Chính phủ chủ thể cơ bản của quyền hành pháp

Một phần của tài liệu Quyền hành pháp và tổ chức quyền hành pháp ở Việt Nam (Trang 70 - 76)

Chính phủ là thiết chế có vị trí và vai trò to lớn trong cơ chế quyền lực nhà nước. Theo Hiến pháp năm 1980 gọi là Hội đồng Bộ trưởng, nay đổi lại là Chính phủ. So với Hiến pháp năm 1980, vị trí pháp lý của Chính phủ được xác định rõ ràng hơn, với sự phân công, phân nhiệm rành mạch hơn giữa các cơ quan trong tổ chức quyền lực nhà nước. Hiến pháp năm 1992 quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc quy định trở lại này(đã quy định trong Hiến pháp năm 1959) đã phản ánh rõ sự nhận thức đúng đắn, khắc phục những hạn chế của Hiến pháp năm 1980. Chính phủ không còn là cơ quan hành chính cao nhất của Quốc hội nữa mà là của nhà nước. Chính phủ Việt Nam thể hiện chức năng chấp hành và điều hành, với tư cách là một cơ quan, Chính phủ có quyền lực và vị trí tương đối độc lập so với Quốc hội và các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị coi Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất, ý kiến khác lại đề nghị Chính phủ là cơ quan chấp hành quyền lực cao nhất của nước ta. Với quy định hiện nay, hàm chứa trong khái niệm Chính phủ bao hàm chức năng chấp hành và điều hành. Chính phủ có mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan lập pháp - Quốc hội, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Điều này khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội. Tuy nhiên, với tính chất là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của đất nước cho thấy Chính phủ vẫn có sự độc lập trong lĩnh vực hoạt động của mình.

Bên cạnh đó, trong bộ máy nhà nước, Chính phủ có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan khác như Tòa án, Viện kiểm sát. Việc quy định này khẳng định một mặt vẫn tiếp tục sự vận dụng nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa, mặt khác trong phạm vi nhất định đã vận dụng "hạt nhân hợp lý" của thuyết phân quyền, thừa nhận tính độc lập tương đối của lĩnh vực hành chính nhà nước. Chính phủ được độc lập trong lĩnh vực hoạt động của mình, chủ

động hơn trong việc lãnh đạo nền hành chính quốc gia, trở thành chủ thể chủ yếu nắm quyền hành pháp ở Trung ương.

Chính phủ gồm có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Thủ tướng Chính phủ do Quốc Hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước, còn Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ thì Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng. Ngoài Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội. Thẩm quyền của Chính phủ hết sức rộng lớn trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, giúp cho việc quản lý, điều hành xã hội của Chính phủ ngày càng có hiệu quả và toàn diện, bao trùm hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Pháp luật còn quy định rõ ràng cách thức hoạt động của Chính phủ - chủ thể cơ bản của quyền hành pháp, góp phần làm cho hành pháp được thực thi có hiệu quả hơn.

Phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ về cơ bản giống như trước, nhưng có một số điều chỉnh quan trọng thể hiện sự tăng cường vị trí, vai trò của Chính phủ theo hướng là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất có tính độc lập nhất định trong lĩnh vực này. Một trong những thẩm quyền quan trọng của tất cả các Chính phủ trên thế giới cũng như Chính phủ Việt Nam là hoạch định ra các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước và thực hiện chúng. Thẩm quyền này tạo cho Chính phủ nhiệm vụ phải nắm bắt được nhu cầu mọi mặt của đời sống xã hội. Khoản 4 Điều 112 quy định: "Chính phủ có nhiệm vụ thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân, thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước". Chính phủ là chủ thể có quan hệ thường xuyên với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, Chính phủ phải luôn nắm bắt được nhu cầu của đời sống xã hội và hoạch định ra những chiến lược để điều chỉnh xã hội trong một thời gian nhất định. Không những thế, Chính phủ còn có thể tham

gia chỉ đạo, giám sát việc thực thi các kế hoạch, chương trình đó. Chính phủ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện các công việc này và có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội bằng văn bản hoặc bằng hình thức trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực kinh tế, trong lĩnh vực đối nội, Chính phủ còn phải củng cố tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo và các chính sách xã hội khác. Chính phủ là cơ quan thực hiện chức năng quản lý chung, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để quản lý tốt, Chính phủ còn có một hệ thống các cơ quan như Bộ và các cơ quan khác của Chính phủ. Quản lý là một chức năng quan trọng của Chính phủ, tạo điều kiện và góp phần đưa đất nước đi lên. Vì xã hội có ổn định, có phát triển hay không phụ thuộc vào việc quản lý có tốt không? Nếu Chính phủ hoạt động không có hiệu quả thì hầu hết các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội bị ngưng trệ, hoặc đi theo một chiều hướng khác. Trong quá trình quản lý, Chính phủ có quyền ban hành các văn bản pháp quy để quản lý. Trong hệ thống các văn bản pháp luật của mỗi quốc gia, các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành khá nhiều, chủ yếu là để quản lý, đáp ứng nhu cầu từ chính công việc của hành pháp. Quy định cho Chính phủ thẩm quyền này không có gì bất hợp lý, bởi hơn ai hết, Chính phủ nắm rõ nhu cầu của toàn xã hội hơn các chủ thể khác, điều đó góp phần làm cho Chính phủ dễ dàng thực hiện chức năng của mình hơn trong quá trình quản lý. Chính phủ là chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội, chủ động điều chỉnh các mâu thuẫn kinh tế và xã hội. Để làm cho quyền hành pháp được thực hiện triệt để hơn, Hiến pháp năm 1992 còn quy định khá chặt chẽ cho Chính phủ các hình thức hoạt động. Luật tổ chức Chính phủ cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992, quy định Chính phủ hoạt động với một số hình thức: thông qua phiên họp của Chính phủ, thông qua hoạt động của Thủ tướng Chính phủ cũng như từng thành viên của Chính phủ (Điều 6).

Phiên họp Chính phủ là hình thức hoạt động tập thể, chủ yếu của Chính phủ. Phiên họp Chính phủ được quy định rõ mỗi tháng một lần, không hạn chế thời gian họp (Điều 33 Luật tổ chức Chính phủ năm 2001). Trong phiên họp Chính phủ giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Thủ tướng thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ cần giải quyết (Điều 114 Hiến pháp năm 1992). Hình thức hoạt động thông qua thành viên Chính phủ: " Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về lĩnh vực, ngành mình phụ trách" (Điều 117 Hiến pháp năm 1992). Khác với Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ phải " hướng dẫn và kiểm tra Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên", không chỉ là "tạo điều kiện cho Hội đồng nhân dân hoạt động" như trước đây. Trong lĩnh vực ngoại giao Chính phủ cũng có quyền hạn rất lớn, có ảnh hưởng trực tiếp trong mối quan hệ với các tổ chức quốc tế cũng như các nước trên thế giới. Điều đó được thể hiện tại Khoản 8 Điều 112 Hiến pháp năm 1992: " Chính phủ thống nhất quản lý công tác đối ngoại của nhà nước; ký kết, tham gia, phê duyệt điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia; bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài". Bên cạnh việc đàm phán, ký kết, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ thì trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp gần đây nhất thẩm quyền của Chính phủ được mở rộng, bao gồm cả việc đàm phán, ký kết, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước (trừ trường hợp quy định cho Chủ tịch nước).

Việc quy định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn, cách thức hoạt động của Chính phủ làm cho Chính phủ hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn, góp phần đưa đất nước dần thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Sự độc lập và quyền hạn của Thủ tướng cũng cao hơn và được quy định cụ thể hơn so với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Hiến pháp đã có sự phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với tính cách là tập thể với trách nhiệm của cá nhân Thủ tướng, các Bộ trưởng. Các quy định của Hiến pháp năm 1992 đã tạo ra khung pháp lý cơ bản cho Thủ tướng Chính phủ có thể tiến hành tốt hoạt động quản lý của mình. Nếu như trong Hiến pháp năm 1980 hầu như tất cả nhiệm vụ, quyền hạn đều được quy định cho Hội đồng Bộ trưởng, còn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ là "lãnh đạo công tác của Hội đồng Bộ trưởng, đôn đốc kiểm tra việc thi hành những quyết định của Quốc hội, Hội đồng nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và thay mặt Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo công tác đối với các Bộ, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban nhân dân các cấp" thì nay Hiến pháp phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Điều 112 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Điều 114 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ quản lý các hoạt động trong lĩnh vực hành pháp thông qua việc lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và đặc biệt là thông qua quyền chủ tọa các phiên họp của Chính phủ.

Bên cạnh đó Thủ tướng còn có các nhiệm vụ và quyền hạn như: Đề nghị Quốc hội thành lập hoặc bãi bỏ các Bộ và các cơ quan ngang Bộ, trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng và các chức vụ tương đương; được quyền phê chuẩn việc bầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, được miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc lãnh đạo, điều hành các hoạt động chung của Chính phủ, điều phối các chức năng của các thành viên Chính phủ thông qua hệ thống thể chế, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách, thể chế, giải quyết các vấn

đề quan trọng liên ngành, các vấn đề có ý kiến khác nhau giữa các Bộ. Thủ tướng Chính phủ là nhân tố điều hòa các mục tiêu chung và thúc đẩy toàn bộ hoạt động của Chính phủ trong việc thực hiện các chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật [23, tr. 135].

Mặc dù trách nhiệm của cá nhân những người đứng đầu đã được đề cao nhưng Hiến pháp vẫn coi trọng hình thức làm việc tập thể: "những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải thảo luận tập thể và quyết định theo đa số". Thủ tướng là người quyết định các chủ trương, biện pháp cần thiết để lãnh đạo và điều hành các hoạt động của Chính phủ và hệ thống các cơ quan hành chính từ trung ương đến cơ sở. Các thành viên Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước tiên là trước Thủ tướng Chính phủ - người trực tiếp lãnh đạo. Đây là một cơ chế làm việc rất phù hợp bởi chế độ một thủ trưởng lãnh đạo và chế độ tự chịu trách nhiệm về công việc thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý là rất cần thiết, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Thủ tướng Chính phủ có thể ra quyết định và kiểm tra việc thi hành các văn bản của mình. Thủ tướng Chính phủ còn có quyền đình chỉ hoặc bãi bỏ những văn bản của các cơ quan cấp dưới trái với Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan cấp trên. Riêng đối với nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thủ tướng có quyền đình chỉ việc thi hành các nghị quyết và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ. Có quyền đề nghị Quốc hội thành lập hoặc bãi bỏ nhưng cơ quan ngang Bộ. Thông qua những quyền hạn này Thủ tướng đã tham gia gián tiếp hoặc trực tiếp vào công việc quản lý và lãnh đạo việc thực hiện quyền hành pháp. Những hoạt động của Thủ tướng có hiệu quả sẽ làm cho toàn bộ hoạt động của Chính phủ có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ đối với toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Như vậy, theo Hiến pháp năm 1992 Thủ tướng Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong rất nhiều các lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước và tất cả những quy định đó đều là sự tăng cường quyền lực cho hành pháp, nhất là người đứng đầu hệ thống đó. Đây là lần đầu tiên trong Hiến

pháp Việt Nam có những điều khoản quy định khá cụ thể những nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Bộ và các cơ quan ngang Bộ là nơi trực tiếp thực hiện các công việc quản lý hành chính trong cả nước và các lĩnh vực, ngành mình phụ trách. Đây là cơ quan mà thông qua chúng quyền hành pháp được thực hiện và đi vào cuộc sống, hoạt động hành pháp của các Bộ chủ yếu là việc tổ chức lãnh đạo các ngành thuộc lĩnh vực quản lý của từng Bộ để đưa các văn bản pháp luật vào cuộc sống. Để thực hiện đúng đắn, đầy đủ các chức năng trên Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ có quyền ra các quyết định, thông tư để cụ thể hóa luật và hướng dẫn cụ thể các văn bản pháp luật và những chính sách, đồng thời có trách nhiệm kiểm tra việc thi hành chúng đối với các ngành, lĩnh vực.

Một phần của tài liệu Quyền hành pháp và tổ chức quyền hành pháp ở Việt Nam (Trang 70 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)