TỔ CHỨC QUYỀN HÀNH PHÁP Ở VIỆT NAM THEO HIẾN PHÁP NĂM

Một phần của tài liệu Quyền hành pháp và tổ chức quyền hành pháp ở Việt Nam (Trang 64)

NĂM 1992

Để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, nhằm thoát khỏi tình trạng trì trệ của cơ chế quan liêu bao cấp, Đảng ta đã nhận định: "Cần phải đổi mới trong việc tổ chức quyền lực nhà nước". Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI (năm 1986) của Đảng đề ra, cùng với những cải cách về kinh tế, công cuộc đổi mới bộ máy nhà nước được triển khai mạnh mẽ. Tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII của Đảng (năm 1991) thông qua và được chuẩn hóa tại Đại hội VIII(năm 1996) đã xác định rõ nguyên tắc chủ đạo của cải cách bộ máy nhà nước là: "Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp với sự phân công rành mạch ba quyền đó". Chủ trương đổi mới đó của Đảng đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, do vậy, Điều 2 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp" [5, tr. 129].

Ở giai đoạn này chủ trương của Đảng và Nhà nước khá rõ ràng và nhất quán. Nếu như trong giai đoạn trước chúng ta không thừa nhận học

thuyết phân quyền trong tổ chức quyền lực nhà nước và phủ nhận nó. Thì đến giai đoạn này trước những biến đổi của điều kiện kinh tế - xã hội, để phù hợp với những điều kiện mới, hạt nhân hợp lý của học thuyết phân quyền đã được chấp nhận và áp dụng vào việc tổ chức quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, đây không phải là điểm hoàn toàn mới, trong Hiến pháp năm 1946 chúng ta cũng đã áp dụng một cách hợp lý học thuyết phân quyền vào trong tổ chức quyền lực nhà nước, và đã đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khó khăn. Nhưng với những thay đổi trong chủ trương đổi mới đã mang lại ý nghĩa quyết định trong công cuộc đổi mới của nước ta.

Tại Hiến pháp năm 1992, bộ máy nhà nước được thiết kế lại với nhiều đổi mới nhằm mục đích vừa bảo đảm sự thống nhất quyền lực nhà nước, vừa có sự phân công rành mạch chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tăng cường hiệu lực của bộ máy nhà nước. Nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa được nhận thức lại và vận dụng hợp lý hơn, đó là: Một mặt, tiếp tục khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất (thống nhất vào Quốc hội), không phân chia các quyền; mặt khác, cần thiết phải có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Như vậy, lần đầu tiên trong Hiến pháp của nước ta có sự quy định khá rõ ràng về các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta có tiếp thu những hạt nhân hợp lý của thuyết phân quyền vào tổ chức quyền lực nhà nước. Theo đó, quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng được trao cho các cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện. Giữa các cơ quan ấy có mối quan hệ mật thiết với nhau, nhưng cũng có sự kiểm soát lẫn nhau, để không cơ quan nào có sự lạm quyền, nhưng không đối trọng nhau như theo nguyên tắc phân quyền. Quốc hội vẫn là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thống nhất các quyền. Các cơ quan khác được lập ra phải chịu sự giám sát, chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Đây là các bảo đảm thống nhất quyền lực. Sự phân công phối hợp thể hiện ở chỗ quy định phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan một cách rõ ràng: Quốc hội tập trung vào lĩnh vực

lập pháp, giám sát và có quyền quyết định các vấn đề quan trọng cụ thể trong hành pháp; Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước, là cơ quan hành chính (quản lý) nhà nước cao nhất và độc lập tương đối trong lĩnh vực hành chính; Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân thể hiện chức năng xét xử và kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Chế định Chủ tịch nước được lập lại để phân định rõ chức trách giữa Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân với các cơ quan nhà nước cấp trên được quy định cụ thể hơn. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, vừa chịu sự hướng dẫn và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa chịu sự hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ. Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, vừa chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, vừa chịu sự lãnh đạo của cơ quan hành chính cấp trên.

Để khắc phục những hạn chế của Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 ra đời, kịp thời đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước. Điều 2 Hiến pháp năm 1992 khẳng định: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp". Tuy nhiên, ở nước ta nguyên tắc thống nhất quyền lực vẫn là nguyên tắc chỉ đạo, xuyên suốt trong việc tổ chức bộ máy nhà nước. Vì vậy, mặc dù các nhánh quyền lực đã được thừa nhận một cách rõ ràng, nhưng quyền hành pháp không được nhìn nhận như một nhánh quyền lực độc lập, đối trọng với hai nhánh quyền lực còn lại, mà giữa chúng có sự phân công, phối hợp với nhau. Điều đó cũng không có nghĩa là quyền lực nhà nước hòa vào làm một, tập trung ở một cơ quan như giai đoạn trước, mà giữa các cơ quan có sự phân công nhiệm vụ để thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Như vậy, có thể nói rằng quyền hành pháp ở nước ta đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp và đã được quy định một cách rõ ràng hơn trong Hiến pháp năm 1992. Quyền hành pháp ở nước ta không được tuyên bố và giao cho một cơ quan cụ thể nào mà nó

được thực hiện bởi nhiều chủ thể như Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan hành pháp ở địa phương.

Một phần của tài liệu Quyền hành pháp và tổ chức quyền hành pháp ở Việt Nam (Trang 64)