a) Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản trong hệ thống pháp luật, các văn bản của HĐND, của UBND tỉnh phần lớn đều bảo đảm nguyên tắc phù hợp với hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, đảm bảo tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật. Văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh ban hành phù hợp với Nghị quyết của HĐND tỉnh, đảm bảo sự phù hợp giữa hình thức, nội dung và thẩm quyền.
Trong những năm qua HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 1.007 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản có chứa quy phạm pháp luật (69 Nghị quyết, 126 Chỉ thị, 766 Quyết định, 46 văn bản khác có chứa quy phạm). Các văn bản trên tập trung điều chỉnh các chính sách ưu đãi đầu tư, quy định sử dụng đất, xóa đói giảm nghèo, việc làm, quy định về phân cấp tổ chức cán bộ, xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng, an ninh, quốc phòng…
b) Việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật
Thực hiện nội dung Đề án cải cách hành chính của tỉnh, ngày 03/7/2007 UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định số 805/QĐ-UBND và Quyết định số 804/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo và tổ tập hợp, hệ thống. Tổ đã kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND tỉnh
ban hành. Kết quả rà soát: tổng số văn bản còn hiệu lực thi hành 148 văn bản (trong đó Quyết định có 105 văn bản, Chỉ thị có 19 văn bản, Nghị quyết có 24 văn bản); tổng số văn bản đề nghị sửa đổi bổ sung có 168 văn bản (trong đó Quyết định có 161 văn bản, Nghị quyết có 7 văn bản); tổng số văn bản đề nghị bãi bỏ có 81 văn bản (trong đó Quyết định có 16 văn bản, Chỉ thị có 17 văn bản, Nghị quyết có 2 văn bản, Công văn có 46 văn bản); tổng số văn bản đề nghị thay thế có 135 văn bản (trong đó Quyết định có 114 văn bản, Chỉ thị có 14 văn bản, Nghị quyết có 7 văn bản); tổng số văn bản hết hiệu lực thi hành có 474 văn bản (trong đó Quyết định có 369 văn bản, Chỉ thị có 76 văn bản, Nghị quyết có 29 văn bản); tổng số văn bản đề nghị đình chỉ thi hành có 01 văn bản.
Qua rà soát, kiểm tra các văn bản đã giúp HĐND, UBND các cấp nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, lập lại trật tự, kỷ cương trong quy trình ban hành và quản lý văn bản, phát hiện kịp thời những hạn chế, vướng mắc để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
c) Việc rà soát các thủ tục hành chính
Xác định rà soát thủ tục hành chính là khâu đột phá của cải cách hành chính, trong những năm qua công tác rà soát thủ tục hành chính đã được tỉnh Thái Nguyên tích cực chỉ đạo thực hiện theo Nghị quyết số 38/CP ngày 04/5/1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính, Chỉ thị số 09/2005/CT-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
Năm 2006 UBND tỉnh đã có công văn số 1065/UBND-NC ngày 07/9/2006 về việc chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện tổng rà soát các thủ tục hành chính, các cơ chế chính sách, các quy định về phân cấp quản
lý ở các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã. Ngày 13/02/2007 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về việc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tổng rà soát các thủ tục hành chính để loại bỏ các thủ tục rườm rà, dễ gây nhũng nhiễu; xây dựng và niêm yết công khai quy trình, thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu, thời gian giải quyết, lệ phí của các thủ tục hành chính tại bộ phận có trách nhiệm giải quyết liên quan trực tiếp đến người dân.
Bước đầu qua thống kê các thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên có 483 thủ tục hành chính (trong đó thủ tục hành chính đang thực hiện ở cấp tỉnh có 318; cấp huyện có 88; cấp xã có 77).
Kết quả rà soát thủ tục hành chính: năm 2006 có 14/36 cơ quan đơn vị tiến hành rà soát được 53 thủ tục hành chính, trong đó: có 34 thủ tục hành chính đề nghị sửa đổi, bổ sung (trong đó chồng chéo 01, mâu thuẫn 17, phiền hà 16); 19 thủ tục hành chính đề nghị phân cấp (đề nghị phân cấp cho cấp Sở 07, đề nghị phân cấp cho cấp huyện 12); năm 2007 có 17/36 cơ quan đơn vị tiến hành rà soát được 163 thủ tục hành chính.
Tuy nhiên qua kiểm tra ở các cơ quan, đơn vị đã cho thấy: việc rà soát thủ tục hành chính ở một số cơ quan, đơn vị mới dừng lại ở việc thống kê và chỉ ra tên thủ tục hành chính mà chưa chỉ ra được những thủ tục hành chính phải hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, chưa thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại các bộ phận có trách nhiệm giải quyết mà mới chỉ niêm yết công khai một số thủ tục hành chính đang thực hiện theo cơ chế một cửa.
d) Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
* Cơ chế một cửa:
Thực hiện Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cơ chế một cửa tại các cơ quan hành chính ở địa phương, năm 2004 có 4 sở và 9/9 UBND huyện, thành phố, thị xã thực hiện cơ chế một cửa; năm 2005 thực hiện cơ chế một cửa tại 180 UBND xã,
phường, thị trấn; năm 2006 có thêm 7 sở, ngành thực hiện cơ chế một cửa; năm 2007 có thêm Cục thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Tư pháp thực hiện cơ chế một cửa.
Năm 2008 UBND tỉnh chỉ đạo tất cả các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh triển khai thực hiện cơ chế một cửa tại đơn vị mình theo quy định của Quyết định 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi đơn vị phải thực hiện ít nhất 50% công việc được giải quyết theo cơ chế một cửa, trong đó chú trọng trước hết những việc đang được xã hội quan tâm, có nhiều phức tạp, bức xúc.
* Cơ chế một cửa liên thông:
Thực hiện Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình một cửa liên thông. Năm 2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính với tổ chức và công dân.
Năm 2008, thực hiện chủ trương của tỉnh về việc chọn năm 2008 là năm "cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư", UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung cao độ cho việc thu hút các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh, cụ thể là:
- Thành lập Văn phòng một cửa liên thông của tỉnh: UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án "Thực hiện cơ chế một cửa liên thông giải quyết các thủ tục đầu tư và triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên"
- Chỉ đạo 10 đơn vị xây dựng Đề án cải cách thủ tục hành chính. Xây dựng quy trình giải quyết các công việc, mẫu hóa và công khai hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư trên báo, trên đài, trên truyền hình và trên mạng, gắn công nghệ thông tin vào việc công khai hóa các thủ tục hành chính, lập trang Web cải cách hành chính chung của tỉnh để mọi người dân, tổ chức được biết và truy cập được dễ dàng.
- Kết quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông:
+ Cấp sở, ngành tiếp nhận 27.814 hồ sơ, đã giải quyết xong 26.817 hồ sơ (đạt 96,4%), số hồ sơ còn lại đang trong thời gian giải quyết. Trong tổng số hồ sơ đã giải quyết xong có 19.618 hồ sơ trả đúng hạn (đạt 73,2%), có 6.920 hồ sơ trả trước hạn (đạt 25,8%), có 279 hồ sơ trả chậm (đạt 1,0%).
+ Cấp huyện tiếp nhận 140.653 hồ sơ, đã giải quyết xong 120.320 hồ sơ (đạt 85,5 %), số hồ sơ còn lại đang trong thời gian giải quyết. Trong tổng số hồ sơ đã giải quyết xong có 74.344 hồ sơ trả đúng hạn (đạt 61,8%), có 17.818 hồ sơ trả trước hạn (đạt 14,8%), có 28.158 hồ sơ trả chậm (đạt 23,4%). + Cấp xã tiếp nhận 481.800 hồ sơ, đã giải quyết xong 415.450 hồ sơ (đạt 86,2%), số hồ sơ còn lại đang trong thời gian giải quyết. Trong tổng số hồ sơ đã giải quyết xong có 268.215 hồ sơ trả đúng hạn (đạt 64,6%), có 14.988 hồ sơ trả trước hạn (đạt 3,6%), có 132.247 hồ sơ trả chậm (đạt 31,8%). Sau 4 năm thực hiện cơ chế một cửa, đa số các đơn vị, địa phương đều nhận thấy chất lượng và hiệu quả xử lý công việc được nâng lên, quy trình giải quyết công việc được đổi mới theo hướng hợp lý, khoa học, thời gian giải quyết công việc được rút ngắn, bảo đảm sự công khai, minh bạch về thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, phí, lệ phí... giảm phiền hà cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp, chống tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền của cán bộ, công chức. Việc thực hiện cơ chế một cửa đã đạt được bước chuyển biến ban đầu trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong toàn tỉnh, bước đầu được nhân dân đồng tình và hoan nghênh.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thực hiện giải quyết công việc theo cơ chế một cửa tại các cơ quan, đơn vị cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như sau:
- Nhận thức của cán bộ, công chức (kể cả một số lãnh đạo cơ quan, chính quyền các cấp huyện, xã, đơn vị) về thực hiện cơ chế một cửa chưa đầy
đủ, chưa sâu sắc, do đó việc thực hiện cơ chế một cửa chưa thực sự được quan tâm đúng mức; từ nhận thức đó dẫn đến không kiên quyết, thiếu chủ động sáng tạo, nhiều nơi còn mang tính hình thức, đối phó, chưa nghiêm túc.
- Việc rà soát các quy định về thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa của các cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm do đó việc tiến hành còn chậm. Sự phối hợp giải quyết giữa ngành với ngành, cấp dưới với cấp trên chưa đồng bộ, còn nhiều vướng mắc. Vấn đề kinh phí phục vụ cho thực hiện cơ chế một cửa chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức nên gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan, đơn vị bố trí phòng làm việc, trang thiết bị phục vụ cho công việc không đạt yêu cầu.
- Chưa có chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức làm tại bộ phận một cửa, chưa có cơ chế khen thưởng động viên kịp thời những cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt cơ chế một cửa và quy định việc xử lý những cơ quan, đơn vị, cá nhân gây cản trở hoặc không thực hiện nên chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.
- Người dân một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của cơ chế một cửa, thói quen trong quan hệ với chính quyền của người dân theo lối cũ chậm thay đổi.