Định hướng hoàn thiện công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước trong giai đoạn hiện nay (Trang 71)

nước qua Kho bạc Nhà nước

Để đạt được những mục tiêu trên, công tác kiểm soát chi NSNN trong thời gian tới cần được hoàn thiện theo những định hướng cơ bản sau:

Thứ nhất, hoàn thiện phương thức cấp phát NSNN theo dự toán từ Kho

bạc Nhà nước theo Luật NSNN (sửa đổi). Việc thực hiện phương thức cấp phát này này dựa trên cơ sở coi dự toán chi NSNN sau khi đã được Quốc hội phê chuẩn là bắt buộc Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo mọi khoản chi phải có trong dự toán và theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự toán chi NSNN là giới hạn tối đa mà các đơn vị được chi kể cả về tổng mức và cơ cấu chi. Nguyên tắc này đòi hỏi một sự tuân thủ tuyệt đối quy định về mục lục NSNN trong cả chu trình ngân sách từ khâu lập, chấp hành và kế toán quyết toán NSNN. Đồng thời là căn cứ để hoàn thiện các phương thức cấp phát ngân sách hiện hành. Việc kiểm soát chi theo dự toán đòi hỏi KBNN phải kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ các khoản chi của đơn vị và kiên quyết từ chối thanh toán những khoản chi không có trong dự toán được duyệt hoặc không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã được quy định. Thực hiện phương thức cấp phát NSNN theo dự toán sẽ khắc phục được phần

lớn những hạn chế của các phương thức cấp phát NSNN hiện nay (cấp phát bằng lệnh chi tiền, cấp phát bằng hình thức ghi thu – ghi chi,...)

Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi sự cải tiến về nội dung, quy trình lập, duyệt và phân bổ dự toán NSNN, đảm bảo tính chính xác, chi tiết, đầy đủ, kịp thời. Tức là, trên cơ sở các yếu tố, luận cứ để các đơn vị phải xây dựng dự toán một cách chi tiết, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo sự thống nhất giữa cơ quan quản lý ngân sách với các đơn vị dự toán. Dự toán NSNN đã được phê duyệt phải là căn cứ pháp lý quan trọng để KBNN tiến hành kiểm tra, kiểm soát quá trình chấp hành và quyết toán NSNN của các đơn vị thụ hưởng. Có như vậy mới hạn chế được những tiêu cực hay sử dụng công quỹ lãng phí ngay từ khi bắt đầu chu trình ngân sách và nâng cao chất lượng kiểm soát chi NSNN qua KBNN.

Song song với việc nghiên cứu và áp dụng phương thức cấp phát, kiểm soát chi NSNN theo dự toán, cần tăng cường, mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng phương thức quản lý và kiểm soát chi NSNN đối với đơn vị thực hiện khoán biên chế và chi phí quản lý hành chính; đơn vị hành chính sự nghiệp có thu; quản lý cấp phát NSNN theo kết quả đầu ra của công việc,... Sự kết hợp giữa cấp phát, kiểm soát chi theo dự toán và khoán chi sẽ ngày càng nhuần nhuyễn hơn, tạo cơ chế quản lý NSNN theo kết quả đầu ra, thay vì quản lý theo kết quả đầu vào như hiện nay.

Thứ hai, cải tiến quy trình cấp phát, thanh toán của NSNN, đảm bảo nguyên tắc, mọi khoản chi của NSNN đều phải được cấp phát trực tiếp từ KBNN cho chủ nợ thực sự của quốc gia. Tức là, KBNN là cơ quan đầu mối duy nhất được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quỹ NSNN. Do vậy, KBNN có nhiệm vụ trực tiếp thanh toán mọi khoản chi của NSNN; đồng thời, kiểm soát mọi khoản chi trước khi xuất quỹ NSNN và có quyền từ chối thanh toán đối với các khoản chi sai chế độ cũng như phải chịu trách nhiệm

về quyết định của mình. Bên cạnh đó, cần xác định rõ phương thức thanh toán, chi trả áp dụng đối với từng khoản chi NSNN theo hướng: Mở rộng phương thức xuất quỹ NSNN, mà KBNN thay đơn vị thụ hưởng thanh toán trực tiếp cho đơn vị cung cấp hàng hoá, dịch vụ bằng chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng (trừ những trường hợp có quy định khác về chuyển nhượng nợ). Hạn chế tối đa việc xuất quỹ NSNN để cấp tạm ứng qua khâu trung gian. Phương thức thanh toán này thực chất là một phần trong nguyên tắc chi trực tiếp qua KBNN. Nhưng trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam tình trạng chi qua khâu trung gian vẫn còn khá phổ biến như chi lương, chi quản lý hành chính,... gây tác động tiêu cực đến công tác quản lý tiền mặt và tạo cơ hội cho những hành vi gian lận, biển thủ công quỹ. Do vậy, cần đổi mới mạnh mẽ phương thức thanh toán trong nền kinh tế, mở rộng và áp dụng mạnh mẽ các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, có quy định chặt chẽ và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.

Thứ ba, hoàn thiện chức năng, luật hoá hoạt động và nâng cao chất

lượng hoạt động KBNN với tư cách là cơ quan quản lý, điều hành ngân quỹ quốc gia, là tổng kế toán quốc gia. KBNN phải làm nhiệm vụ quản lý và hạch toán toàn bộ tài sản, ngân quỹ quốc gia và lập báo cáo quyết toán ngân quỹ nhà nước. Để làm được điều này, cần phải đổi mới công tác và tổ chức bộ máy kế toán ngân sách theo hướng: Kế toán viên tại các đơn vị dự toán chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ trực tiếp của KBNN, thực hiện kiểm tra, kiểm soát các nghiệp vụ thu, chi NSNN một cách khách quan, độc lập với người chuẩn chi. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống kế toán NSNN, làm cho kế toán NSNN thực sự là một phương tiện để kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của việc sử dụng công quỹ quốc gia. Điều này đòi hỏi phải xác định rõ đối tượng kế toán KBNN. KBNN không chỉ hạch toán số thực nhập, thực xuất quỹ NSNN, mà còn phải hạch toán cả số dự thu, số ghi thu, số dự chi, số ghi chi theo mục lục

NSNN. Toàn bộ số quyết toán nhập, xuất quỹ NSNN do KBNN thực hiện được so sánh, đối chiếu với số ghi thu, ghi chi NSNN. Từ đó, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin cho công tác quản lý quỹ NSNN của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương. Công tác hạch toán kế toán quỹ NSNN được tập trung vào một đầu mối và do KBNN đảm nhiệm. Điều 61, Luật NSNN quy định KBNN tổ chức thực hiện hạch toán kế toán NSNN, định kỳ báo cáo việc thực hiện dự toán thu - chi NSNN cho cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan nhà nước hữu quan. Quá trình hình thành tổng kế toán quốc gia sẽ chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn hợp nhất kế toán NSNN và giai đoạn thiết lập tổng kế toán quốc gia.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước trong giai đoạn hiện nay (Trang 71)