vận tải (hoặc Giao thông Công chính), Sở Bưu chính, Viễn thông, Sở Khoa học và công nghệ (trong đó có Cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng).
• Khối văn hóa xã hội: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em.