Xuất phát từ những tiền đề đã phân tích ở trên, cũng như từ vai trò, tầm quan trọng của hòa giải trong đời sống xã hội, việc thể chế hóa hoạt động hòa giải, đặc biệt là hòa giải ở cơ sở là một nhu cầu khách quan.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đào Trí Úc khẳng định:
Nếu khi nhu cầu khách quan của xã hội (về kinh tế, chính trị, xã hội v.v...) đã chín muồi thì "sự chín muồi" đó chính là chân lý, chính là khuôn mẫu, mô hình cần phải được pháp luật quy phạm hóa... Ta có thể hình dung pháp luật như hai bờ của dòng sông. "Bờ" có nhiệm vụ đi theo dòng chảy, chứ bờ sông không thể thay được dòng chảy. Và nếu không có bờ, nước có thể cứ chảy, nhưng không theo dòng! Bảo đảm cho các quan hệ xã hội phát triển đúng quy luật! Phù hợp với lợi ích tiến bộ là "thiên chức" của pháp luật
Thể chế hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động hòa giải, thể hiện sự thừa nhận của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Xây dựng thể chế chính là khâu đầu tiên và rất quan trọng trong quản lý nhà nước về công tác hòa giải. Tuy nhiên, khi thể chế hóa hoạt động hòa giải, cần lưu ý rằng hòa giải ở cơ sở là hoạt động mang tính tự quản của nhân dân, quản lý nhà nước không phải nhằm "hành chính hóa" hoạt động này, biến Tổ hòa giải ở cơ sở thành tổ chức của chính quyền, mà chủ yếu là chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên, hỗ trợ kinh phí nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động hòa giải phát triển rộng khắp, có hiệu quả trong cộng đồng dân cư. Hòa giải với tư cách là một khía cạnh, một yếu tố của đời sống xã hội dân sự chính là ở chỗ đó.
Với ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội của công tác hòa giải ở cơ sở, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 6 năm 1997), Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 18 tháng 02 năm 1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (đã được thay thế bởi Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ) đã xác định việc củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ hòa giải là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và quản lý nhà nước nói riêng: "Mở rộng các hình thức tổ chức tự quản của nhân dân, công nhân, cán bộ, công chức tự bàn bạc và thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật những công việc mang tính xã hội hóa, có sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan, đơn vị như việc xây dựng Quy ước, Hương ước, Làng văn hóa, xây dựng Tổ hòa giải" [4].
Việc thông qua Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày 25 tháng 12 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành Nghị định 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 đã đặt cơ sở pháp lý quan trọng để công tác hòa giải tiếp tục phát triển và phát huy vai trò của mình trong đời sống xã hội, một mặt nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và thống nhất cho việc tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải - tổ chức thích hợp của nhân dân trong cộng đồng dân cư, từng bước kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác hòa giải ở cơ sở, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong công tác hòa giải, mặt khác, tăng cường sự đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.