Sau khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, ngay từ những ngày đầu thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật quy định về hòa giải. Chế định hòa giải được ghi nhận tại các văn bản pháp luật về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành tư pháp. Trong giai đoạn này, Ban Tư pháp xã (gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và một ủy viên Ủy ban hành chính xã) và Thẩm phán Tòa án sơ cấp (từ năm 1950 gọi là Hội đồng hòa giải thuộc Tòa án nhân dân huyện) có quyền hòa giải tất cả các việc dân sự và thương sự. Như vậy, việc quản lý hoạt động hòa giải giai đoạn này thuộc nhiệm vụ của ngành tư pháp.
Trong Sắc lệnh số 13/SL ngày 24 tháng 01 năm 1946 về tổ chức các tòa án và các ngạch thẩm phán, Sắc lệnh số 51/SL ngày 17 tháng 4 năm 1946 về ấn định thẩm quyền các Tòa án và sự phân công giữa các nhân viên trong Tòa án do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quy định, Ban Tư pháp xã có nhiệm vụ
"hòa giải tất cả các việc về dân sự, thương sự. Nếu hòa giải được, ban tư pháp có thể lập biên bản hòa giải có các ủy viên và những người đương sự ký" [13]. Biên bản hòa giải thành của Tư pháp xã có hiệu lực tư chứng thư.
Bên cạnh đó, chế định hòa giải của Tòa án sơ cấp (trước năm 1950) và Tòa án nhân dân huyện (sau năm 1950) cũng được quy định trong Sắc lệnh số 51/SL ngày 17 tháng 4 năm 1946. Theo đó, Thẩm phán sơ cấp khi nhận được đơn kiện về dân sự hay thương sự phải đòi hai bên đến để thử hòa giải (Điều 9).
phải giao trước về ông Thẩm phán sơ cấp thử hòa giải (Điều 12) [14]. Biên bản hòa giải của Tòa án sơ cấp có hiệu lực công chứng thư.
Năm 1950, Hội nghị tập huấn Tư pháp toàn quốc năm 1950 được tổ chức ở Việt Bắc. Tại Hội nghị này, Hồ Chủ tịch đã nói: "Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn".
Thực hiện lời dạy trên của Bác, các văn bản Sắc lệnh, Thông tư quy định về hòa giải đã được ban hành như Sắc lệnh số 85/SL ngày 22 tháng 5 năm 1950 về cải cách bộ máy tư pháp và Luật tố tụng quy định: "Tòa án nhân dân huyện họp thành Hội đồng hòa giải để thử hòa giải tất cả các vụ kiện về dân sự và thương sự, kể cả các việc xin ly dị, trừ những vụ kiện mà theo luật pháp đương sự không có quyền điều đình" (Điều 9) [15].
Từ năm 1960 đến năm 1981, để thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Nhà nước ta trong giai đoạn mới - giai đoạn miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất đất nước, các cơ quan nhà nước đã được tổ chức, sắp xếp lại. Do những điều kiện lịch sử, Bộ Tư pháp thời kỳ này giải thể. Do đó, nhiệm vụ quản lý công tác hòa giải được chuyển cho Tòa án nhân dân tối cao thực hiện. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 1959, Điều 16 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 quy định: "Tòa án nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã hoặc đơn vị hành chính tương đương có nhiệm vụ hòa giải những vụ tranh chấp về dân sự... và hướng dẫn công tác hòa giải ở xã và khu phố" [25].
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có văn bản hướng dẫn việc thực hiện thẩm quyền mới của Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện, khu phố: "Trong khi thực hiện thẩm quyền mới, các Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện, khu phố phải luôn chú ý đầy đủ đến việc hòa giải, giáo dục nhân dân và xây dựng tư pháp xã. Cần đề phòng
khuynh hướng đưa ra xét xử nhiều việc mà thiếu kiên trì hòa giải, giáo dục các đương sự và nhân dân" [8].
Như vậy, có thể thấy rằng, chế định hòa giải vẫn được duy trì và phát triển và nó đã trở thành nhiệm vụ chính của cơ quan tư pháp bên cạnh chức năng xét xử của mình. Tờ trình của Bộ Tư pháp lên Chủ tịch nước ban hành Sắc lệnh số 85/SL ngày 22 tháng 5 năm 1950 về cải cách bộ máy tư pháp và Luật tố tụng đã nêu rõ nhiệm vụ chính của cơ quan tư pháp không những là xét xử mà còn là hòa giải những vụ xích mích ở địa phương để bớt sự tranh tụng. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết các tranh chấp mới phát sinh, giảm tải các vụ việc phải giải quyết ở các cấp Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao đã ra Thông tư số 02/TC ngày 26 tháng 02 năm 1964 về việc xây dựng Tổ hòa giải và kiện toàn Tổ tư pháp xã, khu phố. Tính chất, chức năng, nhiệm vụ của Tổ hòa giải được hướng dẫn cụ thể trong Thông tư. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên ghi nhận sự tồn tại của Tổ hòa giải - một tổ chức xã hội thể hiện tính chất tự quản của nhân dân, giúp đỡ cho các bên giải quyết những xung đột, tranh chấp không phải bằng con đường phân xử mà trên cơ sở giải thích, thuyết phục các bên.
Theo Thông tư số 02/TC, những việc thuộc nhiệm vụ của Tổ hòa giải gồm: những việc tranh chấp về dân sự, những việc ly hôn, vận động nhân dân ngăn chặn những vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình như cưỡng hôn, tảo hôn, lấy vợ lẽ, ngược đãi vợ con..., dàn xếp những việc cãi, chửi nhau, đánh nhau nhỏ nhặt và gian tham vặt, giáo dục nhân dân tự nguyện chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, các chính sách của Đảng và Nhà nước. Tổ hòa giải không có nhiệm vụ điều tra những việc phạm pháp hình sự. Những khi phát hiện những việc phạm pháp hình sự thì Tổ hòa giải phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân hành chính xã hoặc Ban hành chính khu phố biết.
Sự ra đời của Tổ hòa giải với việc được thành lập ở thôn, xóm, liên xóm hoặc theo đường phố đã đánh dấu sự chuyển giao trong công tác hòa giải
từ chỗ mang tính chất chính quyền - Ban Tư pháp xã chuyển sang tính chất tự quản, dân chủ trực tiếp của nhân dân - Tổ hòa giải, một tổ chức xã hội của nhân dân được duy trì và phát triển cho đến ngày nay.
Thực hiện Nghị định số 143/HĐBT ngày 22 tháng 11 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp, ngay sau khi được thành lập lại năm 1982, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ quản lý và hướng dẫn hoạt động của Tổ hòa giải từ Tòa án nhân dân Tối cao chuyển sang.
Thực hiện nhiệm vụ hòa giải, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/TT ngày 06 tháng 01 năm 1982 hướng dẫn xây dựng và kiện toàn hệ thống các cơ quan tư pháp địa phương, đặc biệt là tư pháp huyện và xã và Công văn số 527/QLTP ngày 28 tháng 8 năm 1984. Theo đó, các cơ quan tư pháp này trực tiếp quản lý và hướng dẫn hoạt động hòa giải. Ban Tư pháp có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ các Tổ hòa giải về mặt pháp lý và kinh nghiệm trong hoạt động hòa giải. Có thể nói đây là tiền đề cho việc xây dựng, kiện toàn tổ chức Tổ hòa giải ở cơ sở.
Từ năm 1982 đến năm 1987, trong phạm vi cả nước, các Tổ hòa giải đã được thành lập ở các thôn, xóm, ấp, tổ dân phố... Hoạt động hòa giải đã trở thành một phong trào sâu rộng và có hiệu quả tốt, góp phần quan trọng vào việc ngăn ngừa và giải quyết những tranh chấp ở cơ sở, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Từ năm 1988 đến năm 1992, trong quá trình chuyển đổi cơ chế, tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải ở nhiều cơ sở bị giảm sút, có nơi một số Tổ hòa giải bị tan rã và hầu như không hoạt động hoặc có hoạt động, nhưng hiệu quả không cao. Rất ít nơi còn duy trì đủ hệ thống tư pháp từ tỉnh đến xã, tổ chức hoạt động hòa giải địa phương đó vẫn được duy trì và phát triển như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,...
Một trong những nguyên nhân về tổ chức, trực tiếp tác động, dẫn đến tình trạng trên là các Phòng Tư pháp cấp huyện bị giải thể do việc tinh giản biên chế. Trong khi đó, Tư pháp xã lại không có cán bộ chuyên trách và Sở Tư pháp không đủ lực lượng cán bộ để đảm đương nhiệm vụ xây dựng tổ chức và hướng dẫn hoạt động hòa giải đến từng thôn, xã.
Từ năm 1992, hoạt động hòa giải từng bước được củng cố và phát triển bằng việc ghi nhận tại văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất - Hiến pháp năm 1992 và các văn bản khác có liên quan: "Ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những vi phạm pháp luật và những tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật (Điều 127) [29].
Điều 2 Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 6 tháng 10 năm 1992 cũng quy định: "Ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân. Tổ chức và hoạt động của tổ chức này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định"
[26].
Ở Trung ương, Bộ Tư pháp được Chính phủ giao nhiệm vụ về quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết hoạt động của các Tổ hòa giải (Điều 2, Nghị định số 38/CP ngày 04 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ). Ở địa phương, các cơ quan Tư pháp (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp) được giao nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động các Tổ hòa giải trong phạm vi địa phương (Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26 tháng 7 năm 1993 của Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan tư pháp địa phương). Để tiếp tục kiện toàn tổ chức, tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ hòa giải, trên cơ sở những văn bản pháp luật mới, Bộ Tư pháp một mặt chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trước đây giải thể Phòng Tư pháp khẩn trương thành lập lại; củng cố, kiện toàn Tư pháp xã, để quản lý và hướng dẫn hoạt động hòa giải ở cơ sở, mặt khác tổ chức Hội nghị chuyên đề toàn quốc
(tháng 8/1994) về Tư pháp xã và Tổ hòa giải để tổng kết, đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động hòa giải toàn quốc trong thời gian qua, đồng thời trao đổi kinh nghiệm và đề ra những biện pháp tiếp tục kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hòa giải ở các địa phương trong thời kỳ mới - thời kỳ hệ thống ngành tư pháp lại được tổ chức hoàn chỉnh từ Trung ương đến địa phương.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, mặc dù chưa có văn bản hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải thống nhất trong cả nước, nhưng các cơ quan tư pháp địa phương, tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền của địa phương, chủ động, sáng tạo tổ chức Hội nghị tổng kết, sơ kết, trao đổi kinh nghiệm, phát huy những thành tựu trong công tác hòa giải. Hàng năm trung bình ở mỗi tỉnh, thành phố, các Tổ hòa giải đã hòa giải được 2000 đến 3000 vụ, việc với tỷ lệ hòa giải thành từ 70- 80% vụ việc xảy ra ở cơ sở. Một số địa phương hòa giải thành đạt trên 85% như: Thành phố Đà Nẵng: 87%, Hà Giang: 90%...
Hoạt động hòa giải đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật và giảm đáng kể các vụ việc phải đưa lên Tòa án nhân dân huyện giải quyết, làm lợi cho Nhà nước nhiều tỷ đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trong những năm qua cũng đã bộc lộ những hạn chế sau đây:
- Chưa có quy định thống nhất về tổ chức hòa giải ở các địa phương trong phạm vi cả nước (có nơi thành lập các Tổ hòa giải ở xóm, thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố, có nơi thành lập ở xã, phường…);
- Chưa có văn bản pháp luật quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở, trình tự, thủ tục hòa giải, do đó, nhiều nơi thực hiện còn tùy nghi, không thống nhất, gây nên lúng túng, khó khăn cho công tác hòa giải…;
- Kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải (tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, sơ kết, tổng kết công tác hòa giải...) còn hạn chế.
Nhiều địa phương chưa quan tâm kiện toàn Tư pháp cấp huyện và cấp xã, để trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho Tổ hòa giải; không kiểm tra, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; không phát động phong trào thi đua, khen thưởng, động viên kịp thời người tốt, việc tốt trong công tác hòa giải, nên nhiều tổ chức hòa giải hoạt động sa sút, hình thức, kém hiệu quả...
Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải, từ tình hình tổ chức và hoạt động hòa giải trong thời gian qua và từ thực trạng pháp luật hiện hành về lĩnh vực này, ngày 25 tháng 12 năm 1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 8 tháng 01 năm 1999). Ngày 18 tháng 10 năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 11 năm 1999). Đây là hai văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định đầy đủ và đồng bộ các vấn đề về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở như hình thức, nguyên tắc, phạm vi hòa giải; vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong công tác hòa giải; quản lý nhà nước về công tác hòa giải; các quy định về cơ cấu Tổ hòa giải cũng như tiêu chuẩn, thủ tục bầu, miễn nhiệm tổ trưởng, tổ viên Tổ hòa giải; hoạt động hòa giải, khen thưởng và xử lý vi phạm. Sự ra đời của hai văn bản này thể hiện tính kế thừa, tính liên tục của truyền thống hòa giải ở nước ta, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ tổ viên Tổ hòa giải và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội khác, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang và công dân đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Tiếp tục thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh này, Nhà nước ta cũng đã ban hành các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hòa giải ở cơ sở như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 12 tháng 6 năm 1999 quy định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thi hành chính sách pháp luật, tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải; Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 về chức năng, nhiệm vụ, quyền