Giai đoạn từ Hiến pháp 1992 đến trước khi có Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 45 - 50)

Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003

Hiến pháp 1992 là Hiến pháp của thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về tổ chức bộ máy nhà nước đã có những thay đổi rất căn bản so với Hiến pháp 1980 nhằm tạo ra bộ máy nhà nước gọn nhẹ, năng động, có khả năng điều hành, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội trong cơ chế mới. Trong nền kinh tế thị trường, tính chất quản lý của nhà nước ngày càng phức tạp, nền kinh tế thị trường với những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của nó như phân hóa giàu nghèo, tham nhũng, tệ nạn xã hội phổ biến … ngày càng làm những bất công xã hội thêm sâu sắc.

Ngày 05/7/1994, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức HĐND và UBND, Luật bầu cử đại biểu HĐND (Luật sửa đổi). Theo quy định của Hiến pháp 1992 và Luật 1994, về tính chất pháp lý của HĐND các cấp nói chung, HĐND cấp tỉnh nói riêng vẫn được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương(Điều 119 Hiến pháp 92, Điều 1 Luật 94). Còn UBND vẫn được xác định là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ

quan hành chính nhà nước ở địa phương (Điều 123 Hiến pháp 92, Điều 2 Luật 94). Tuy nhiên, cơ cấu của HĐND và UBND các cấp gọn nhẹ hơn, số lượng đại biểu giảm từ 25 đến 30% (HĐND cấp tỉnh có từ 45 đến 75 đại biểu; UBND cấp tỉnh có từ 11 đến 13 thành viên trong đó có 01 Chủ tịch, 03 Phó chủ tịch.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND các cấp không có nhiều thay đổi lớn, về cơ bản vẫn tương tự như Luật 1989. Để phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở từng cấp, ngày 03/7/1996 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND mỗi cấp, Pháp lệnh không chỉ quy định thẩm quyền của HĐND và UBND từng cấp mà còn có một số quy định có tính chuyên biệt thực hiện quản lý nhà nước trên các địa bàn khác nhau(nông thôn: tỉnh, huyện, xã; đô thị: thành phố, quận, thị xã…)

Để xác lập về mặt pháp lý mối quan hệ giữa HĐND và UBND, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về quyền giám sát và hướng dẫn của ủy ban thường vụ Quốc hội, hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ đối với HĐND ngày 15/12/1996. Để đảm bảo tính dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể của UBND trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng trong đời sống xã hội ở địa phương, Luật 1994 đã quy định những vấn đề nhất thiết phải đưa ra thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số tại phiên họp của UBND (Điều 49). Ví dụ như: chương trình làm việc của UBND, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách, quỹ dự trữ của địa phương trình HĐND … Để đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, Luật tổ chức Chính phủ 2002 quy định: Thủ tướng Chính phủ có quyền miễn nhiệm, điều động, cách chức Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 5).

Giai đoạn 1991 - 1996, cơ cấu UBND và HĐND tỉnh Bắc Thái đã có một số thay đổi như: số lượng đại biểu HĐND giảm xuống tuy nhiên các cơ quan trực thuộc UBND và HĐND không có thay đổi gì.

Trong giai đoạn này, bộ máy chính quyền tỉnh Bắc Thái tập trung thực hiện Quyết định số 240-QĐ/HĐBT ngày 26/6/1990 của Hội đồng bộ trưởng về đấu tranh chống tham nhũng; chính quyền tỉnh Bắc Thái cũng tập trung chỉ đạo khắc phục thiên tai trong 2 năm 1991 và 1992, đồng thời thực hiện Nghị quyết 19 của Tỉnh ủy về mở rộng thị trường, sắp xếp lại hệ thống y tế, giáo dục; phân cấp quản lý cho huyện, thành, thị, xã, phường và thị trấn.

Tháng 11 năm 1994 đã có 97,7% cử tri trong tỉnh tham gia bầu cử lựa chọn được 5951 đại biểu HĐND các cấp. Năm 1994 là năm kết thúc khóa HĐND 1989 - 1994, bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh được 26 người, sau đó bầu các chức danh UBND được 13 đồng chí gồm 01 chủ tịch, 03 phó chủ tịch và các thành viên.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 và Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Thái, ngày 11/5/1995, UBND tỉnh Thái Nguyên đề ra chương trình công tác triển khai kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương. Tỉnh ủy và UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh tổ chức và các mối quan hệ trong bộ máy hành chính; xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức và cán bộ chính quyền cơ sở. Ban chỉ đạo cải cách hành chính được thành lập do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Sau 01 năm thực hiện, cải cách hành chính đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các ngành, các cấp trong tỉnh đã xây dựng được quy chế làm việc, những văn bản liên quan đến hoạt động của các ngành, các cấp được rà soát lại, lịch tiếp công dân được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng… Ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra nghị quyết chia tách và điều chỉnh địa giới một số tỉnh trong cả nước. Tỉnh Bắc Thái được tách thành 2 tỉnh: Bắc Kạn và Thái Nguyên, có địa giới như trước khi hợp nhất (7/1965) và hoạt động theo đơn vị hành chính mới kể từ ngày 01/01/1997. Tỉnh Thái Nguyên sau hơn 30 năm

hợp nhất cùng tỉnh Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái, đã được lập lại gồm 09 đơn vị hành chính trực thuộc: các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Phú Lương, Phú Bình, Thị xã Sông Công và Thành phố Thái Nguyên.

Ngày 05/5/1997, HĐND tỉnh họp phiên thứ nhất, bầu ra Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND, đến tháng 01/1998 bầu bổ sung chức danh Phó chủ tịch HĐND và kiện toàn Ban kinh tế - Ngân sách (bầu chức danh Trưởng ban) của HĐND khóa IX.

Nhằm củng cố, nâng cao năng lực điều hành của hệ thống chính quyền, ngày 13/7/1998, UBND tỉnh ra Quyết định số 1673/1998/QĐ-UB về việc ban hành quy chế làm việc của UBND tỉnh. Bản quy chế quy định phạm vi và quan hệ phối hợp giải quyết công việc; lập và thực hiện chương trình công tác của UBND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh, trình tự giải quyết công việc của Chủ tịch UBND tỉnh … Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 8 của Ban chấp hành TW Đảng (khóa VII), ngày 30/5/1997, UBND lâm thời tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 1234/QĐ - UB thành lập Ban chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh gồm có đại diện Ban tổ chức chính quyền, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài chính vật giá, Thanh tra tỉnh … Qua quá trình cải cách, bộ máy chuyên môn được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ. Bộ máy các cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương gồm 21 sở, ban, ngành và 09 huyện, thành, thị, 01 đơn vị sự nghiệp là Đài phát thanh và truyền hình; theo quyết định của tỉnh Ủy ban dân số - Gia đình và trẻ em được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ủy ban dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Ủy ban bảo vệ, chăm sóc trẻ em; thành lập Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh; thành lập Chi cục phát triển lâm nghiệp và tổ chức lại 05 Chi cục làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trực thuộc sở; tổ chức lại 12 phòng thuộc Sở thành 115 phòng mới …

Qua Hiến pháp 1992, Luật tổ chức HĐND và UBND 1994 và các văn bản khác cùng tổ chức và hoạt động cụ thể của HĐND và UBND tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) có thể nhận thấy những đặc điểm sau:

- Hiến pháp chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung về HĐND và UBND, không quy định cụ thể. Điều này tránh cho việc phải sửa đổi Hiến pháp.

- Cả Hiến pháp và Luật vẫn theo hướng đề cao vai trò, vị trí của HĐND. Tuy nhiên, đã có những quy định tăng cường quyền lực, trách nhiệm của Chủ tịch UBND. Ví dụ: Chủ tịch UBND cấp trên có quyền cách chức, điều động Chủ tịch, Phó chủ tịch cấp dưới trực tiếp …

- Năm 1996, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND mỗi cấp nhằm cụ thể hóa quan điểm phân cấp, phân biệt sự khác nhau giữa quản lý nhà nước ở đô thị và nông thôn, giữa đất liền với hải đảo, vùng đồng bằng và vùng sâu, vùng xa nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

- Hiến pháp và Luật vẫn quy định về cấp chính quyền tương đương (tỉnh, huyện, xã tương đương với thành phố trực thuộc trung ương, quận, phường). Cơ cấu tổ chức và các cấp chính quyền ở tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương vẫn được quy định giống nhau. Điều này thể hiện việc chưa nghiên cứu thấu đáo những sự khác biệt giữa các vùng lãnh thổ, đặc thù của các cấp chính quyền giữa nông thôn và đô thị.

- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND (sở, phòng, ban) mặc dù Luật xác định là cơ quan giúp việc cho UBND thực hiện quản lý hành chính nhà nước ở địa phương nhưng thực chất đây là các cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực. Do vậy, việc sử dụng thuật ngữ cơ quan chuyên môn để chỉ các sở, phòng, ban của UBND cũng làm hạn chế vai trò của các cơ quan này.

- Quy định việc UBND làm việc theo chế độ tập thể, bàn bạc và biểu quyết theo đa số đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND, những quy định tăng cường quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu UBND là phù hợp với tính chất, chức năng, thẩm quyền của cơ quan quản lý hành chính

nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, chưa làm rõ được mối quan hệ giữa tập thể UBND và Chủ tịch UBND.

- Luật về cơ bản chưa có những quy định mang tính phân hóa cao về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND từng cấp, chưa có những quy định thể hiện tính đặc thù đối với nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền nông thôn và đô thị.

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 45 - 50)