Giai đoạn từ Hiến pháp 1959 đến Hiến pháp

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 36 - 40)

- Đây là giai đoạn có những thay đổi căn bản về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, thể hiện một xu hướng điều chỉnh mới của pháp luật đối với tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đồng thời thể hiện xu hướng tập trung quyền lực vào các cơ quan đại diện quyền lực nhà nước.

Theo Hiến pháp 1959, các đơn vị hành chính lãnh thổ nước ta gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tỉnh gồm huyện, thành phố, thị xã; huyện chia thành xã, thị trấn. Tất cả các đơn vị hành chính kể trên đều thành lập HĐND và UBHC. Các quy định của Hiến pháp 1959 về việc HĐND và UBHC trên các đơn vị hành chính - lãnh thổ là điểm mới so với Hiến pháp 1946. Việc quy định như vậy phần nào chịu ảnh hưởng của quan niệm xây dựng chính quyền Xô Viết ở Liên Xô trước đây. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức HĐND và UBHC các cấp năm 1962 quy định: Các thành phố có thể chia thành khu phố ở nội thành và huyện ở ngoại thành; các đơn vị hành chính nói trên đều thành lập HĐND và UBHC.

Theo Luật tổ chức HĐND và UBHC 1962, chính quyền trên địa bàn tỉnh được tổ chức thành 3 cấp: tỉnh, huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, xã. Cả 3 cấp trên đều có HĐND và UBHC. Nhưng cấp huyện là cấp không có kế hoạch và ngân sách độc lập, mọi nguồn lực, hoạt động tài chính của cấp này đều do cấp tỉnh quyết định. Do vậy, cấp huyện vẫn là cấp trung gian giữa chính quyền tỉnh với chính quyền cấp xã, không có những quyền tự chủ đầy đủ. Điều này phản ánh tính hình thức của HĐND cấp huyện.

Luật tổ chức HĐND và UBHC năm 1962 bắt đầu một xu hướng mới là đề cao địa vị chính trị pháp lý của các cơ quan đại diện. HĐND được xác định và quan niệm là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. UBHC là cơ quan chấp hành của HĐND đồng thời là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; vừa chịu trách nhiệm, chịu sự giám sát của HĐND, vừa chịu trách nhiệm, chịu sự kiểm tra và chỉ đạo của cơ quan hành chính cấp trên. Điều này đã hình thành chế độ song trùng trực thuộc của UBHC, vừa trực thuộc HĐND cùng cấp và trực thuộc cơ quan hành chính cấp trên.

Trong cơ cấu tổ chức HĐND các cấp đều thành lập các Ban chuyên trách để giúp HĐND thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Các UBHC đều thành lập các cơ quan chuyên môn theo quy định của Hội đồng

Chính phủ để giúp UBHC quản lý các ngành, lĩnh vực trên địa bàn địa phương theo nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ.

Tổ chức chính quyền địa phương tuy được điều chỉnh trong cùng một văn bản nhưng do sự khác nhau giữa đô thị và nông thôn nên Luật tổ chức HĐND và UBHC năm 1962 đã quy định 2 mô hình tổ chức có tính chuyên biệt, phân biệt giữa chính quyền tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương: tỉnh tổ chức 3 cấp chính quyền, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức 2 cấp ở nội thành, 3 cấp ở ngoại thành. Ngoài ra, Luật có những điều khoản riêng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBHC thành phố và khu phố.

Qua phân tích có thể đưa ra một số kết luận sau:

- Hiến pháp 1959 và Luật tổ chức HĐND và UBHC năm 1962 đề cao vị trí, vai trò của cơ quan đại diện của nhân dân với quy định: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương do nhân dân địa phương bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương, UBHC được xác định là cơ quan chấp hành của HĐND đồng thời là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Những quy định này thể hiện quan điểm tập quyền, đề cao vị trí, vai trò của HĐND trước UBHC cùng cấp và trong hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung.

- Tổ chức chính quyền địa phương lần đầu tiên được điều chỉnh bằng một văn bản có hiệu lực quản lý cao ở cấp độ Luật. Luật tổ chức HĐND và UBHC năm 1962 là văn bản duy nhất quy định tổ chức chính quyền địa phương ở cả nông thôn và độ thị.

- Luật tổ chức HĐND và UBHC 1962 có xu hướng đề cao vai trò, vị trí của HĐND trong mối quan hệ với UBHC cùng cấp, quy định rõ ràng hơn mối quan hệ giữa HĐND với UBHC cùng cấp, với UBHC cấp trên.

- Luật tổ chức HĐND và UBHC 1962 đánh dấu xu hướng thu hẹp và hạn chế việc phê chuẩn của cấp trên đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới so với Sắc lệnh 63 và 77 năm 1945. Quy định này

nhằm đảm bảo quyền chủ động, sáng tạo và tính chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp trên cơ sở phân cấp quản lý nhà nước, đồng thời thể hiện xu hướng dân chủ trong hoạt động nhà nước.

- Cơ cấu tổ chức số lượng đại biểu HĐND các cấp tăng nhiều so với đại biểu HĐND trước đây. Những quy định này phản ánh xu hướng mở rộng dân chủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương đồng thời huy động được rộng rãi sự tham gia của nhiều tầng lớp dân cư tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội. HĐND các cấp đều thành lập các ban chuyên trách để thẩm tra các đề án, kiểm tra việc thi hành nghị quyết của HĐND, góp ý kiến về việc xây dựng và thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Số lượng thành viên của UBHC cũng tăng đáng kể thể hiện của việc tăng thêm nhiệm vụ, quyền hạn của UBHC trong điều kiện mới. Giai đoạn này bắt đầu hình thành cơ chế kết hợp quản lý theo ngành và lãnh thổ.

Tuy nhiên, về cơ bản ở hầu hết các tỉnh trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng đều không thể kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền tỉnh vì trong điều kiện, hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, mọi sức người và của cải đều dồn vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

- Tỉnh Thái Nguyên thực hiện Nghị quyết số 111 NQ/TW ngày 10/4/1965 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 103 ngày 21/4/1965 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã "tiến hành hợp nhất tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái" [56, tr. 7-8].

Từ ngày 21 đến ngày 25/6/1965, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Thái khóa I họp kỳ thứ nhất với sự có mặt của 113 đại biểu trên tổng số 128 đại biểu; tại kỳ họp thứ nhất này Hội đồng nhân dân tỉnh đã bầu 01 Chủ tịch và 04 Phó chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Bắc Thái. Hội đồng nhân dân tỉnh vẫn chưa có chức danh Chủ tịch, chủ tọa kỳ họp là Chủ tịch Ủy ban hành chính khóa trước [56, tr. 11].

Từ ngày 01/7/1965, Hội đồng nhân dân và các Ban thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban hành chính chính thức làm việc theo tỉnh mới. Thời kỳ này, ngoài những cơ quan chuyên môn đã có, Ủy ban hành chính còn thành lập thêm một số cơ quan thuộc tỉnh để phục vụ nhu cầu cấp thiết trong chiến đấu chống giặc Mỹ như: Ban Kiến thiết cơ bản, Ban Ngoại vụ đường sắt …[56, tr. 12].

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)