theo hướng phù hợp với việc kiện toàn các thiết chế xã hội tự nguyện trong điều kiện xây dựng và củng cố xã hội dân sự định hướng xã hội chủ nghĩa
Quan niệm hiện đại cho rằng một xã hội tiến bộ, văn minh là một xã hội mà ở đó Nhà nước không nhất thiết phải can dự vào tất cả mọi hoạt động của đời sống dân cư. Nhà nước chỉ nắm những gì, điều chỉnh những gì cần thiết nhất, còn lại giao cho nhân dân (cộng đồng) thực hiện để có được "một Nhà nước nhỏ" (nhưng có hiệu lực, hiệu quả) và "một xã hội lớn" (nhưng nằm trong một khuôn khổ nhất định).
Là một bộ phận của xã hội, Nhà nước đương nhiên chịu sự tác động của xã hội như là sự tác động của toàn bộ đối với bộ phận, cho dù đó là bộ phận quan trọng nhất. Sự liên hệ và tác động từ phía xã hội đối với nhà nước được thực hiện thông qua các quan hệ và hoạt động về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và đời sống tinh thần của xã hội. Trên thực tế, xã hội bao giờ cũng có vai trò quyết định đối với Nhà nước. C.Mác đã từng nói:
Nếu xem xét mức độ phát triển nhất định của sản xuất, trao đổi và phân phối, các anh sẽ thấy một chế độ xã hội nhất định, một tổ chức nhất định của gia đình, các tầng lớp, giai cấp, một xã hội dân sự. Nếu chọn một xã hội công dân nhất định, các anh sẽ thấy một chế độ chính trị nhất định, mà chế độ đó chỉ có thể là sự phản ánh chính thức một xã hội dân sự [54, tr.106].
Từ các mối liên hệ giữa Nhà nước và xã hội theo lôgíc chung nhất này, thông qua phạm trù xã hội dân sự có thể tìm hiểu cụ thể hơn về mối liên hệ giữa Nhà nước với xã hội cũng như giữa Nhà nước với các thiết chế và trật tự chung của xã hội.
Theo những quan niệm có thể nói là chung nhất, xã hội dân sự bao gồm những yếu tố cơ bản như: tập hợp những cơ cấu tách bạch khỏi Nhà nước, nó bao gồm rất nhiều các hội, các đoàn thể
được hình thành trên cơ sở tự nguyện của công dân; lĩnh vực thể hiện các lợi ích của xã hội nằm ngoài phạm vi tác động trực tiếp của nhà nước (quan hệ gia đình, đạo đức, văn hóa tinh thần, thông tin không mang tính chất chính trị); tập hợp tất cả những người có quan hệ nhất định với nhau theo sự tự do thỏa thuận mà không có sự can thiệp của Nhà nước [54, tr. 106-107].
Như vậy, có thể nói rằng, trong đời sống xã hội, xã hội dân sự là một lĩnh vực độc lập tương đối, phản ánh những lợi ích khác nhau của con người.
Theo C.Mác và Ph. Ăngghen, xã hội dân sự không đơn thuần chỉ là tập hợp các cá nhân mà trước hết và chủ yếu là một hệ thống hoàn chỉnh các mối liên hệ của các cá nhân thông qua các quan hệ kinh tế, pháp lý và các quan hệ khác. "Sự thay đổi và tiến trình phát triển của các quan hệ đó diễn ra cùng với sự thay đổi các hình thức sở hữu và các phương thức phân công lao động của xã hội. Theo đó, sự phân công lao động thô sơ đã đẻ ra chế độ đẳng cấp trong Nhà nước" [54, tr. 107]. Khái niệm "xã hội dân sự" chỉ xuất hiện trong thế kỷ XVIII, khi mà các quan hệ sở hữu thoát thai từ chế độ cộng đồng cổ đại và trung đại. Và cũng từ đó, theo C.Mác và Ph. Ăngghen, Nhà nước mới trở thành một thiết chế độc lập và đặt bên cạnh xã hội dân sự, ngoài phạm vi của xã hội dân sự.
Hiện nay, các nhà khoa học đang thực hiện một chương trình nghiên cứu về xã hội dân sự định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó hòa giải ở cơ sở dù muốn hay không cũng là một bộ phận đời sống của xã hội dân sự đó. Như vậy, việc kiện toàn tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở không thể tách rời với việc kiện toàn các thiết chế xã hội tự nguyện ở Việt Nam hiện nay.