Đối với Chính phủ

Một phần của tài liệu Quyền hành pháp và tổ chức quyền hành pháp ở Việt Nam (Trang 102 - 104)

- Công cuộc hoàn thiện bộ máy nhà nước của nước ta hiện nay vẫn tiếp tục đặt ra nhu cầu nhận thức và vận dụng đúng đắn nguyên tắc tập quyền

3.3.1.1.Đối với Chính phủ

Hiện nay do sự phân công, phân nhiệm chức năng giữa các cơ quan còn chưa rõ ràng, chồng lấn đặc biệt là giữa Quốc hội và Chính phủ trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, cơ cấu thành viên của Chính phủ còn cồng kềnh. Để có một Chính phủ tinh gọn, Chính phủ nước ta phải tiếp tục kiện toàn theo hướng gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy cần xác định cơ cấu tổ chức và cơ cấu thành viên Chính phủ cũng như sắp xếp lại chúng. Về cơ cấu tổ chức, Chính phủ chỉ gồm có các Bộ và cơ quan ngang Bộ. Chỉ các cơ quan này mới cấu thành Chính phủ và người đứng đầu của chúng là các thành viên Chính phủ. Về cơ cấu chức danh, Chính phủ gồm có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Sắp xếp lại cơ cấu Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành các Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, giảm bớt đầu mối trực thuộc Chính phủ, tập trung vào sắp xếp lại

đối với các cơ quan thuộc Chính phủ. Một Chính phủ mạnh trước hết là một Chính phủ tinh gọn. Muốn vậy, phải tách khỏi Chính phủ những cơ quan không có chức năng làm chính sách, đưa một số cơ quan chức năng quản lý Nhà nước thuộc Chính phủ về các Bộ quản lý hoặc tạo thành một Bộ mới, chỉ để lại cơ quan trực thuộc Chính phủ hết sức hạn chế. Việc hợp nhất những Bộ có sự liên hệ gần gũi thành Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực diễn ra qua nhiều giai đoạn. Đặc biệt có sự điều chuyển mạnh mẽ bắt đầu từ năm 2007, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 (7/2007) đã quyết định: giảm số Bộ, cơ quan ngang Bộ còn 22. Sáp nhập Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; sáp nhập Bộ Thương mại với Bộ Công nghiệp thành Bộ Công thương; đổi Bộ Bưu chính - Viễn thông thành Bộ Thông tin và truyền thông; giải thể Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em, chức năng quản lý về dân số chuyển qua Bộ Y tế, chức năng quản lý về gia đình chuyển qua Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, còn Bộ Lao động - Thương binh và xã hội thực hiện nội dung quản lý, chăm sóc trẻ em; hợp nhất Ủy ban Thể dục - Thể thao - Du lịch và Tổng cục Du lịch vào Bộ Văn hóa thông tin thành Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thêm chức năng quản lý biển. Sau khi sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Chính phủ thì số lượng hiện nay còn lại 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ là vẫn còn nhiều. Cơ cấu bên trong của các Bộ phải được sắp xếp hợp lý, theo hướng quản lý tổng hợp, đa ngành, bỏ cấp trung gian, giảm đầu mối, thủ tục, phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, tránh chồng chéo, nâng cao trách nhiệm của từng bộ phận. Có quá nhiều Bộ, các Bộ lại luôn có xu hướng mở rộng bộ máy của mình gây khó khăn cho Chính phủ trong việc điều phối giữa các bộ phận trong Chính phủ. Để giảm số lượng Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thời gian tới có thể tiếp tục hợp nhất một số Bộ, cơ quan ngang Bộ cùng loại hoặc gần gũi về quản lý với nhau, ví dụ: Bộ Khoa học - Công nghệ với Bộ Giáo dục - Đào tạo thành Bộ Khoa học và Giáo dục. Song vẫn cần phải thiết lập một số lượng Bộ hợp lý, nếu số lượng Bộ quá ít, công

việc của các Bộ quá nhiều không được giải quyết kịp thời sẽ làm cho bộ máy hành chính hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên dù tách ra hay nhập vào, việc phối hợp công tác giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn là điều hết sức quan trọng, thiếu điều này sẽ tạo ra một bộ máy rời rạc, không thông suốt và hoạt động kém hiệu quả.

Một phần của tài liệu Quyền hành pháp và tổ chức quyền hành pháp ở Việt Nam (Trang 102 - 104)