7. Tổng quan tài liệu
1.3.3. Yếu tố trong ngân hàng
a. Nguồn nhân lực của ngân hàng
Các hệ thống thanh toán điện tử đòi hỏi một lượng lớn lao động được đào tạo tốt về CNTT và truyền thông để cung cấp các ứng dụng cần thiết, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ và chuyển giao các tri thức kỹ thuật thích hợp. Thiếu các kỹ năng để làm việc trên Internet và làm việc với các phương tiện hiện đại khác, hạn chế về khả năng sử dụng tiếng Anh cũng là những trở ngại cho việc phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử.
b. Nguồn lực tài chính
Nguồn lực tài chính của ngân hàng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển dịch vụ e-banking. Đó là điều kiện đầu tiên và quan trọng đối với ngân hàng trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị nhằm phát triển các dịch vụ ngân hàng. Để phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử không chỉ cần vốn đầu tư lớn cho quá trình phát triển ban đầu như chi phí đầu tư về công nghệ, chi phí đào tạo về mô hình quản lý mới, chi phí trong việc triển khai ứng dụng những quy trình mới, huấn luyện đội ngũ nhân viên mà còn phải chi phí cho việc bảo hành, duy trì và nâng cấp trong quá trình hoạt động.
Do đó, các ngân hàng có nguồn lực tài chính dồi dào hoặc dễ dàng tiếp cận những nguồn vốn thì có khả năng đầu tư mạnh mẽ về công nghệ từ đó có thể tạo ra được nhiều sản phẩm giá trị gia tăng mới, tiện ích làm tăng tính cạnh tranh, đồng thời khả năng quảng bá các kênh truyền thông và phân phối điện tử cũng thuận lợi hơn.
c. Cơ sở vật chất
Các dịch vụ ngân hàng điện tử đều gắn liền với khoa học công nghệ và đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất kỹ thuật. Để có thể kết nối
dữ liệu giữa các chi nhánh trong một ngân hàng đồng bộ, các ngân hàng phải có hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, được quản lý bằng một hệ thống máy tính với các phần mềm tương thích. Bên cạnh đó, ngân hàng còn phải đầu tư xây dựng lắp đặt các máy ATM, máy POS, hệ thống corebanking nhằm hổ trợ cho việc sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.