Giai đoạn từ Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 40 - 45)

Trải qua gần 10 năm trực tiếp kháng chiến chống Mỹ cứu nước (7/1965 - 5/1975), dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng, Chính phủ mà trực tiếp là Tỉnh ủy, UBHC tỉnh Thái Nguyên, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, yêu cầu góp phần vào chiến thắng chung của cả nước.

- Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Để thống nhất về mặt nhà nước, ngày 25/4/1976 cử tri cả nước tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội trong cả nước. Quốc hội quyết định ban hành Hiến pháp mới chung cho cả nước - Hiến pháp 1980.

Hiến pháp 1980 có những điểm thay đổi cơ bản so với Hiến pháp 1959 về mọi mặt: chế độ kinh tế, chính trị; tổ chức bộ máy nhà nước; về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Về vấn đề tổ chức chính quyền địa phương, có một số thay đổi như: đổi tên UBHC, phân cấp của chính quyền tại thành phố trực thuộc trung ương…

UBHC được đổi tên thành UBND, việc đổi tên này được xuất phát từ quan điểm: nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân nên chính quyền là chính quyền của nhân dân và do vậy UBHC đổi thành UBND. Điều này phản ánh, nhấn mạnh tính nhân dân, tính dân chủ của chính quyền. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ UBHC để thể hiện vị trí, tính chất của cơ quan

chấp hành HĐND sẽ phù hợp hơn, đúng với tính chất của nó là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Trên cơ sở Hiến pháp 1980, ngày 30/6/1983 Quốc hội thông qua Luật tổ chức HĐND và UBND, trong đó quy định ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều thành lập 3 cấp chính quyền với hai thể chế HĐND và UBND. Do vậy, từ giai đoạn này tổ chức chính quyền ở đô thị và nông thôn không có sự khác biệt nếu xét về cấp chính quyền.

Hiến pháp 1980 và Luật tổ chức HĐND và UBND 1983 giống như Hiến pháp 1959, Luật tổ chức HĐND và UBHC đều quan niệm: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho nhân dân địa phương, còn ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Theo Hiến pháp 1982 và Luật tổ chức HĐND và UBND 1983 thì nhiệm vụ, quyền hạn và đối tượng thẩm quyền, lĩnh vực hoạt động của hai cơ quan này đã được mở rộng rất nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Quy định như vậy xuất phát từ quan điểm chức năng tổ chức và quản lý kinh tế là chức năng cơ bản và quan trọng nhất của nhà nước xã hội chủ nghĩa, nên chức năng tổ chức và quản lý kinh tế cũng trở thành chức năng cơ bản của HĐND và UBND các cấp, nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương. Có thể nói rằng, các quy định này trong một chừng mực nhất định là chịu ảnh hưởng bởi chế độ quan liêu, bao cấp, các cơ quan nhà nước đều muốn mình trở thành người dẫn dắt, chỉ lối cho mọi hoạt động, đời sống dân sự của công dân.

HĐND không thành lập cơ quan thường trực, do vậy UBND có nhiệm vụ chuẩn bị các kỳ họp của HĐND, điều hòa và phối hợp hoạt động của các Ban chuyên trách của HĐND, tổ chức thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương, đảm bảo sự thống nhất quản lý của nhà nước. UBND trở thành cơ quan thường

trực của HĐND giữa 2 kỳ họp. Về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND các cấp, không có thay đổi lớn. UBND thành lập bộ phận thường trực gồm Chủ tịch, các phó chủ tịch và ủy viên thư ký. Chế độ thường trực của UBND cũng bắt đầu hình thành từ giai đoạn này. Việc thành lập thường trực UBND gây ra những mâu thuẫn nhất định trong thực tiễn hoạt động của UBND, thường trực UBND không phải là một cơ quan chỉ là hình thức làm việc của UBND nhưng thực tế đã trở thành siêu cơ quan trong cơ cấu UBND, có toàn quyền quyết định mọi vấn đề thuộc thẩm quyền UBND do vậy những vấn đề đưa ra UBND thảo luận chỉ mang tính hình thức, thực chất chỉ là sự hợp thức hóa các quyết định của thường trực UBND.

Hạn chế của Hiến pháp 1980 và Luật tổ chức HĐND và UBND 1983 về tổ chức chính quyền địa phương: tuy đề cao vị trí vị trí của HĐND nhưng không thành lập thiết chế thường trực HĐND do vậy HĐND chịu ảnh hưởng và chi phối, lệ thuộc vào UBND trong công tác chuẩn bị nội dung các kỳ họp, cũng như các hoạt động phục vụ cho hoạt động của HĐND. Điều này dẫn đến tình trạng giảm tính giám sát hoạt động UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND của HĐND, hoạt động của HĐND mang nhiều tính hình thức, kém hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, Quốc hội đã ra Nghị quyết sửa đổi một số điều Hiến pháp 1980 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 30/6/1989. Nghị quyết quy định thành lập Thường trực HĐND ở cấp huyện và cấp tỉnh nhưng thường trực HĐND không phải là một cơ quan độc lập mà chỉ là một thiết chế bên trong HĐND thực hiện những hoạt động có tính chất hành chính, phục vụ cho hoạt động của HĐND. Theo Luật sửa đổi, bổ sung thì thiết chế thường trực UBND được bãi bỏ, tất cả những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND đều phải được đưa ra thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số tại phiên họp toàn thể của UBND. Đồng thời, quy định đối với HĐND cấp tỉnh và cấp huyện đều thành lập thường trực HĐND gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và thư ký do HĐND bầu ra trong số đại biểu HĐND.

- Theo Quyết định của Quốc hội khóa V kỳ họp thứ 2, "Khu tự trị Việt Bắc tồn tại cho tới ngày 27 tháng 12 năm 1975 thì giải thể cùng với Khu tự trị Tây Bắc" [56, tr. 147].

- Tháng 8/1976, theo quy định của Hiến pháp 1980 và Luật tổ chức HĐND và UBND 1983, UBHC tỉnh Bắc Thái đổi tên thành UBND tỉnh Bắc Thái. Thời kỳ này, HĐND tỉnh Thái Nguyên chưa có Chủ tịch HĐND (vì Chủ tịch UBND vẫn kiêm nhiệm chức năng của Chủ tịch HĐND) tuy nhiên đã có các Ban: kinh tế - ngân sách, văn hóa xã hội và pháp chế. Số lượng thành viên đại biểu HĐND là 118 đại biểu. Tuy nhiên chất lượng đại biểu và hoạt động của HĐND và các Ban, các đại biểu HĐND chưa thực sự hiệu quả (vì các hoạt động chuẩn bị và tổ chức kỳ họp do UBND tỉnh thực hiện). Bộ máy UBND bao gồm: Thường trực UBND (gồm có 01 chủ tịch và các phó chủ tịch), các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (thời kỳ này vẫn gọi là các Ty, phòng, ban). Về cơ cấu bộ máy tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND tỉnh Bắc Thái theo quy định của Hiến pháp và Luật; Với nhiệm vụ trọng tâm và chủ yếu và khắc phục hậu quả của chiến tranh, thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm (1976 - 1980) và chi viện cho các tỉnh biên giới phía Bắc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Trong giai đoạn từ 1981 đến 1986, tỉnh Bắc Thái tập trung thực hiện kế hoạch 05 năm. Trong thời kỳ này, về cơ cấu tổ chức bộ máy của HĐND và UBND tỉnh không có thay đổi, biến động gì so với HĐND khóa trước (Tuy nhiên trong cơ cấu HĐND ngoài các Ban chuyên trách còn có thêm Ban thư ký theo quy định của Luật năm 1983).

Đến kỳ họp Hội đồng nhân dân khóa VIII (1989 - 1994), Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Thái đã bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đồng chí Chu Văn Cường. Đồng thời thực hiện Nghị quyết số 109 ngày 12/4/1991 và Quyết định số 111 tháng 2/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về sắp xếp lại bộ máy nhà nước

cấp tỉnh và cấp huyện Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái đã tiến hành cơ cấu, sắp xếp lại các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh còn 21 cơ quan) [56, tr. 295].

Theo quy định của Hiến pháp 80, Luật 83 và thực tiễn tại tỉnh Bắc Thái ta có thể nhận thấy một số nét như sau:

- Xu hướng đề cao vai trò, vị trí của HĐND tỉnh trong cơ cấu quyền lực nhà nước ở địa phương. Các quy định và sửa đổi, bổ sung đều nhằm mục đích mở rộng nhiệm vụ quyền hạn của HĐND, nâng cao hiệu quả, hiệu lực, tạo khả năng giám sát cho HĐND.

- Quan điểm làm chủ tập thể có ảnh hưởng chi phối tới toàn bộ nội dung Hiến pháp 1980 và Luật tổ chức HĐND và UBND 1983. Các quy định nhằm tăng cường chế độ làm việc tập thể của các cơ quan nhà nước ở địa phương xuất hiện trong cả Hiến pháp, Luật cũng như Luật sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, pháp luật lại không đề cao trách nhiệm cá nhân vì vậy không xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND với vai trò, trách nhiệm của từng thành viên UBND các cấp. Pháp luật quy định chỉ có HĐND cùng cấp mới có quyền bãi miễn thành viên UBND, điều này dẫn đến tình trạng không đảm bảo tính thống nhất thông suốt của hoạt động hành chính, hiệu lực quản lý nhà nước không được tăng cường, dẫn đến tình trạng cục bộ địa phương.

- Hiến pháp 1980 và Luật không có những quy định chuyên biệt về tổ chức chính quyền ở tỉnh và chính quyền ở thành phố như vậy là khi làm luật đã không tính đến các yếu tố đặc thù giữa nông thôn và đô thị; không có những quy định phân biệt nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND từng cấp mà chỉ quy định chung chung, điều này có nghĩa là không tính đến yếu tố phân cấp trong quản lý, tính đặc thù của từng cấp chính quyền địa phương, đặc thù của đời sống các cộng dân cư. Từ năm 1989 đến 1992 không có bất kỳ văn bản nào quy định đến vấn đề phân cấp này, điều này dẫn đến tình trạng

khó khăn cho HĐND và UBND các cấp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời làm cho cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp ngày càng sâu sắc.

- Một trong những hạn chế lớn của Luật năm 1989 (sửa đổi) so với Luật năm 1983 là: Luật năm 1989 đã bỏ quy định về thẩm quyền đặc biệt của HĐND mà Luật năm 1983 đã quy định 10 vấn đề nhất thiết phải được thảo luận tập thể và giải quyết trong kỳ họp của HĐND mặc dù các quy định của Luật 1989 đã đảm bảo tính độc lập của HĐND trong mối quan hệ với UBND. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng là do sự thay đổi mối quan hệ giữa HĐND và UBND - UBND không còn là cơ quan thường trực của HĐND.

Một phần của tài liệu Cải cách chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 40 - 45)