Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 90 - 92)

Từ 2001 đến hết năm 2010, tỉnh đã tổ chức được 9 kỳ thi tuyển công chức, viên chức vào các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp. Đã tổ chức thi nâng ngạch và sơ tuyển đề nghị các Bộ cho thi nâng ngạch 204 công chức, viên chức. Đã tuyển dụng 2430 công chức, viên chức mới, trong đó: sự nghiệp giáo dục đào tạo 1556 người, sự nghiệp y tế 421 người, quản lý nhà nước và sự nghiệp khác 453 người. Tuyển dụng công chức cấp xã 417 người (trong đó 3 đợt thi tuyển dụng được 369 người, xét tuyển 48 người). Về công tác cán bộ, UBND tỉnh đã bổ nhiệm và bổ nhiệm lại 285 cán bộ lãnh đạo - quản lý thuộc thẩm quyền.

Về tinh giản biên chế, thực hiện theo Nghị quyết số 16 của Chính phủ, UBND tỉnh đã giải quyết chính sách cho 281 người; theo Nghị quyết 09 của Chính phủ, UBND tỉnh đã giải quyết chính sách cho 1.092 người; theo Nghị định số 132 của Chính phủ UBND tỉnh đã thực hiện tinh giản biên chế 2 lần với 480 người (trong đó nghỉ hưu trước tuổi 472, chuyển sang cơ quan, tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước 05, thôi việc 03).

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành chính cho 3.574 lượt người; đào tạo trình độ đại học cho 125, trung cấp hành chính cho 215 cán bộ chủ chốt cấp xã, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho 365 công chức cấp xã. Tổ chức bồi dưỡng 9.430 đại biểu HĐND 3 cấp của 2 nhiệm kỳ (1999 - 2004, 2004 - 2009).

Tính đến năm 2010 tổng số cán bộ, công chức, viên chức là 18.594 người, trong đó trình độ chuyên môn tiến sỹ là 8 người (đạt 0,04%), thạc sỹ là 334 người (đạt 1,80%), đại học là 6.717 người (đạt 36,12%), cao đẳng là 7.020 người (đạt 37,75%), trung cấp là 3.022 người (đạt 16,25%), sơ cấp là 217 người (đạt 1,17%). Đào tạo lý luận chính trị cho 1.234 người, trong đó trình độ cao cấp, cử nhân có 314 người (đạt 1,69%), trung cấp có 920 người (đạt 4,95%).

Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được chỉ đạo đổi mới, tăng cường phân cấp quản lý. Việc thi tuyển, xét tuyển, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện có nền nếp, đúng quy định, dân chủ, công khai. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng những thành tựu vẫn còn có những hạn chế nhất định là: Cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức chưa được xác định một cách khoa học gắn với thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ; định mức biên chế thiếu cơ sở, chưa phù hợp với khối lượng công việc của từng cơ quan hành chính; quản lý công

vụ và việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Việc sàng lọc thay thế thường xuyên những cán bộ, công chức, viên chức không đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức chưa được thực hiện; phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn có những bất cập làm hạn chế việc mở rộng quyền, trách nhiệm và hiệu lực quản lý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa có quy hoạch tổng thể thống nhất, còn tình trạng đào tạo tràn lan, nặng về những lý luận chung chung xa vời thực tế, thiếu chú trọng đến bồi dưỡng những kỹ năng làm việc, nhiều trường hợp chú trọng về bằng cấp hơn những kiến thức chuyên môn, kỹ năng thiết thực.

Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã còn nhiều hạn chế về kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng giải quyết những việc cụ thể những vấn đề nảy sinh ở địa phương.

Tình trạng làm việc trì trệ, thờ ơ, vô cảm trước những yêu cầm, đòi hỏi của dân, lãng phí thời gian diễn ra ở không ít các cơ quan hành chính các cấp.

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 90 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)