Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Chính phủ ở Trung ương

Một phần của tài liệu Quyền hành pháp và tổ chức quyền hành pháp ở Việt Nam (Trang 96 - 100)

- Công cuộc hoàn thiện bộ máy nhà nước của nước ta hiện nay vẫn tiếp tục đặt ra nhu cầu nhận thức và vận dụng đúng đắn nguyên tắc tập quyền

3.2.2.1. Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Chính phủ ở Trung ương

Trung ương

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ đang là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Đảng và Nhà nước ta nhằm mục tiêu "xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch vững mạnh, năng động, hoạt động thông suốt theo đúng chức năng và quyền hành pháp" [14, tr. 20]. Hiện nay, nền kinh tế đã chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường và hội nhập với nền kinh tế thế giới, đòi hỏi bộ máy nhà nước phải nhanh chóng thích ứng.

Chính phủ trong cơ chế quyền lực nhà nước nước ta vừa có những nét chung, vừa có những nét riêng biệt theo từng giai đoạn phát triển của Nhà nước. Vị trí của Chính phủ đã được Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 xác định là "cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng

hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Có thể thấy điểm chung của các Hiến pháp từ Hiến pháp năm 1959 đến nay là Chính phủ nước ta luôn là cơ quan chấp hành của Quốc hội, do Quốc hội lập ra, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Hiến pháp năm 1992 thể hiện sự nhận thức lại vị trí, vai trò của Chính phủ đưa Chính phủ trở về địa vi cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước ta chứ không còn là của Quốc hội như trong Hiến pháp năm 1980. Việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Chính phủ phải nhằm đảm bảo cho Chính phủ thực hiện tốt quyền hành pháp - một bộ phận của quyền lực nhà nước mà Chính phủ là chủ thể thực hiện chủ yếu. Đồng thời, chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng, việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Chính phủ có tác động rất lớn đến cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, cũng như tác động đến các nhánh quyền lực khác, tác động đến sự phân công quyền lực từ trung ương đến địa phương. Để thực hiện tốt quyền hành pháp chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, Chủ tịch nước, các cơ quan nắm quyền hành pháp khác. Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công hợp lý giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự phân công quyền lực là cơ sở để tổ chức cho các nhánh quyền lực phát huy được hiệu quả hoạt động của mình.

Hiện nay, Chính phủ bên cạnh tính chất là cơ quan chấp hành của Quốc hội, còn được xác định là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước ta, là cơ quan đứng đầu hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất không có nghĩa Quốc hội là cơ quan cấp trên của Chính phủ. Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có Chính phủ. Quốc hội có quyền giám sát quá trình Chính phủ thực hiện những chủ trương, đường lối, chính sách cũng như các đạo luật mà Quốc hội đề ra. Chính phủ dần tập trung vào lĩnh vực hành chính nhà nước, quản lý điều hành đất nước một cách chủ động, độc lập tương đối. Nhằm bảo đảm và

tăng cường hoạt động hành chính của Chính phủ, trong tổ chức bộ máy nhà nước đã có những sửa đổi quan trọng trong tổ chức và hoạt động của cơ quan này. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu và chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội; Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội…

Hoạt động hành chính là lĩnh vực hoạt động dễ xảy ra sự lạm dụng, vi phạm quyền công dân, vì vậy cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ đối với các hoạt động này. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền vẫn cần phải giao cho chúng quyền hạn đầy đủ, tương xứng, độc lập và chủ động. Để đáp ứng các yêu cầu của công cuộc đổi mới, thích ứng với quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế cần thiết trao thêm cho Chính phủ những nhiệm vụ, quyền hạn tương ứng với Chính phủ các nước. Ngay cả khi Chính phủ được quy định là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất nhưng quyền hạn của Chính phủ trên thực tế vẫn chưa tương xứng với vị trí đó cả trong đối nội và đối ngoại. Vì vậy, trong các vấn đề quyết định các chương trình, dự án quốc gia; đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với Chính phủ các nước; trong việc lãnh đạo nền hành chính cần tiếp tục tăng cường hơn nữa thẩm quyền của Chính phủ. Để Chính phủ có thể chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Đổi mới phương thức hoạt động của Chính phủ là nhằm đạt được mục đích bảo đảm tính nhân dân, tính công khai, minh bạch của nền hành chính nhà nước.

Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay cần tiếp tục cải cách cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Chính phủ, làm rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong nền hành chính. Giải quyết mối quan hệ quản lý hành chính với Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất là vấn quản lý biên chế và ngân sách. Hiện nay vấn đề này chưa thực sự tập trung vào Chính phủ như một cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Vì bên cạnh Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước cũng có quyền quản lý về vấn đề này.

Cần phân định rõ quyền quyết định các vấn đề cơ bản của đất nước của Quốc hội với quyền quản lý các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội của Chính phủ; xác định rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong quan hệ với Chính phủ; phân định chức năng công tố, thanh tra, kiểm tra giữa Chính phủ và Viện Kiểm sát. Đây là vấn đề còn khá nhiều nổi cộm [19, tr. 174].

Cần tăng cường sự chủ động, sáng tạo, độc lập cũng như tính chịu trách nhiệm của Chính phủ và của từng thành viên Chính phủ một cách cụ thể và đầy đủ hơn. Trách nhiệm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần được phân định rõ ràng hơn. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 112 về quyền hạn của Chính phủ và khoản 1 Điều 114 về quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ của Hiến pháp hiện hành thì cả Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đều có quyền "lãnh đạo công tác của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp". Điều này làm cho quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ bị trùng lặp.

Khi nói tới việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ không thể không đề cập đến vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Để tiến tới tinh giảm đến mức thấp nhất các cơ quan thuộc Chính phủ, theo tinh thần của Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 thì Chính phủ chỉ có Bộ, cơ quan ngang Bộ. Thành lập các Bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 thì "Bộ, cơ quan ngang Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực; thực hiện đại diện chủ sở phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật". Các cơ quan của Chính phủ phải là cơ quan quản lý nhà nước, tức là cơ quan vừa chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về một ngành hoặc lĩnh vực công tác và vừa cùng với các thành viên khác chịu trách nhiệm về hoạt động quản lý nhà nước chung của Chính phủ. Phương

hướng đổi mới hoạt động của Bộ và cơ quan ngang Bộ là tập trung vào nhiệm vụ chiến lược, tránh sa đà vào giải quyết vụ việc có tính chất sự vụ. Thực hiện mạnh mẽ đổi mới Bộ, ngành theo hướng xây dựng Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung vào việc xây dựng chính sách, đúng với yêu cầu công cuộc cải cách hành chính mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra. Để xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp "thống nhất, thông suốt, hiện đại" như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra, Chính phủ cần đổi mới theo hướng một Chính phủ mạnh, năng động.

Một phần của tài liệu Quyền hành pháp và tổ chức quyền hành pháp ở Việt Nam (Trang 96 - 100)