Nguyên thủ quốc gia Chủ tịch nƣớc một chủ thể của quyền hành pháp

Một phần của tài liệu Quyền hành pháp và tổ chức quyền hành pháp ở Việt Nam (Trang 67 - 70)

quyền hành pháp

Nguyên thủ quốc gia là một chế định quan trọng trong bộ máy nhà nước. Các Hiến pháp của nước ta có sự khác nhau trong việc quy định về chế định Nguyên thủ quốc gia (Chủ tịch nước). Theo Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ. Theo Hiến pháp năm 1959, Chủ tịch nước đứng đầu Nhà nước nhưng có sự tham gia lãnh đạo Chính phủ thông qua việc bổ nhiệm Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ. Trong những trường hợp cần thiết có thể tham dự và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Hiến pháp năm 1980 quy định chế độ nguyên thủ quốc gia tập thể - Hội đồng nhà nước. Với sự thay đổi tư duy cũng như nhằm đáp ứng những nhu cầu thực tế, Hiến pháp năm 1992 đã bãi bỏ chế độ Chủ tịch nước tập thể và thay vào đó bằng Chủ tịch nước cá nhân. Đây không phải là điểm mới hoàn toàn, bởi trong Hiến pháp năm 1946 và năm 1959 đã từng quy định như vậy. Nhưng với tinh thần áp dụng triệt để nguyên tắc tập quyền do Đảng đã đề ra, Hiến pháp năm 1992 không xây dựng chế định Chủ tịch nước nắm giữ quyền lực mạnh mẽ trong hành pháp như Hiến pháp năm 1946, cũng như Hiến pháp của một số nước theo chế độ Cộng hòa Tổng Thống. Chủ tịch nước là một khâu rất quan trọng trong việc kết nối, liên kết, phối hợp hoạt động giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ. Chủ tịch nước thực hiện cả hoạt động lập pháp và hành pháp. Trong những trường hợp cần thiết Chủ tịch nước có thể tham dự các phiên họp của Chính phủ (Điều 105 Hiến pháp). Chủ tịch nước có ảnh hưởng đến quyền hành pháp chủ yếu thông qua các quyền như quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ(Khoản 3 Điều 103). Đối với các chức vụ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và

các thành viên khác của Chính phủ thì Quốc hội (hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp) phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các thành viên đó. Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ khi cần thiết nhưng không có quyền chủ tọa phiên họp của Chính phủ như quy định trong Hiến pháp năm 1959.

Mối quan hệ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước được Hiến pháp quy định chặt chẽ ở các Điều 84(về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội), Điều 91(về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Điều 103 (về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước). Trong lĩnh vực lập pháp: Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Chỉ có Quốc hội mới có quyền làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật, quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chủ tịch nước có thể ảnh hưởng đến quyền lập pháp bằng nhiệm vụ công bố luật, pháp lệnh và các nghị quyết của Quốc hội, thông qua đó chính thức công bố các văn bản này có hiệu lực, đã được thông qua và phù hợp với Hiến pháp. Riêng đối với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có sự phân biệt. Loại pháp lệnh, nghị quyết về những vấn đề thuộc thẩm quyền riêng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được Chủ tịch nước(đối với pháp lệnh) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đối với nghị quyết) công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được thông qua. Một số pháp lệnh, nghị quyết có thể được Chủ tịch nước công bố hoặc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại nếu không nhất trí. Đó là các pháp lệnh, nghị quyết về những vấn đề quy định ở điểm 8 và điểm 9 Điều 91 Hiến pháp. Theo đó trong thời gian Quốc hội không họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nước nhà bị xâm lược. Chủ tịch nước có quyền đề nghị Ủy ban

Thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh, nghị quyết của mình về các vấn đề ấy trong thời gian 10 ngày. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn tán thành pháp lệnh, nghị quyết đó mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.

Tuy nhiên, theo nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về tổ chức bộ máy nhà nước của Hiến pháp năm 1992 thì Chủ tịch nước không còn quyền này vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội không còn quyền phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề đó nữa (điểm 4 Điều 103). Việc tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nước nhà bị xâm lược là thẩm quyền đặc biệt của riêng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ được thực hiện quyền này khi Quốc hội không thể họp được và phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất (điểm 9 Điều 91). Trong trường hợp khẩn cấp, trước đây Hiến pháp quy định cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước đều có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp(điểm 10 Điều 91, điểm 6 Điều 103), thì nay Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được thì mới tự mình ban bố tình trạng khẩn cấp. Cũng có ý kiến cho rằng, việc ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương chỉ nên quy định cho Chủ tịch nước thực hiện là đủ, vì đó là những vấn đề có tầm quan trọng không lớn như quyết định chiến tranh và hòa bình hay tổng động viên [19, tr. 94].

Trong lĩnh vực tư pháp: nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước được mở rộng nhằm bảo đảm sự giám sát của Chủ tịch nước đối với bộ máy nhà nước. Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi miễn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc thành lập Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Một phần của tài liệu Quyền hành pháp và tổ chức quyền hành pháp ở Việt Nam (Trang 67 - 70)