Học thuyết khoa học quản lý của F.W.Taylor

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện tổ chức bộ máy và quản lý nhân sự tại Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Trang 28)

II. Một số học thuyết quản lý kinh điển

1.Học thuyết khoa học quản lý của F.W.Taylor

Thuyết F.W.Taylor có thể tóm tắt ở ba nội dung chính sau đây: 1.1. Hợp lý hóa lao động:

“Taylor coi hợp lý hóa lao động là giải pháp cốt lõi để giải quyết các vấn đề về tăng năng suất lao động và cải tiến quản lý”(2). Giải pháp này bao gồm ba khâu sau đây:

- Chuyên môn hóa lao động:

Đây là nội dung có ý nghĩa quyết định. Taylor cho rằng, đối với từng công việc phải lựa chọn những người phù hợp nhất, giỏi nhất để phân công công việc cụ

thể và hướng dẫn họ làm việc, những việc này phải đạt được năng suất cao nhất và nhà quản lý lấy đó làm chuẩn mực cho những người khác làm công việc này. Để lựa chọn đúng người phù hợp nhất, giỏi nhất, ông căn cứ vào tính khí, trí tuệ, thái độ xem có phù hợp với đòi hỏi của công việc về sức khỏe, kỹ năng, trí tuệ hay không.

- Dụng cụ lao động thích hợp:

Đây là khâu có ý nghĩa cơ bản trong hợp lý hóa lao động. Để công nhân đạt được năng suất lao động cao, các kỹ sư phải thiết kế ra các dụng cụ lao động thích hợp với công việc và huấn luyện công nhân sử dụng chúng.

- Thao tác làm việc hợp lý:

Khâu này được Taylor coi là có vai trò quan trọng. Trên cơ sở thao tác mẫu do kỹ sư thiết kế và được người công nhân giỏi nhất thực hành thành thục, các kỹ sư tiến hành huấn luyện các công nhân khác làm việc theo các hướng dẫn của các kỹ sư trên cơ sở chụp ảnh, bấm giờ, phân tích các thao tác, loại bỏ các động tác thừa, uốn nắn các động tác không hiệu quả, tập các thao tác hợp lý. Kết quả các công nhân được lựa chọn phải đạt được năng suất lao động lý tưởng như thiết kế trong khi vẫn giữ được tinh thần lao động thoải mái do được trả công xứng đáng và sắp xếp hợp lý giữa làm việc và nghỉ ngơi.

1.2. Áp dụng trả lương theo sản phẩm

“Song song với biện pháp hợp lý hóa lao động để đạt năng suất lao động cao, Taylor áp dụng phương pháp trả lương theo sản phẩm thay vì theo thời gian, đồng thời, áp dụng chế độ làm việc – nghỉ ngơi hợp lý”(3). Các biện pháp này đã khích lệ tinh thần làm việc của công nhân.

1.3. Xác lập quan hệ quản lý rõ ràng, sòng phẳng.

“Quan hệ giữa chủ và thợ phải được xác lập rõ ràng, sòng phẳng”(4). Theo đó: Chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm áp dụng các biện pháp hợp lý hóa lao động, cung cấp đủ dụng cụ lao động, tăng lương sòng phẳng.Công nhân có trách nhiệm thừa hành các công việc tác nghiệp theo đúng sự hướng dẫn của nhà quản lý.Các kỹ sư đảm nhận các chức danh quản lý như quản đốc, kíp trưởng, chuyên viên nghiên cứu tác nghiệp, phân tích công việc, xác định định mức, giám sát… Các

kỹ sư được coi thuộc đội ngũ cán bộ quản lý cốt cán và đòi hỏi phải có trí tuệ, trung thực, có óc phân tích, công tâm…

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện tổ chức bộ máy và quản lý nhân sự tại Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Trang 28)