Giai đoạn từ năm 1945 đến Hiến pháp

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 31 - 36)

a) Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, các Ủy ban dân tộc giải phóng ở các cấp đổi thành các "Ủy ban hành chính" để tổ chức và thực hiện công việc bảo vệ chính quyền nhân dân còn non trẻ, tổ chức đời sống nhân dân ở địa phương.

- Trên địa bàn cả nước, để tạo cơ sở về thể chế cho tổ chức chính quyền địa phương nói chung và chính quyền tỉnh nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945 về tổ chức HĐND và UBHC xã, huyện, tỉnh, kỳ; Sắc lệnh số 77 ngày 21/12/1945 về tổ chức HĐND và UBHC thành phố, khu phố. Theo quy định của 2 Sắc lệnh này, cấp tỉnh và cấp xã có HĐND và UBHC; cấp Kỳ và cấp huyện không có HĐND chỉ có UBHC; ở thành phố trực thuộc trung ương được tổ chức thành hai cấp: cấp thành phố và cấp khu phố. Cấp thành phố có HĐND và UBHC còn cấp khu phố chỉ có UBHC.

Theo Sắc lệnh số 63, cả nước chia thành 3 kỳ: Bắc, Trung và Nam và có 4 cấp hành chính: Kỳ, tỉnh, huyện và xã. Trong bốn cấp hành chính nói trên, chỉ có cấp tỉnh và cấp xã là cấp chính quyền hoàn chỉnh còn cấp kỳ và cấp huyện là cấp trung gian chỉ có UBHC không có HĐND (cấp kỳ và cấp huyện là cấp hành chính trung gian).

Cấp tỉnh là cấp hành chính đầu tiên sau trung ương, chính quyền tỉnh là cấp chính quyền được thiết lập trên một cộng đồng lãnh thổ dân cư của một vùng rộng lớn, với điều kiện kinh tế xã hội, tự nhiên, địa lý, dân cư hình thành lâu đời, có những truyền thống nhất định về văn hóa. Do vậy, chính quyền tỉnh là thiết chế quản lý, giải quyết mọi vấn đề liên quan đến đời sống dân cư trên lãnh thổ tỉnh. Chính quyền tỉnh là một thể chế bao gồm: HĐND và UBHC quản lý mọi mặt đời sống nhân dân trên lãnh thổ tỉnh.

HĐND tỉnh có từ 20 đến 30 đại biểu chính thức và một số đại biểu dự khuyết. Đại biểu HĐND tỉnh bầu theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Nhiệm kỳ của HĐND tỉnh là 2 năm nhưng khóa đầu chỉ 1 năm. Theo Sắc lệnh 63, HĐND có quyền quyết nghị tất cả các vấn đề thuộc phạm vi tỉnh mình nhưng không được trái với chỉ thị của cấp trên. Điều này thể hiện tính tự quyết và tự quản cao của HĐND; đồng thời để đảm bảo tính thống nhất trong điều hành, Sắc lệnh số 63 còn quy định: trong thời hạn 08 ngày, UBHC tỉnh phải đệ biên bản quyết nghị của HĐND tỉnh lên UBHC kỳ. Trong thời hạn 15 ngày, sau ngày nhận được biên bản quyết nghị, UBHC kỳ có quyền thủ tiêu hay giao về sửa chữa những quyết nghị của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, đối với những vấn đề quan trọng, quyết nghị của HĐND tỉnh phải được UBHC kỳ phê chuẩn trước khi thi hành; còn quyết nghị về những vấn đề sau đây phải được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn: về ngân sách tỉnh, vay tiền, cho thầu công vụ, định các thuế suất…HĐND tỉnh 4 tháng họp 1 kỳ, kỳ dài nhất không quá 15 ngày, riêng kỳ họp về ngân sách có thể kéo dài đến 15 ngày. HĐND tỉnh có thể họp bất thường khi có yêu cầu của UBHC kỳ, khi UBHC tỉnh xét thấy cần thiết hoặc khi có quá bán tổng số đại biểu yêu cầu. HĐND tỉnh họp công khai, dân chúng có quyền tham dự nhưng không có quyền phát biểu ý kiến.

Ủy ban hành chính tỉnh do HĐND tỉnh bầu trong số các đại biểu HĐND tỉnh, gồm 3 ủy viên chính thức (1 Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch và 1 thư ký) và 2 ủy viên dự khuyết. UBHC kỳ phê chuẩn kết quả bầu UBHC tỉnh, ủy

viên nào không được phê chuẩn thì phải bầu lại. UBHC tỉnh có trách nhiệm thi hành các mệnh lệnh của cấp trên, thi hành các quyết nghị của HĐND tỉnh, sau khi đã được cấp trên phê chuẩn, chỉ huy các công việc hành chính cấp dưới.

- Tại tỉnh Thái Nguyên, ngày 20/8/1945 tại Sân vận động Thái Nguyên trước cuộc mít tinh lớn của đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh lỵ Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã tuyên bố xóa bỏ chính quyền của địch, thành lập UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Lê Trung Đình làm Chủ tịch. Đến giữa tháng 9 năm 1945, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh Thái Nguyên công bố quyết định của Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ định Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên gồm 8 người. Ngày 23/12/1945, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên phấn khởi đi bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (do không nhận được Sắc lệnh ngày 18/12/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoãn ngày tổng tuyển cử sang ngày 06/01/1946 do vậy vẫn tổ chức vào ngày 23/12/1945). "Tháng 3 năm 1945, nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đồng chí Lê Trung Đình được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh)" [56, tr. 166]. Bên cạnh UBHC còn có Ủy ban bảo vệ các cấp (Thành phần ủy ban bảo vệ gồm đại diện UBHC, đại diện lực lượng vũ trang và 01 đại diện HĐND cùng cấp).

Giai đoạn này, cơ cấu bộ máy chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã có cả HĐND và UBHC tuy nhiên do điều kiện, hoàn cảnh kháng chiến do vậy lực lượng cán bộ lãnh đạo và các thành viên của HĐND và UBHC thiếu trầm trọng; trong thời kỳ này HĐND không có chức danh Chủ tịch (Chủ tịch UBHC đồng thời là Chủ tọa kỳ họp HĐND). Các cơ quan chuyên môn thuộc UBHC đã được thành lập để quản lý các ngành chuyên môn trên địa bàn tỉnh và theo yêu cầu của kháng chiến như: Ty Công an, Thông tin, Tiểu học vụ, Bình dân học vụ, Thuế quan, Thuế trực thu, Ngân khố, Bưu điện, Địa chính, Lâm chính, Thú ngư, Tín dụng sản xuất, Tầm tan, Khẩn hoang - di dân, Khuyến nông, Y tế …

b) Hiến pháp 1946 ra đời, kháng chiến chống thực dân Pháp được phát động trên cả nước. Trong tình hình đó, tổ chức chính quyền địa phương cũng có một số thay đổi nhất định để phù hợp với tình hình mới. Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành các Sắc lệnh (Sắc lệnh số 3 ngày 28/12/1946 và Sắc lệnh 91 ngày 01/10/1947) sửa đổi, bổ sung Sắc lệnh 63 và 77. Cụ thể là về việc tạm hoãn các cuộc tuyển cử vào HĐND và UBHC; về việc hợp nhất ủy ban kháng chiến và UBHC từ cấp xã đến cấp tỉnh thành ủy ban kháng chiến kiêm hành chính, thường gọi là UBHC - kháng chiến.

Theo quy định của các Sắc lệnh, tỉnh Thái Nguyên tiến hành hợp nhất UBHC và Ủy ban kháng chiến thành Ủy ban kháng chiến - hành chính tỉnh. Số lượng thành viên là 07 ủy viên trong đó có 01 Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch. Các cơ quan chuyên môn từng bước được củng cố, kiện toàn đủ các cán bộ chủ chốt và đội ngũ cán bộ được từng bước hoàn thiện. "Ngày 10/10/1949, 61.785 cử tri trên tổng số 95.755 cử tri tỉnh Thái Nguyên đã đi bầu được 20 đại biểu trên tổng số 38 ứng cử viên vào Hội đồng nhân dân tỉnh" [56, tr. 244].

Trong suốt 9 năm kháng chiến, UBHC - kháng chiến cấp tỉnh nói chung và ở tỉnh Thái Nguyên nói riêng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng, Chính phủ, tổ chức nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp, chăm lo đời sống nhân dân … đóng góp nguồn lực cho cuộc kháng chiến đến thắng lợi bằng mốc son lịch sử của dân tộc - Chiến thắng Điện Biên Phủ.

c) Năm 1954 hòa bình lập lại trên miền Bắc, để tổ chức chính quyền cho phù hợp với tình hình mới, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 004 ngày 20/7/1957 về bầu cử HĐND và UBHC các cấp ở miền Bắc.

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh ban bố Luật số 110 - SL ngày 31/5/1958 về tổ chức chính quyền địa phương. Luật này tồn tại không lâu sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1959 (Hiến pháp sửa đổi). Trên cơ sở những thay đổi của Hiến pháp 1959, năm 1962 Quốc hội thông

qua Luật tổ chức HĐND và UBHC các cấp. Sự ra đời của Luật này đã đánh dấu một giai đoạn mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở nước ta.

- Trong giai đoạn này, bộ máy chính quyền tỉnh Thái Nguyên cũng có nhiều biến đổi do việc vận động thành lập Khu tự trị Việt Bắc, "năm 1956 Trung ương chuẩn y kết quả thành lập Khu tự trị Việt Bắc (gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên), Thị xã Thái Nguyên được chọn là Thủ phủ của Khu tự trị" [56, tr. 331]. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức và hoạt động của Khu tự trị đã xuất hiện nhiều khó khăn vướng mắc. Do vậy Trung ương đã ra Nghị quyết số 27 ngày 03/11/1961 để thu hẹp chức năng, quyền hạn của Khu từ cấp chỉ đạo xuống cấp đôn đốc, kiểm tra. Từ đó, "tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền tỉnh Thái Nguyên cũng như các tỉnh bạn trong Khu tự trị giảm bớt được tình trạng lúng túng, bị động" [56, tr. 332]. HĐND tỉnh Thái Nguyên thời kỳ này có 28 đại biểu và 3 đại biểu dự khuyết.

* Qua những phân tích trên có thể nhận thấy một số đặc điểm của tổ chức và hoạt động của chính quyền tỉnh nói chung và tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn này như sau:

- Từ 1945 đến 1959 là giai đoạn đầu tiên hình thành, củng cố và phát triển chính quyền dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi giành độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp. Để tổ chức chính quyền địa phương, Đảng và nhà nước ta (đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã đặc biệt quan tâm đến việc xác lập cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền ở nông thôn và đô thị. Điều này khẳng định tính hợp hiến và hợp pháp của tổ chức chính quyền ở nước ta.

- Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và chính quyền tỉnh Thái Nguyên nói riêng đều được thực hiện trên cơ sở những quy định của Hiến pháp và pháp luật; thể hiện được tính dân chủ trong thiết lập quyền lực nhà nước.

- Đảng và Nhà nước đã phân biệt sự khác nhau về mô hình tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Điều này vừa có ý nghĩa thực tiễn vừa có ý nghĩa lý luận sâu sắc trong lý thuyết tổ chức chính quyền, phản ánh mối liên hệ giữa cơ cấu tổ chức của cơ quan nhà nước với môi trường chính trị, kinh tế, xã hội mà cơ quan đó tồn tại và phát triển.

- Trong cơ cấu quyền lực ở địa phương nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng trong giai đoạn này, quyền lực thực tế được tập trung vào UBHC các cấp, đặc biệt vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp. HĐND là thể chế đại diện của các cộng đồng lãnh thổ chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên cả về tổ chức và hoạt động.

- Cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương nói chung, chính quyền tỉnh Thái Nguyên nói riêng gọn nhẹ, đơn giản, có khả năng phản ứng linh hoạt đối phó với tình hình hoàn cảnh luôn thay đổi do chiến tranh gây ra, bảo đảm việc giải quyết các công việc được nhanh chóng, linh hoạt, thống nhất.

- Pháp luật về chính quyền địa phương trong giai đoạn này chú trọng đến phân cấp quản lý, bằng việc liệt kê cụ thể các công việc của chính quyền từng cấp, đồng thời tính đến quyền tự quyết, tự quản của chính quyền địa phương trong một số lĩnh vực.

- Trong các Sắc lệnh về tổ chức chính quyền địa phương đã áp dụng nguyên tắc "mặc nhiên" trong hành chính, một nguyên tắc được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới để giải quyết tranh chấp giữa hành chính và công dân.

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)