Trong quá trình hòa giải, Tổ hòa giải không được tiến hành hòa giải các vụ việc sau:
a) Tội phạm hình sự, trừ trường hợp mà người bị hại không yêu cầu xử lý về hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành chính theo quy định của pháp luật;
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
b) Hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính Hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính gồm:
- Hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy tắc quản lý nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý vi phạm hành chính;
- Hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính như: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào
c) Vi phạm pháp luật và các tranh chấp mà theo quy định của pháp luật thì không được hòa giải.
Các vi phạm pháp luật và tranh chấp mà theo quy định của pháp luật không được hòa giải bao gồm:
- Kết hôn trái pháp luật: kết hôn trái pháp luật là những trường hợp như: tảo hôn (nam dưới 20 tuổi, nữ dưới 18 tuổi); việc kết hôn bị ép buộc, cưỡng ép, vi phạm nguyên tắc tự nguyện; việc kết hôn thuộc một trong những trường hợp Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định cấm kết hôn như: đang có vợ hoặc có chồng; người mất năng lực hành vi dân sự; giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha mẹ nuôi với con nuôi...
- Gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước: người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản nhà nước, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thì xử lý bằng biện pháp hình sự, không tiến hành hòa giải.
- Tranh chấp phát sinh từ giao dịch trái pháp luật là giao dịch vi phạm một trong những điều kiện sau:
+ Người tham gia giao dịch không có năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch đó.
Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Dân sự được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Cũng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 21, 22, 23), người chưa đủ 6 tuổi thì không có năng lực hành vi dân sự. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận
của tổ chức giám định. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình họ thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện (Điều 130 Bộ luật Dân sự năm 2005).
+ Mục đích và nội dung của giao dịch trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung trái pháp luật, trái đạo đức xã hội như giao dịch mua bán thuốc phiện, ma túy, mại dâm…thì vô hiệu (Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2005).
+ Người tham gia giao dịch không hoàn toàn tự nguyện, bị lừa dối hoặc cưỡng ép.
Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm
cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình. Khi người tham gia giao dịch không hoàn toàn tự nguyện, bị lừa dối hoặc cưỡng ép, giao dịch đó trái pháp luật.
+ Hình thức giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật.
- Tranh chấp về lao động
Theo quy định tại Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương XIV của Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002 về Giải quyết tranh chấp lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006, tranh chấp lao động được hiểu như sau:
Tranh chấp lao động là những tranh chấp về quyền và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động giữa người lao động, tập thể lao động với người sử dụng lao động. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động [34].
Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân gồm: Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động và Tòa án nhân dân. (Điều 165).
Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền gồm Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện) và Tòa án nhân dân. (Điều 168). Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích gồm Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động và Hội đồng trọng tài lao động (Điều 169).
Như vậy, các tranh chấp lao động không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổ hòa giải cơ sở ở thôn, xóm, làng, bản, ấp, tổ dân phố, cụm dân cư.
Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc hòa giải để trốn tránh xử lý bằng biện pháp hình sự, hành chính.
Chương 2