Từ nhiều năm qua, đặc biệt từ khi có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trao đổi nghiệp vụ về công tác hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên luôn được quan tâm và chú trọng. Hoạt động hòa giải đòi hỏi không phải chỉ bằng kinh nghiệm cuộc sống mà còn đòi hỏi phải có hiểu biết nhất định về kiến thức pháp luật để giải quyết những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân được thấu tình, đạt lý và hiệu quả. Việc thuyết phục, giáo dục để mọi người thấy được các "đúng", các "sai" đi đến thỏa thuận chấm dứt bất đồng, mâu thuẫn, tranh chấp, hàn gắn mối quan hệ đoàn kết, hòa thuận không chỉ dựa vào tình cảm, truyền thống đạo đức, tập quán mà còn phải dựa trên cơ sở pháp luật. Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày một phát triển, trình độ dân trí ngày một nâng cao, người làm công tác
hòa giải không chỉ cần có đạo đức, uy tín, tâm huyết và nhiệt tình mà còn phải có kiến thức về nhiều phương diện, trong đó có kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải. Vì vậy, tăng cường bồi dưỡng thường xuyên đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và nghiệp vụ hòa giải cho tổ viên Tổ hòa giải là vấn đề cần thiết, có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng đội ngũ tổ viên Tổ hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh việc hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải còn có thể thực hiện nhiều hình thức khác đã được Bộ Tư pháp quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện như: tổ chức Hội thi "Hòa giải viên giỏi", biên soạn tài liệu, đề cương tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, sổ tay nghiệp vụ hòa giải, tờ gấp, tờ rơi... Trên cơ sở đó, các địa phương đã triển khai tích cực ở địa phương mình, góp phần từng bước nâng cao trình độ kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho tổ viên Tổ hòa giải, đồng thời dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong công tác hòa giải ở cơ sở. Phần lớn các tỉnh, thành phố trên cả nước, cơ quan tư pháp, đội ngũ cán bộ tư pháp cấp tỉnh đã thường xuyên tổ chức hoặc hướng dẫn tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ tư pháp cấp huyện và những người làm công tác hòa giải ở địa phương chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nghiệp vụ hòa giải. Việc biên soạn tài liệu hòa giải để cung cấp cho người làm công tác hòa giải ở địa phương được các Sở Tư pháp thực hiện tương đối tốt. Đến nay đã có 51/64 tỉnh đã biên soạn được tài liệu này, nhiều địa phương, việc cung cấp tài liệu này được thực hiện thường xuyên, định kỳ hàng năm. Theo số liệu khảo sát của nhóm chuyên gia thực hiện Dự án điều tra nghiên cứu đánh giá năng lực của cán bộ tư pháp cấp tỉnh về quản lý, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở (Dự án VIE/02/015 - Hỗ trợ thực thi Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010), đa số cán bộ tư pháp cấp xã đều cho rằng họ được cơ quan tư pháp cấp tỉnh thường xuyên cung cấp tài liệu phục vụ công tác hòa giải với tỷ lệ: 46,6%, không thường xuyên chiếm tỷ lệ 26,1% [46, tr. 67- 84].