Chương 4 BÀN LUẬN
4.2.2.2. Về biến đổi thành phần nucleotide và amino acid gen PB1-F
Kết quả so sánh và phân tích cho thấy, trình tự gen PB1-F2 của 6 biến chủng virus cúm A/H5N1 nghiên cứu và 19 chủng virus lựa chọn so sánh, đều chứa đầy đủ 273 nucleotide. Tuy nhiên, một số chủng virus cúm A/H5N1 có các đột biến làm
thay đổi về số lượng, bên cạnh các chủng virus có đột biến làm thay đổi amino acid trong protein PB1-F2 suy diễn.
- Trình tự gen PB1-F2 của biến chủng virus cúm A/H5N1 nghiên cứu DkQT801-2011 clade 2.3.2.1, cùng với 2 chủng virus A/VN/UT31244II/2007 clade 2.3.4.3 và A/MDk/VN/OIE/559/2011 clade 1.1, xuất hiện đột biến nucleotide hình thành bộ ba kết thúc tại các vị trí thứ 10, 80 và 26, dẫn đến protein PB1-F2 của các chủng virus nói trên chỉ chứa 9, 79 và 25 amino acid lần lượt theo thứ tự. Protein PB1-F2 là yếu tố độc lực chủ yếu của virus cúm A nói chung và virus cúm A/H5N1 nói riêng, đột biến làm thiếu hụt về số lượng amino acid trong protein PB1-F2, có thể dẫn đến làm mất hoạt tính kích thích tế bào nhiễm chết theo chương trình (appoptosis) của protein này, qua đó làm giảm độc lực gây bệnh của virus cúm A/H5N1 ở các loài vật chủ [5], [9], [32], [36], [37], [38]. Theo các tác giả: Chen và cs. (2001, 2009) [9], [53], Roland và cs. (2007) [38], Zell và cs. (2007) [36], hoạt tính gây chết tế bào nhiễm theo chương trình được biểu hiện khi trình tự protein PB1-F2 được mã hóa chứa từ 87 – 90 amino acid. Do vậy, protein PB1-F2 của cả 03 chủng virus cúm A/H5N1 kể trên, đều không biểu hiện hoạt tính ở cơ thể nhiễm. Theo Chen và cs. (2001) [26], Zell và cs. (2007) [36], Deluca và cs. (2011) [39], đột biến xuất hiện bộ ba kết thúc thường gặp sau vị trí bộ ba mã hóa thứ 11 trong trình tự gen PB1-F2, của các chủng virus cúm A lưu hành gây bệnh ở các loài vật chủ. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này của chúng tôi, đột biến trên được thấy cả ở vị trí bộ ba mã hóa amino acid thứ 10 trong trình tự gen PB1-F2, của biến chủng virus DkQT801-2011 clade 2.3.2.1. Kết quả này cho thấy, có sự biến đổi giảm độc lực gây bệnh ở các chủng virus nói trên, qua đó làm tăng khả năng tồn tại lây truyền trong quần thể loài vật chủ tự nhiên, giúp virus tích lũy các biến đổi thích ứng xâm nhiễm sang loài vật chủ mới. Đây là mối nguy cơ tiềm ẩn lâu dài của virus cúm A/H5N1 và virus cúm A, đối với quần thể người và các loài vật chủ trong tương lai.
- Bên cạnh đó, có 10/12 vị trí sai khác nucleotide dẫn tới thay đổi amino acid trong trình tự gen PB1-F2, mã hóa protein PB1-F2 chứa đầy đủ 90 amino acid của 22/25 chủng virus so sánh trong nghiên cứu. Các vị trí thay đổi amino acid trong protein PB1-F2 có thể làm thay đổi hoạt tính của protein này, dẫn tới thay đổi độc lực gây bệnh của các chủng virus cúm A/H5N1 nói trên.
- Đáng lưu ý là trình tự protein PB1-F2 của biến chủng virus nghiên cứu DkQT802-2011 clade 2.3.2.1 và 5 chủng trong nhóm virus clade 1.1 (gồm cả 02 biến chủng virus CkDT382-2008 và DkTG926-2009 nghiên cứu), có sự thay đổi amino acid từ arginin thành serin tại vị trí 66 (N66S) so với trình tự tương ứng của các chủng virus so sánh. Đột biến thay đổi amino acid N66S trong protein PB1-F2 là một trong các dấu hiệu biến đổi di truyền, đã được chứng minh có vai trò làm tăng hoạt tính protein này, qua đó góp phần gia tăng độc lực gây bệnh của virus cúm A/H5N1 ở cơ thể người và các loài động vật có vú [30], [31], [32]. Kết quả trên cho thấy, xu hướng biến đổi thích ứng gia tăng độc lực gây bệnh trong cơ thể người và các loài động vật có vú, ở các chủng virus cúm A/H5N1 nói trên.
- Trong khi đó, 2 biến chủng virus nghiên cứu: DkNA72-2007 và DkNA114- 2007 cùng với các chủng đại diện trong 2 nhóm virus clade 2.3.4.3 và clade 1, có sự bảo tồn arginin tại vị trí 66 (N66) trong protein PB1-F2. Điều này chứng tỏ các chủng trong 2 nhóm virus nói trên vẫn bảo tồn đặc tính độc lực gây bệnh cao ở gia cầm. Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu đột biến gen PB1 và PB1-F2 ở virus cúm A/H5N1 clade 1 phân lập tại Việt Nam giai đoạn 2004 – 2007 của các tác giả Wan và cs. (2008) [76], Trần Quang Vui và cs. (2009) [103].
Các kết quả trên cho thấy, có sự xuất hiện cả 2 xu hướng đột biến trong trình tự gen PB1-F2, làm giảm độc lực gây bệnh ở gia cầm và gia tăng độc lực gây bệnh ở các loài động vật có vú, trong 2 nhóm virus clade 2.3.2.1 và 1.1 so với 2 nhóm virus clade 1 và 2.3.4.3. Điều này góp phần chứng tỏ khả năng biến đổi phức tạp và diễn biến dịch tễ học khó lường của virus cúm A/H5N1, đang lưu hành gây bệnh ở các loài vật chủ hiện nay. Trong đó, sự biến đổi gia tăng độc lực gây bệnh của virus ở các loài động vật có vú là ưu thế, cần được lưu ý quan tâm nhằm phòng chống dịch cúm A/H5N1 hiệu quả cho người và gia cầm trong tương lai.