VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở VIỆT NAM
3.2.2.2 Sức ép của các công ty xuyên quốc gia đối với các vấn đề xã hộ
Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề bức xúc của Việt Nam. Cùng với quá trình gia tăng các doanh nghiệp FDI đã làm cho quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh gây nên sự quá tải ở các thành phố. Do dân số cơ học tăng nhanh, lượng rác sinh hoạt thải ra quá lớn so với khả năng xử lý, gây ô nhiễm môi trường và cùng với lượng khí thải độc hại, bụi, tiếng ồn….đã làm cho môi trường sống ở những khu vực này trở nên bức bối từ đó dẫn đến hàng loạt các vấn đề xã hội khác phát sinh. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải cũng làm cho môi trường bị ô nhiễm thêm
nghiêm trọng. Điều này về lâu dài sẽ gây tổn hại lớn đến nước chủ nhà, bài học sông Thị Vải đã cho chúng ta thấy cái giá của mặt trái FDI.
Lợi dụng những lỗ hổng trong chính sách mà các liên doanh trốn tránh nhiều nghĩa vụ doanh nghiệp gây nhiều tổn thất cho ngân sách quốc gia. Theo quy định “trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp liên doanh được chuyển lỗ của bất kỳ năm nào sang năm tiếp theo và được bù khoản lỗ đó bằng lợi nhuận của những năm tiếp theo, nhưng không được quá 5 năm” đã tạo cơ hội vàng để liên doanh hoãn nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Cùng với đó là hiện tượng nâng giá thiết bị, công nghệ, nguyên liệu đầu vào và hạ giá thành sản phẩm đầu ra dẫn đến liên doanh không có lãi, còn lãi thực vào túi các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc sử dụng lao động đã gây nhiều bất công cho lao động làm việc ở khu vực này như: kéo dài thời gian thử việc, trả lương thấp hơn so với mức lương tối thiểu, không thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, thậm chí có những hành vi xử phạt trái với pháp luật và đạo đức của người Việt Nam. Đặc biệt, khi không làm việc còn làm việc cho các doanh nghiệp FDI này nữa thì người lao động rất khó tìm kiếm công việc mới phù hợp, do làm việc lâu trong quy trình chuyên môn hoá sản xuất nên không tích luỹ được kinh nghiệm đồng bộ và nếu muốn thì họ lại phải được đào tạo lại trong khi phần lớn họ lại quá nhiều tuổi để có thể bắt đầu lại từ đầu.
Như vậy, bên cạnh những thuận lợi trong việc tạo nguồn vốn và tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển nhanh, cao thì Việt Nam cũng đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề phát sinh từ mặt trái trong hoạt động của TNCs. Điều này đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải có những giải pháp hợp lý để có thể xây dựng nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.