CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ CỦA CHÍNH QUYỀN TỈNH ĐỐI VỚI NGUỒN VỐN ODA
1.3.1. Kinh nghiệm của tỉnh Nghệ An
Nghệ An là một tỉnh nghèo của Việt Nam, một số huyện biên giới giáp với các huyện của tỉnh HouaPhan, nên cũng có một số đặc điểm giống với lại tỉnh
HouaPhan của nước Lào. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp, chỉ bằng 70% mức bình quân của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo khá cao; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu còn chậm. Tuy nhiên, Nghệ An là một trong những địa phương sớm nhìn thấy tầm quan trọng của hợp tác phát triển với các nhà tài trợ đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngay từ đầu những năm 1993 - 1994, Nghệ An đã tổ chức kêu gọi, vận động thành công các Nhà tài trợ như Luxembourg; KfW; JBIC (nay là JICA),...tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo; Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; Thoát nước và xử lý nước thải đô thị; Giáo dục; Y tế; Giao thông.... Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mặt các nhà tài trợ như: UNDP; WB; ADB; JICA (Nhật Bản); AFD (Pháp); Luxembourg; KfW (Đức); Hà Lan; Phần Lan; Hàn Quốc; Úc; Pháp; Thụy Điển; Đan Mạch; Ả rập Xê út; Canada; Mỹ; Ý,...
Tỉnh Nghệ An hiện có tổng số 45 chương trình, dự án ODA đang triển khai thực hiện (bao gồm cả các dự án đang vận động) với tổng mức đầu tư 15.435 tỷ đồng (tương đương với 735 triệu USD); trong đó vốn ODA khoảng 12.810 tỷ đồng (tương đương với 610 triệu USD), chiếm tỷ lệ 83%, chủ yếu được tài trợ bởi các nhà tài trợ như: Ngân hàng Thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); JICA (Nhật Bản); AFD (Pháp); Luxembourg; KfW (Đức); Hà Lan; Phần Lan; Hàn Quốc; Úc; Pháp; Thụy Điển; Đan Mạch; Ả rập Xê út; Canada; ...
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay nói chung và điều kiện khó khăn của tỉnh Nghệ An, nguồn vốn ODA giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu; giáo dục, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn,…Thông qua các chương trình, dự án nguồn vốn hỗ trợ này đã tiếp cận cộng đồng và người dân tốt, góp phần tác động trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn phát triển hạ tầng, việc sử dụng nguồn vốn ODA còn góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác vận động,
thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA thông qua các khóa tập huấn, đào tạo được tổ chức dưới sự tài trợ của các dự án. Hàng trăm lượt cán bộ trong các cơ quan, tổ chức liên quan đến công tác vận động, thu hút, quản lý và sử dụng ODA đã được tham gia các khóa đào tạo trong các lĩnh vực có liên quan. Hàng ngàn lượt người dân được tham gia các lớp đào tạo về giám sát cộng đồng đối với việc thực hiện các dự án, cũng như phát triển khả năng tự duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình sau khi hoàn thành nhằm kéo dài tuổi thọ các công trình. Từ đó, nâng cao được nhận thức, ý thức của người dân trong việc giám sát thực hiện và tự duy tu bảo dưỡng đối với các công trình, phát huy hiệu quả của nguồn vốn ODA một cách bền vững.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án ODA trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Đối với các BQL dự án mới thực hiện lần đầu do chưa có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành nên thực hiện chậm so với kế hoạch, nhất là khâu xét duyệt hồ sơ; một số dự án thuộc Ban quản lý Trung ương trong quá trình thực hiện phải phụ thuộc vào tiến độ chung của các tỉnh khác có cùng dự án nên mất nhiều thời gian; do hạn chế về trình độ học vấn nên một bộ phận người dân tham gia dự án nhận thức còn thấp và khả năng vận dụng khoa học kỹ thuật từ dự án còn khó khăn; phần lớn hộ dân phải làm thuê kiếm sống nên họ khó chủ động tiếp cận và áp dụng kỹ thuật mới của dự án; vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân tham gia dự án với mục đích hưởng lợi trực tiếp, sau khi dự án kết thúc họ không còn phát huy hay tiếp tục mở rộng;…Cùng với đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện dự án kéo dài, chủ đầu tư không cân đối đủ vốn đối ứng theo cam kết hoặc phân bổ cơ cấu vốn không phù hợp theo tiến độ nên việc thực hiện, giải ngân dự án còn chậm...
Với thực trạng đó, phân tích sâu sắc nguyên nhân kết quả đã đạt được và nguyên nhân tồn tại hạn chế của tỉnh Nghệ An nước Việt Nam sẽ là một bài học kinh nghiệm quý giá cho tỉnh HouaPhan của Lào trong quá trình hoàn thiện công tác thu hút và quản lý sử dụng nguồn vốn ODA với tầm quan trọng của nguồn vốn này đối với các nước đang phát triển nói chung, các tỉnh nghèo nói riêng.
• Nguyên nhân kết quả đạt được:
+ Đường lối, chủ trương đổi mới đúng đắn; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với những nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước thực hiện chủ trương khơi trong, hút ngoài thông qua hoạt động kinh tế đối ngoại. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân và toàn bộ hệ thống chính trị về nguồn vốn ODA đã có nhiều chuyển biến tích cực.
+ Định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành và lĩnh vực đã được tỉnh xác định sớm, từ đó xây dựng các chương trình, dự án đầu tư để kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào khảo sát, tìm hiểu đầu tư vào Nghệ An.
Môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể thông qua cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Nghệ An. Cũng từ đó, việc vận động nguồn vốn ODA; đối với các nhà tài trợ có phần thuận tiện hơn.
Công tác vận động xúc tiến đầu tư của tỉnh ngày càng được quan tâm. Hàng năm, tỉnh Nghệ An đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo, các cuộc tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư, các nhà tài trợ gắn với việc quảng bá rộng rãi hình ảnh Nghệ An và vận động ODA,.. nên tình hình thu hút đầu tư đã bước đầu có hiệu quả, kết quả, thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư, dự án đầu tư.
+ Tỉnh Nghệ An đã dần hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác quản lý thông qua việc ban hành Quyết định 60/2012/QĐ-UBND ngày 22/8/2012 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành Quy định về tổ chức thực hiện quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
• Nguyên nhân tồn tại, hạn chế
+ Năng lực của cán bộ địa phương, cán bộ trực tiếp làm công tác vận động, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA còn hạn chế, đội ngũ thiếu; đa phần các cán bộ làm việc tại các BQL dự án ODA theo hình thức kiêm nhiệm, chưa thực sự đầu tư thời gian và công sức cho công việc.
+ Phối hợp giữa các ngành, các cấp trong vận động, quản lý hoạt động của các dự án ODA, vẫn còn hạn chế.
+ Một số BQL của các dự án do Bộ, ngành TW làm Cơ quan chủ quản chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp thông tin chung về ODA trên địa bàn tỉnh.
• Để khắc phục khó khăn, tồn tại và hạn chế trên, tỉnh Nghệ An đã đề xuất một
số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần hài hòa hóa thủ tục về ODA nói chung và rút ngắn trình tự, thủ
tục có liên quan đầu tiên đến việc triển khai các dự án của các nhà tài trợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thứ hai, Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cán bộ Ban QLDA các cấp
để đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm trong công tác quản lý và thực hiện dự án theo phân cấp.
Thứ ba, tuyển chọn một cách kỹ lưỡng đơn vị tư vấn cả giai đoạn chuẩn bị
dự án và thực hiện dự án, khuyến khích sự liên danh giữa đơn vị nước ngoài và trong nước cùng thực hiện.
Thứ tư, coi trọng công tác giám sát trong quá trình thi công thực hiện dự án
sẽ đem lại chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư của các Dự án .
Thứ năm, quan tâm ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho công tác giải phóng mặt
bằng và đảm bảo theo tỷ lệ giải ngân vốn ODA của các nhà tài trợ trong các hoạt động theo cam kết.
Trên cơ sở khả năng thu hút ODA của cả nước, trong thời gian tới, đối với Nghệ An cần ưu tiên thu hút vốn ODA vào các lĩnh vực như: Phát triển nông nghiệp và nông thôn (nông lâm nghiệp, thuỷ lợi, thuỷ sản, kết hợp xoá đói giảm nghèo);
xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại; Xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục đào tạo, dân số và các lĩnh vực khác); Bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên; Thích ứng với Biến đổi khí hậu; Cấp nước và VSMT (thoát nước và xử lý nước thải); Cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và các lĩnh vực xã hội khác.