Các lợi thế so sánh

Một phần của tài liệu Vai trò của các công ty xuyên quốc gia đối với nền kinh tế một số nước Đông Nam Á (Trang 41 - 42)

(SINGAPORE, MALAYSIA, THÁI LAN)

2.1.1.1 Các lợi thế so sánh

Các quốc gia Đông Nam Á có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng cả về kinh tế và chính trị do nằm giữa hai lục địa Châu Á và Châu Úc, hai đại dương Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là đầu mối quan trọng của các tuyền đường hàng hải, hàng không quốc tế… Trong điều kiện quốc tế hoá và lưu thông hàng hoá toàn cầu thì đây là yếu tố hấp dẫn TNCs, vì nó có tác động giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh.

Cùng với vị trí chiến lược quan trọng, các quốc gia Đông Nam Á còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Có thế nói, Đông Nam Á có mọi thứ cần thiết để phát triển tất cả các ngành công nghiệp. Những sản phẩm của vùng nhiệt đới gió mùa như: lúa, ngô, cao su, ca cao, cà phê… cũng như các khoáng sản quý như dầu mỏ, than đá, thiếc… đều nằm rải rác ở các quốc gia Đông Nam Á với trữ lượng khá lớn, trong đó có những loại được xếp vào hàng đầu thề giới. Sự phong phú và đa dạng về tài nguyên thiên nhiên là tiền đề quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước. Đồng thời cũng là sự hấp dẫn đối với TNCs, bởi vì thực tế trong những thập kỷ qua, Nhật Bản vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, nhất là của các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Mỹ là nước giàu tài nguyên nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu của TNCs. Vì vậy, với mục đích tối đa hoá lợi nhuận thì TNCs không thể bỏ qua một khu vực có nhiều lợi thế về tài nguyên như Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Đông Nam Á có thị trường nội địa lớn, với dân số 550 triệu người (năm 2004), thu nhập của dân cư phân bổ tương đối đồng đều và có sức mua lớn. Cùng với đó là lực lượng lao động đông đảo và giá lao động tương đối thấp. Sau nhiều năm phát triển, nhiều nước đã tạo được đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao [46, tr.102].

Sau nhiều nỗ lực phát triển, Đông Nam Á đã xây dựng được nhiều ngành công nghiệp có nhịp độ phát triển khá cao và ổn định như: điện tử (bán dẫn, máy tính, thiết bị viễn thông…), ôtô, tân dược, dầu khí, nhựa, dụng cụ công nghiệp và khu vực tài chính khá phát triển. Sự phân bổ đa dạng các ngành trong nội bộ Đông Nam Á tạo cơ hội thiết lập các cụm ngành công nghiệp trong khu vực. Thêm vào đó, sự tập hợp đủ lớn các nhân tố: vật lực, nhân lực đã tạo nên tác động lan toả trong Đông Nam Á. Các tác động lan toả này đã và đang tạo nên quy mô kinh tế đủ lớn để tạo không gian cho phát triển, sáng tạo các sản phẩm mới, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Đông Nam Á.

Là một thị trường lớn với mức thu nhập bình quân đầu người đang tăng nhanh, nơi đây có nhu cầu lớn về tư liệu sản xuất, máy móc thiết bị, hàng tiêu dùng cũng như các nhu cầu phát triển dịch vụ. Đầu tư vào Đông Nam Á một mặt tận dụng sức mua lớn tại đây, mặt khác biến nơi đây thành căn cứ quan trọng dể xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, Nam Á… nhờ giá thành sản phẩm thấp, tránh hoặc giảm thiểu được những va chạm, xung đột thương mại quốc tế vì Đông Nam Á được hưởng nhiều ưu đãi mậu dịch của các nước phát triển.

Chính vì những nhân tố trên, đầu tư vào Đông Nam Á giúp TNCs tiết kiệm chi phí sản xuất thông qua sử dụng nguồn lao động dồi dào, giá lao động thấp và nguồn nguyên liệu phong phú. Đầu tư vào Đông Nam Á bên cạnh giúp vượt qua hàng rào thuế quan, còn giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hoá nhờ hạ giá thành sản phẩm thông qua sử dụng các nhân tố đầu vào thấp. Rõ ràng, với các ưu thế của mình, Đông Nam Á có sức hút đặc biệt đối với TNCs.

Một phần của tài liệu Vai trò của các công ty xuyên quốc gia đối với nền kinh tế một số nước Đông Nam Á (Trang 41 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)