chính quyền trên địa bàn tỉnh
Về thể chế, Luật 2003 thực chất chỉ là tổng hợp lại của Luật 1994 và 1996 mà chưa có những đổi mới, đột phá về tư duy xây dựng đối với tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng cấp. Do vậy cần phải có sự thay đổi căn bản đối với Luật 2003 từ tên gọi cho đến cơ cấu các phần của Luật cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Đối với chính quyền cấp tỉnh, cần phân định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND. Xây dựng HĐND thành một thể chế thực quyền và năng động, cần phải có những quy định chặt chẽ, tăng quyền cho Thường trực HĐND, tăng cường bộ máy giúp việc để HĐND có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình tốt nhất. Tăng biên chế cho các Ban của HĐND tỉnh, tăng số lượng đại biểu chuyên trách để thực hiện tốt chức năng mà luật pháp quy định. Với UBND, không hình thành thể chế thường trực vì là cơ quan chấp hành của HĐND thì UBND phải là cơ quan thường trực hoạt động thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, cần đổi mới để UBND phải là thể chế hoạt động tập thể, phải "giao ban" hàng ngày để thường xuyên trao đổi và phối hợp lẫn nhau giữa các thành viên của UBND và lãnh đạo cơ quan hành chính cấp dưới (Chủ tịch hoặc các Phó chủ tịch UBND cấp huyện) để thực hiện tốt các quyết định của UBND.
Ngày 15/11/2008, theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết trung ương V khóa X của Đảng, Quốc hội đã ra nghị quyết số 26/2008/QH12 về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường nhằm đảm bảo tính
tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đồng thời đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà nước và điều hành hành chính ở địa phương và để phân biệt rõ chính quyền đô thị và nông thôn. Ngày 16/01/2009, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII phiên họp thứ 16 đã thông qua Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 32 quận và 483 phường, xã, thị trấn của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 01/4/2009. Qua thực hiện có thể thấy một số điều như sau: chức năng giám sát của HĐND cấp huyện được chuyển giao cho HĐND tỉnh thực hiện thông qua đoàn đại biểu nhân dân của tỉnh; với đội ngũ cán bộ công chức của HĐND cấp huyện, cấp xã thí điểm bỏ thì luân chuyển đối với những cán bộ trẻ có năng lực sang cơ quan khác của địa phương, những cán bộ sắp đến tuổi hưu thì làm thủ tục nghỉ hưu.
Thực chất, chính quyền cấp huyện chỉ là cấp trung gian, thực hành, điều hành hành chính; đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và văn bản của cấp trên đối với việc thực thi ở cấp cơ sở. Do vậy, ở chính quyền cấp huyện có thể áp dụng chế độ thủ trưởng chế (Chủ tịch huyện, huyện trưởng), giúp việc cho Chủ tịch huyện là các Phó chủ tịch nhưng lãnh đạo huyện không hợp thành một thể chế tập thể mà hoạt động theo chế độ một thủ trưởng và dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy. Đồng thời phải hạn chế dần nhiệm vụ, quyền hạn của UBND huyện, quận để đảm bảo UBND cấp huyện chỉ là cấp tổ chức thực hiện các quyết sách của chính quyền cấp tỉnh ban hành.