Tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 65)

a) Tổ chức của UBND tỉnh

Theo quy định tại Luật 2003 về tổ chức của UBND: "UBND do HĐND cùng cấp bầu ra, gồm có Chủ tịch, Phó chủ tịch và ủy viên. Chủ tịch UBND là đại biểu HĐND, các thành viên khác của UBND không nhất thiết phải là đại biểu HĐND … Kết quả bầu UBND cấp tỉnh phải được Chính phủ phê chuẩn"(Điều 119).

Về số lượng UBND cấp tỉnh, theo điều 122 Luật 2003 đã quy định: UBND cấp tỉnh phải có từ 09 đến 11 thành viên (riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 13 thành viên). Số lượng thành viên và Phó chủ tịch do Chính phủ quy định. Các Phó chủ tịch, các ủy viên UBND tỉnh được phân công phụ trách các lĩnh vực.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và theo sự ủy quyền của UBND cùng cấp; góp phần đảm bảo sự thống nhất trong quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công tác từ trung ương đến địa phương. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế của UBND tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn cấp trên. Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND và hướng dẫn về tổ chức một số cơ quan chuyên môn để HĐND cấp tỉnh quyết định phù hợp với đặc điểm của địa phương mình.

Theo Quyết định số 1088/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì số lượng thành viên của UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2011- 2016 có 09 người trong đó có 01 Chủ tịch, 03 Phó chủ tịch và 05 ủy viên; các cơ quan trực thuộc UBND có 18 sở, ngành gồm: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công thương, Sở Ngoại vụ, Sở Khoa học - công nghệ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

Như vậy, về mặt pháp lý UBND tỉnh do HĐND tỉnh bầu ra tại phiên họp của khóa mới. Luật định Chủ tịch UBND tỉnh là đại biểu HĐND là vấn đề mang tính chính trị, đảm bảo đúng bản chất của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại biểu của nhân dân địa phương. Thông qua Chủ tịch UBND, các quyết sách của HĐND sẽ nhanh chóng được tổ chức thực hiện; đồng thời phản ánh mối quan hệ tương quan quyền lực giữa HĐND và UBND.

Kết quả bầu các thành viên UBND tỉnh phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Điều này nhằm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời nêu cao vai trò, vị trí của người đứng đầu Chính phủ. Mặc dù vậy, việc quy định Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu thành viên UBND tỉnh thể hiện phương án trung dung giữa chế độ bầu và chế độ bổ nhiệm.

Luật 2003 đã có bổ sung so với Luật 1994 ở điểm sau: trong nhiệm kỳ, nếu khuyết Chủ tịch UBND thì Chủ tịch HĐND cùng cấp giới thiệu người ứng cử Chủ tịch UBND để bầu. Người được bầu giữ chức Chủ tịch UBND này không nhất thiết phải là đại biểu HĐND. Quy định như vậy mang tính chất tình thế, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhưng lại không đảm bảo đúng tính chất mối quan hệ giữa cơ quan quyền lực và cơ quan chấp hành của nó.

Trên cơ sở Hiến pháp 1992(sửa đổi, bổ sung 2001) về vai trò, vị trí của Chủ tịch UBND, Luật 2003 tiếp tục theo hướng đề cao vai trò, vị trí của người đứng đầu UBND, thể hiện như sau: Chủ tịch UBND tỉnh có quyền đình chỉ nghị quyết của HĐND cấp huyện và đề nghị HĐND tỉnh bãi bỏ; có quyền đình chỉ việc thực hiện hoặc bãi bỏ văn bản của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, văn bản của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện, phê chuẩn kết quả bầu các thành viên UBND cấp huyện.

Những quy định trên tạo ra một hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, tạo điều kiện để giải quyết các vấn đề có tính tác nghiệp cao trong hoạt động hành chính nhà nước, tránh việc họp hành nhiều, làm chậm trễ trong việc giải quyết các công việc hành chính.

Theo quy định của Hiến pháp và Luật 2003, UBND thảo luận tập thể và quyết định theo đa số các vấn đề chung, quan trọng thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh. Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND và các thành viên khác của UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND theo sự phân công của Chủ tịch UBND và quy định của Luật. Chủ tịch UBND có quyền ra các quyết định và chỉ thị có tính chất cụ thể để điều hành việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật quy định cho Chủ tịch. Chủ tịch UBND là người lãnh đạo, điều hành công việc của UBND, chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định, cùng với tập thể UBND chịu trách nhiệm về hoạt động của UBND trước HĐND cùng cấp và trước cơ quan nhà nước cấp trên. Giữ mối quan hệ với Tỉnh ủy, HĐND, Mặt trận Tổ quốc … Các Phó chủ tịch phụ trách các lĩnh vực theo sự phân công của Chủ tịch, hoạt động quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao và có trách nhiệm tham gia đóng góp những nội dung báo cáo được trình từ tại phiên họp UBND. Như vậy, UBND làm việc theo chế độ tập thể kết hợp với thủ trưởng chế. Tuy nhiên, với quy định như trên là mâu thuẫn với chế độ tập thể vì việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phải do chính tập thể đó bàn bạc phân công chứ

không phải do Chủ tịch UBND phân công, các Phó chủ tịch không phải là người giúp Chủ tịch thực hiện nhiệm vụ.

Luật 2003 đã tăng cường quyền hạn cho Chủ tịch UBND nhưng thực chất cũng chưa thích hợp với hoạt động hành chính nhà nước và yêu cầu quyết đoán, chịu trách nhiệm cá nhân trong điều hành, giải quyết các công việc có tác nghiệp và hướng nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Từ những quy định này của Luật và thực tiễn hoạt động của UBND đã làm cho bộ máy hành chính nhà nước có phần cồng kềnh, chưa tập trung việc thực hiện chức năng quản lý hành hành chính nhà nước đối với các quan hệ xã hội diễn ra ở địa phương. Đây là vấn đề trong mối quan hệ giữa tập thể UBND và người đứng đầu UBND. Nhìn chung, chất lượng đội ngũ thành viên của UBND đều đã tốt nghiệp một đại học chuyên ngành, đã học trung, cao cấp hoặc cử nhân chính trị. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy, các bằng cấp đều chắp vá thậm chí nhiều nơi còn xuất hiện tình trạng ghi tên nhưng chưa bao giờ tham gia lớp học (đây cũng là một vấn đề tiêu cực trong việc học hành của cán bộ, công chức hiện nay); phần đông các thành viên của UBND chưa tham gia lớp quản lý nhà nước, chương trình chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp (đây là do quá trình quy hoạch cán bộ chưa làm tốt, do quá trình điều chuyển cán bộ chưa xem xét kỹ càng …).

Theo quy định thì những người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh không nhất định phải là thành viên của UBND tỉnh. Quy định như vậy là không thật hợp lý vì chỉ khi là thành viên của UBND tỉnh thì với thành phần đầy đủ như vậy mới tạo thành cơ quan hành chính thẩm quyền chung, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tất cả các ngành, lĩnh vực. Đồng thời quy định như vậy cũng không xuất phát từ nguyên lý chung của tổ chức chính quyền: nhân dân bầu ra đại biểu của mình, cơ quan đại biểu bầu ra cơ quan chấp hành, mỗi ủy viên của cơ quan chấp hành phải phụ trách một

mảng công việc chuyên môn. Quy định này dẫn đến tình trạng UBND khó nắm bắt được hết hoạt động thực tế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Thực tiễn cho thấy, nếu người đứng đầu cơ quan chuyên môn mà không phải là thành viên của UBND thì thường chỉ quan tâm đến ngành, lĩnh vực, nắm được những công việc được giao, do mình phụ trách; ít quan tâm thậm chí không quan tâm đến công việc chung của UBND và các vấn đề thuộc thẩm quyền chuyên môn của các cơ quan chuyên môn khác.

Hiện nay, về tổ chức UBND tỉnh đang tồn tại một thiết chế không chính thức là "Thường trực UBND" gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, có thể có Chánh văn phòng UBND. Thiết chế này không được pháp luật quy định nhưng trên thực tế lại trở thành một bộ phận gần như quyết định mọi vấn đề đối với hoạt động của UBND tỉnh. Bộ phận này chỉ đạo công việc hàng ngày, chuẩn bị các vấn đề quan trọng thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND để UBND quyết định. Tuy nhiên, có những trường hợp có vấn đề bộ phận này cho ý kiến chỉ đạo và triển khai thực hiện sau đó mới đưa ra bàn bạc và quyết định tập thể ở UBND. Có thể thấy, cơ cấu này đóng vai trò quyết định, chi phối hoạt động của UBND, điều này làm cho hoạt động biểu quyết tập thể của UBND chỉ là hình thức. Vì UBND là một thiết chế hoạt động tập thể, đồng thời là thiết chế hành động chứ không phải thiết chế hội nghị như HĐND do vậy cần có những quy định để UBND thường xuyên giao ban, nhóm họp từ đó giải quyết các vấn đề bởi tập thể.

b) Hoạt động của UBND tỉnh

UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền chung, hoạt động theo nguyên tắc tập thể quyết định. Hoạt động của UBND tỉnh thông qua phiên họp, hoạt động của Chủ tịch và các thành viên của UBND. Ngày 18/01, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 89/QĐ - UBND về ban hành chương trình các phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, giao ban hàng tuần của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh năm 2012.

UBND tỉnh họp mỗi tháng ít nhất một lần. Các quyết định thông qua phải được quá nửa tổng số thành viên UBND biểu quyết tán thành. UBND tỉnh thảo luận và biểu quyết những vấn đề sau:

- Chương trình làm việc của UBND.

- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm, quỹ dự trữ của địa phương trình HĐND quyết định.

- Kế hoạch đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm ở địa phương trình HĐND quyết định.

- Kế hoạch huy động nhân lực, tài chính để giải quyết các vấn đề cấp bách của địa phương trình HĐND quyết định.

- Các biện pháp thực hiện nghị quyết của HĐND về kinh tế - xã hội, thông qua các báo cáo của UBND trước khi trình HĐND.

- Đề án thành lập mới, sáng lập, giải thể các cơ quan chuyên môn thuộc UBND và việc thành lập mới, chia, điều chỉnh địa giới hành chính ở địa phương.

Chủ tịch UBND là người lãnh đạo và điều hành công việc UBND, chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định. Chủ tịch UBND tỉnh bên cạnh những nhiệm vụ, quyền hạn chung mà luật định còn phải thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng như: Lãnh đạo công tác của UBND, các thành viên của UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND; triệu tập và chủ tọa các phiên họp của UBND; phê chuẩn kết quả bầu cử các thành viên của UBND cấp dưới trực tiếp, điều động, đình chỉ công tác, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp; phê chuẩn việc bãi nhiệm, miễn nhiệm các thành viên UBND cấp dưới trực tiếp; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật cán bộ - công chức nhà nước theo sự phân cấp quản lý; đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những văn bản trái pháp luật của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp mình và văn bản trái pháp luật của UBND,

Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp; đình chỉ việc thi hành nghị quyết trái pháp luật của HĐND cấp dưới trực tiếp và đề nghị HĐND cùng cấp bãi bỏ; chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng chống thiên tai, địch họa, dịch bệnh, an toàn thực phẩm … và báo cáo UBND trong phiên họp gần nhất; ra quyết định, chỉ thị để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Qua những phân tích trên chúng ta có thể thấy một số hạn chế như: UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền chung, quản lý nhà nước trên toàn bộ các lĩnh vực, các mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng trong khi đó thành phần của UBND tỉnh không bao gồm tất cả các thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND do vậy không thể chuyên sâu ở một số lĩnh vực; số kỳ họp UBND trung bình một kỳ trong một tháng và mỗi lần họp chỉ từ 1 đến 2 ngày, do đó chất lượng các phiên họp cũng có nhiều hạn chế, các quyết định của UBND trong mỗi phiên họp cũng chưa phản ánh khách quan, chính xác và tính hiệu lực cũng chưa cao; chế độ làm việc tập thể của UBND là bắt buộc trong khi đó công việc quản lý, điều hành của UBND lại đòi hỏi tính kịp thời, chính xác (nhất là trước yêu cầu hội nhập kinh tế và cải cách hành chính) vì vậy trên thực tế một số quyết định chỉ do một hoặc một số người trong UBND quyết định nhưng vẫn được xem như là quyết định của cả tập thể; Chủ tịch UBND vừa điều hành, chỉ đạo tập thể UBND thực hiện chức năng chung vừa phải thực thi trách nhiệm, quyền hạn cá nhân theo luật. Do vậy, rất cần có cả một bộ máy giúp việc trong đó phải có nhiều chuyên gia giỏi có kinh nghiệm lâu năm và ổn định công tác để tham mưu giúp Chủ tịch UBND chỉ đạo, điều hành trên các mặt hoạt động.

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)