Hoàn thiện các quy định về sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở

Một phần của tài liệu Pháp luật về tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở và phương hướng hoàn thiện (Trang 95 - 96)

phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở

Thực tiễn tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở cho thấy ở những nơi mà cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chính quyền thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao (ban hành Chỉ thị, kế hoạch, tạo điều kiện về cơ sở vật chất kinh phí…) đối với công tác hòa giải, có mối quan hệ chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh…thì nơi đó công tác hòa giải phát triển, phong trào hòa giải lớn mạnh, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, trật tự an ninh xã hội được ổn định, ngược lại nơi nào cấp ủy đảng và chính quyền thiếu quan tâm, thiếu chỉ đạo sát sao thì công tác hòa giải không phát huy được hiệu quả, các mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nhân dân không được giải quyết kịp thời, dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp tràn lan, vi phạm pháp luật và tội phạm diễn ra phức tạp và có hướng gia tăng, an ninh trật tự - xã hội mất ổn định, nhân dân thiếu lòng tin vào Đảng và chính quyền.

Lãnh đạo công tác hòa giải là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng thông qua việc ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, sự gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách đó và sự tích cực tham gia vào tổ chức và hoạt động hòa giải của các tổ chức đảng và đảng viên. Công tác hòa giải cần được xem như một trong những nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng, gắn công tác hòa giải với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tăng cường công tác hòa giải còn góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân đã xác định:

Đa dạng cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật như tăng cường xuất bản và phát hành sách hỏi đáp pháp luật (kể cả sách song ngữ), tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo… [5].

Công tác hòa giải là công tác vận động của quần chúng. Mối quan hệ mật thiết giữa các cơ quan tư pháp với các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể của quần chúng có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ bảo đảm tính dân chủ trong công tác hòa giải mà còn góp phần gắn kết hoạt động hòa giải với các phong trào của quần chúng, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải, nhằm tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc - một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Do đó, cần hoàn thiện các quy định về sự quản lý của Nhà nước, tăng cường sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Một phần của tài liệu Pháp luật về tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở và phương hướng hoàn thiện (Trang 95 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)