Đặc điểm của quyền hành pháp

Một phần của tài liệu Quyền hành pháp và tổ chức quyền hành pháp ở Việt Nam (Trang 36 - 38)

Là một trong ba bộ phận cơ bản cấu thành quyền lực nhà nước, quyền hành pháp cũng có những đặc điểm cơ bản của quyền lực nhà nước. Ngoài ra, nó còn có những đặc điểm đặc thù sau đây:

Quyền hành pháp có tính quyền lực nhà nước và độc lập tương đối so với các nhánh quyền lực khác. Ở Việt Nam các cơ quan hành pháp là do các cơ quan dân cử lập ra, thực hiện các hoạt động chấp hành và điều hành. Mặc dù các cơ quan hành pháp là do cơ quan quyền lực lập ra, nhưng không có nghĩa là quyền hành pháp chỉ là quyền phái sinh từ cơ quan quyền lực. Đại hội Đảng lần thứ VIII đã khẳng định: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp" [13, tr. 129]. Qua đó thấy rằng ở nước ta quyền lực nhà nước là thống nhất, tất cả các cơ quan nhà nước đều phải có quyền lực. Bản thân quyền lực ấy là do nhân dân uỷ quyền. Vì vậy, nếu chỉ coi quyền lập pháp mang tính quyền lực nhà nước còn quyền hành pháp không mang tính quyền lực là không phù hợp. Cần phải khẳng định rằng, tất cả các cơ quan nhà nước đều có quyền lực, và mỗi cơ quan có tính chất khác nhau sẽ thực hiện quyền lực nhà nước ở một khía cạnh khác nhau.

Quyền hành pháp có khả năng phản ánh một cách chính xác nhất những nhu cầu của xã hội. Có điều đó bởi quyền hành pháp có tác động và gây ảnh hưởng lớn tới rất nhiều các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Quyền hành pháp không chỉ dừng lại ở việc thi hành pháp luật mà nó còn bao gồm cả việc quản lý, điều hành, lãnh đạo các hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là một trong các nhánh quyền lực có sự đụng chạm mạnh nhất tới quyền và lợi ích của công dân trong quá trình thực thi và quản lý…Vì vậy, quyền hành pháp có tác động không nhỏ tới quyền lập pháp, có thể giúp cho lập pháp định hướng hoạt động của mình, đặc biệt là việc ban hành pháp luật sao cho phù hợp với yêu cầu, điều kiện của xã hội. Có như vậy, chức năng lập pháp mới phát huy hiệu quả, và có khả năng đảm bảo cho việc thực hiện tốt nhất trên thực tế.

Nguồn gốc của quyền hành pháp xuất phát từ quyền lập pháp nhưng không có nghĩa là quyền phái sinh từ quyền lập pháp. Để pháp luật đến với xã hội, cơ quan lập pháp phải lập ra các cơ quan nhà nước để tổ chức thực hiện

pháp luật trên thực tế trong đó cơ quan hành chính thực hiện quyền hành pháp. Nhưng để đảm bảo nguyên tắc pháp chế, bản thân quyền hành pháp có tính độc lập nhất định đối với quyền lập pháp. Bởi hành pháp không những phải chịu trách nhiệm trước cơ quan lập pháp mà quan trọng hơn là hành pháp cũng phải chịu trách nhiệm trước toàn thể nhân dân.

Trong xu thế phát triển của xã hội loài người, các quan hệ xã hội luôn luôn có sự thay đổi và phát triển theo từng thời kỳ. Để có thể kịp thời quản lý một cách tốt nhất các quan hệ nảy sinh trong xã hội. Cũng như đáp ứng nhu cầu hết sức phức tạp của công tác chấp hành và điều hành cần phải tạo cho quyền hành pháp có khả năng hoạt động một cách tích cực, chủ động và linh hoạt. Đồng thời, phải gắn hoạt động của các cơ quan này với xác định rõ trách nhiệm của chúng khi thực hiện quyền này, để tránh sự lạm dụng quyền lực. Bởi như đã đề cập ở trên, đây là nhánh quyền lực có khả năng đụng chạm thường xuyên đến quyền và lợi ích của người dân.

Một phần của tài liệu Quyền hành pháp và tổ chức quyền hành pháp ở Việt Nam (Trang 36 - 38)