- Công cuộc hoàn thiện bộ máy nhà nước của nước ta hiện nay vẫn tiếp tục đặt ra nhu cầu nhận thức và vận dụng đúng đắn nguyên tắc tập quyền
3.3.2. Hoàn thiện cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan hành pháp
Hành pháp không đơn thuần chỉ là bộ phận được tổ chức ra để thực thi một cách thụ động các quyết định của lập pháp. Trong ghi nhận của pháp luật Việt Nam cũng đã khẳng định vị trí của loại quyền lực này trong cơ cấu quyền lực nhà nước. Đây là nhánh quyền lực có ảnh hưởng rất lớn đến các nhánh quyền lực khác, là nền tảng cho sự phát triển và hoàn thành các chức năng lập pháp và tư pháp. Để hành pháp hoạt động hiệu quả và hạn chế sự lạm quyền của hành pháp, hoạt động của hành pháp phải gắn với cơ chế chịu trách nhiệm của của các cơ quan thực hiện quyền lực này. Tính quyết đoán và dám chịu trách nhiệm là một bản tính cần có của hành pháp.
Hiện nay, pháp luật có quy định Chính phủ phải chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp trên. Trong cơ chế chịu trách nhiệm này có những điểm chưa được quy định rõ: pháp luật có quy định Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội nhưng chưa chỉ rõ hình thức trách nhiệm cụ thể cũng như trình tự xử lý trách nhiệm như thế nào. Cần thiết phải quy định rõ hơn khi nào, ai có quyền nêu vấn đề bất tín nhiệm Chính phủ và thủ tục cũng như hậu quả của nó. Trong tương lai, khi Quốc hội ngày càng trở thành cơ quan hoạt động thường xuyên, thì những nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Quốc hội giao cũng giảm, trách nhiệm báo cáo của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cần phải điều chỉnh lại.