- Công cuộc hoàn thiện bộ máy nhà nước của nước ta hiện nay vẫn tiếp tục đặt ra nhu cầu nhận thức và vận dụng đúng đắn nguyên tắc tập quyền
3.3.1.2. Đối với Ủy ban nhân dân các cấp
Đi đôi với việc kiện toàn bộ máy của Chính phủ phải kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương. Cần xác định rõ sự phân cấp trách nhiệm và thẩm quyền giữa trung ương và địa phương. Hiện nay việc coi Ủy ban nhân dân vừa là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân vừa là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương về cơ bản là phù hợp. Trước đây, chúng ta coi Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành, cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, điều đó làm cho hai cơ quan này luôn đi sát bên nhau trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước. Thì nay sự tồn tại của Thường trực Hội đồng nhân dân đã làm cho Ủy ban không còn gắn bó nhiều với Hội đồng nhân dân nữa, mà Ủy ban nhân dân chủ yếu tập trung vào việc thực hiện công tác hành chính theo sự phân công của cấp trên. Có thể xây dựng lại mối quan hệ giữa Ủy ban nhân dân với Hội đồng nhân dân theo hướng gắn bó hai cơ quan này như trước đây. Vấn đề này đã được thực tế kiểm nghiệm và cũng phù hợp với xu thế chung của quá trình dân chủ hóa quản lý, đề cao tính tự chủ của địa phương. Theo hướng đó nên đổi gọi là Ủy ban chấp hành nhằm làm nổi bật tính chấp hành trước Hội đồng nhân dân. Ủy ban chấp hành vẫn tiếp tục thực hiện các chức năng quản lý hành chính nhà nước ở địa phương, chịu sự chỉ đạo của cơ quan hành chính cấp trên mà cao nhất là Chính phủ, song sự chỉ đạo của cấp trên xuống địa phương cần phải thông qua Hội đồng nhân dân.
Cần hoàn thiện cách thức thành lập Ủy ban nhân dân. Những thay đổi cơ bản của Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là cơ sở vững chắc cho việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân
chủ trong tổ chức bộ máy nhà nước ta. Tuy nhiên, việc phê chuẩn các chức danh hiện nay còn chưa được nhanh chóng, nên có thể đưa ra đề xuất: việc phê chuẩn phải được tiến hành kịp thời, nên phê chuẩn chức danh Chủ tịch trước rồi mới đến các chức danh khác để tạo nên một bộ máy và cơ chế hoạt động đồng bộ của Ủy ban nhân dân. Đối với cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân nên thu gọn hơn nữa số lượng thành phần của Ủy ban nhân dân, bỏ bớt những thành phần không cần thiết. Thực tế hiện nay cơ cấu Ủy ban nhân dân gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và ủy viên(gọi chung là thành viên). Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ trách chung, các Phó Chủ tịch, tùy theo số lượng và tính chất của từng cấp, phụ trách các mảng công tác như kinh tế - tài chính, văn hóa - xã hội. Các ủy viên được phân công phụ trách các mặt công tác như công an, quân sự, tổ chức, thanh tra, kế hoạch, văn phòng… Với cách quy định này làm cho những thành viên không phải là người đứng đầu các sở, ban, ngành sẽ rất khó phối hợp với người đứng đầu trong các lĩnh vực công tác mà họ phụ trách; còn những thành viên đồng thời là người đứng đầu các sở, ban, ngành không thể bao gồm tất cả các sở, ban, ngành vì số lượng các sở, ban, ngành rất lớn. Đồng thời, các thành viên này ít có điều kiện nắm bắt các lĩnh vực khác vì họ phải quản lý điều hành lĩnh vực, ngành chuyên môn của mình dẫn đến sự hạn chế trong vai trò là thành viên Ủy ban nhân dân phụ trách mặt công tác. Vấn đề kiểm tra của Ủy ban nhân dân cũng bị buông lỏng và giảm hiệu quả khi có những lĩnh vực chuyên môn mà Thủ trưởng đồng thời là thành viên Ủy ban nhân dân.
Đối với những đơn vị hành chính có tính chất trung gian như huyện, quận thì có thể không cần tổ chức Hội đồng nhân dân và áp dụng chế độ bổ nhiệm từ trên xuống đối với các chức danh của Ủy ban nhân dân ở đó, để tránh tình trạng sự quản lý mang tính chất chồng chéo giữa cấp trung ương và địa phương. Thực tế cho thấy, hoạt động của Hội đồng nhân dân ở các cấp này không thực sự cần thiết và kém hiệu quả.