nguyên nhân
a) Những ưu điểm của tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND cấp tỉnh
- HĐND là cơ quan quyền lực của nhân dân trên địa bàn vừa đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, vừa đại diện cho cơ quan nhà nước.
UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Quy định như vậy về mặt lý thuyết đảm bảo quyền lực của nhân dân được triển khai trực tiếp và cụ thể trên địa bàn; điều hành cụ thể các hoạt động của đời sống xã hội theo đặc thù của mỗi khu vực, mỗi địa bàn mà không trái với các quy định của pháp luật và chỉ đạo của cơ quan cấp trên.
- Quy định Bí thư tỉnh ủy kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh làm cho hoạt động giữa Đảng, HĐND và UBND thuận lợi và có sự thống nhất cao.
- Về hoạt động chuẩn bị và tổ chức kỳ họp HĐND đã được kỹ lưỡng, phân công cụ thể, quá trình chuẩn bị đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Các nội dung chuẩn bị đã được gửi cho các đại biểu đúng và đủ thời gian để nghiên cứu. Trong kỳ họp, Chủ tọa kỳ họp đã điều hành linh hoạt, gợi mở hơn để các đại biểu có thể thảo luận dân chủ, trách nhiệm và thẳng thắn hơn. Công tác chất vấn về những vấn đề được nhân dân quan tâm được thảo luận và biểu quyết thỏa đáng, không bị hạn chế về thời gian và nội dung như trước đây.
- Hoạt động giám sát của HĐND đã tập trung và bám sát hơn vào những nội dung thiết thực và cụ thể. Nội dung giám sát được xây dựng và chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát vào các vấn đề gây dư luận xã hội hoặc có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Kết luận giám sát bằng văn bản và được thông tin đầy đủ, rộng rãi đến các đối tượng và các cơ quan hữu quan.
- Hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền tỉnh đã dần đi vào nề nếp, cơ quan quyền lực đã thực hiện tốt hơn việc nghiên cứu tham gia xây dựng văn bản dự thảo.
- Hoạt động tiếp xúc cử tri đã được cải thiện rõ rệt về nội dung, hình thức và địa điểm; với quan điểm là gần dân, sát dân, trao đổi và lắng nghe để giải quyết tâm tư và nguyện vọng của nhân dân.
- Hoạt động của các cơ quan chuyên môn và tập thể UBND đã từng bước thực hiện đúng quy định, nội dung hoạt động được dân chủ, công khai, minh bạch và gần gũi với nhân dân hơn. Những sai phạm của cơ quan hành chính gây thiệt hại cho nhân dân đều được xem xét và khắc phục kịp thời.
b) Những tồn tại, hạn chế
- Với ý nghĩa HĐND phải là cơ quan quyền lực có toàn quyền ở địa phương, vừa chịu trách nhiệm trước nhân dân vừa chịu trách nhiệm trước cấp trên. Còn UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, là cơ quan hành chính ở địa phương như vậy UBND vừa chịu trách nhiệm trước HĐND vừa chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên. Với quy định như vậy, cả HĐND và UBND đều phụ thuộc nhiều vào các quy định, điều hành, chỉ đạo của cơ quan hành chính cấp trên. Điều này dẫn đến tình trạng bao cấp, không phát huy được năng lực của chính quyền cấp dưới, tạo ra xu thế đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước ở các cấp.
- Theo Luật 2003, chính quyền cấp tỉnh vừa thực hiện các quy định của pháp luật, các quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên, vừa thực hiện các quyết định do mình ban hành, từ đó dẫn đến tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của chính quyền tỉnh cũng bị hạn chế.
- Tổ chức chính quyền tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương giống nhau là chưa hợp lý, chưa tính đến đặc thù của đời sống đô thị và nông thôn.
- Cơ chế và tổ chức các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, thanh tra là quá nhiều, dẫn đến sự phụ thuộc vào nhiều sự chỉ đạo của các cơ quan cấp trên khác nhau mà thực chất chính quyền tỉnh chỉ cần tuân thủ theo quy định của pháp luật do vậy cũng dẫn đến tính tự chủ nửa vời của chính quyền tỉnh.
Nhìn chung, mô hình tổ chức của chính quyền tỉnh hiện nay chưa đảm bảo được tính tự quản, tự chịu trách nhiệm.
- Những hạn chế, tồn tại trong hoạt động của chính quyền tỉnh:
Một là, hoạt động của HĐND chưa thể hiện được tính chủ động; hình thức, nội dung, số lượng ngày họp của HĐND đều được quy định; có quy định cho kỳ họp bất thường nhưng số ngày cho mỗi kỳ họp là rất ngắn. Do vậy dẫn đến tình trạng HĐND chỉ thông qua các dự thảo mà những cơ quan khác đã chuẩn bị sẵn.
Hai là, đại biểu HĐND hầu hết là không chuyên trách, Chủ tịch HĐND thường do Bí thư tỉnh ủy kiêm nhiệm, thường trực HĐND, các Ban của HĐND thiếu đại biểu chuyên trách, biên chế thiếu, văn phòng của HĐND nhiều hoạt động mang tính hành chính.
Ba là, các quyết định hành chính và hành vi hành chính của HĐND và UBND tại các kỳ họp, hội nghị chưa thực sự có hiệu lực và hiệu quả.
Bốn là, hoạt động giám sát của các cơ quan theo chức năng chưa ngang tầm, chưa hiệu quả nên dẫn đến tình trạng hoạt động nhiều nhưng thiếu trật tự, thiếu tính luật; những khiếu nại, tố cáo ngày càng nhiều, phức tạp, đa dạng và đông người. Hoạt động giám sát của các đại biểu HĐND chưa thực chất, mang nặng tính hình thức. Việc phản ánh ý kiến của cử tri chưa đầy đủ, kịp thời, chưa giải quyết được những bức xúc của nhân dân.
Năm là, đội ngũ cán bộ công chức, lãnh đạo các cơ quan của chính quyền cấp tỉnh chưa phát huy được hết vai trò và thẩm quyền của mình.
Trách nhiệm và chế độ cho đại biểu HĐND, cho đội ngũ cán bộ công chức thấp, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi.
Chất lượng đại biểu HĐND đã được cải thiện nhưng nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng được theo yêu cầu của bộ máy chính quyền năng động trong thời kỳ mới.
Sáu là, hoạt động của chính quyền cấp tỉnh nhìn chung chưa đảm bảo được tính pháp chế của nhà nước pháp quyền; nhiều quyết định còn chồng
chéo về thẩm quyền, thực hiện còn nhiều tầng nấc và chồng chéo giữa các cơ quan; nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo và vụ án hành chính chậm được giải quyết hoặc đùn đẩy dẫn đến những bức xúc và giảm niềm tin của tổ chức, cá nhân đối với chính quyền.
Tóm lại, bên cạnh những ưu điểm, thành tựu đã đạt được, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cấp tỉnh còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Tổng kết thực tiễn của Đảng, Chính phủ đã chỉ ra rằng: Nhìn chung, việc xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức chưa đạt yêu cầu tinh gọn, hiệu quả; bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, quan liêu, trách nhiệm không rõ, hiệu lực, hiệu quả thấp. Mối quan hệ về trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân, nhất là những người đứng đầu chưa được quy định cụ thể; chưa phát huy đúng mức vai trò của cá nhân và tập thể, khó đánh giá được kết quả công tác và quy rõ trách nhiệm cá nhân khi có sai phạm.
c) Nguyên nhân
- Do sự chưa hoàn thiện của pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nói chung, nhất là những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.
- Chính quyền cấp tỉnh chưa thể hiện được đúng vai trò, vị trí của nó là đơn vị trung gian giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương các cấp. Quy định mô hình chính quyền các cấp giống nhau, một mô hình sao chép dẫn đến sự không phù hợp, bất cập trong thực tế tổ chức và hoạt động.
- Trong địa bàn tỉnh có 3 cấp chính quyền, 3 cấp đều có cơ quan quyền lực đại diện cho nhân dân, điều đó làm chậm trễ trong việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật của nhà nước vì tất cả các cấp đều phải đưa ra những quyết định phù hợp với địa phương mình.
- Trong hệ thống chính trị hiện nay, với sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, điều này làm cho hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính
quyền ít phát huy được quyền độc lập. Thực tế là chưa phân định rõ sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý nhà nước của chính quyền.
- Đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước thuộc chính quyền tỉnh còn thiếu năng lực, trình độ. Hoạt động luân chuyển, điều động các vị trí lãnh đạo chưa phát huy được thế mạnh.
- Thực tế hoạt động của đại biểu HĐND; điều kiện vật chất và cơ chế đảm bảo cho HĐND chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hoạt động…
Tóm lại, chính quyền cấp tỉnh từ khi thành lập nước đến nay đều bao gồm HĐND và UBND(có thời kỳ gọi là UBHC). Cơ cấu tổ chức bên trong của HĐND cấp tỉnh chuyển từ đơn giản đến phức tạp, từ chỗ UBND là cơ quan thường trực của HĐND, đến hình thành thể chế Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND (để đảm bảo tính độc lập của HĐND và UBND). Nhưng thực tế hoạt động của thường trực và các Ban của HĐND lại mang nhiều tính hình thức vì không có bộ máy giúp việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được luật định.
Hoạt động giám sát của HĐND và các thể chế bên trong của nó còn mang nhiều tính hình thức, hoạt động kiểm tra, thanh tra của UBND chưa đạt được kết quả như yêu cầu, tính hiệu lực và hiệu quả chưa cao. Hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền tỉnh còn nhiều vi phạm về nội dung, hình thức, trình tự thủ tục xây dựng và ban hành. Giải quyết khiếu nại tố cáo của tổ chức và nhân dân chưa kịp thời, chưa đúng pháp luật dẫn đến tình trạng kéo dài, phức tạp và khiếu nại, tố cáo tập thể gia tăng.
Cùng với quá trình thay đổi từng thời kỳ cả về nhiệm vụ chung và về chính sách pháp luật, khi mới thành lập chính quyền tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương được hình thành khác nhau về mô hình và tổ chức ở các cấp, về thể chế chính quyền địa phương trên địa bàn đô thị và nông thôn. Theo xu thế, pháp luật dần theo hướng điều chỉnh chung, không còn sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và nông thôn, đây là sự thụt lùi của thể chế pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước cấp tỉnh ở đô thị và nông thôn.