Các công ty xuyên quốc gia Châu Âu

Một phần của tài liệu Vai trò của các công ty xuyên quốc gia đối với nền kinh tế một số nước Đông Nam Á (Trang 35)

Châu Âu là nơi ra đời sớm nhất TNCs, quá trình phát triển của TNCs ở Châu Âu được chia là 3 giai đoạn. Thứ nhất, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng hải và việc tìm ra các vùng đất mới, các công

ty của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan đã mở rộng thị trường tiêu thụ và thị trường nguyên vật liệu ra bên ngoài dưới hình thức các công ty thương mại và khai thác đồn điền. Đây là giai đoạn sơ khai của hình thức tổ chức công ty xuyên quốc gia. Thứ hai, từ năm 1945 – 1960, đây là giai đoạn phục hồi của nền kinh tế Châu Âu sau khi phải gánh chịu những tổn thất nặng nền của cuộc chiến tranh thế giới 2. Với kế hoạch Marshall, TNCs Mỹ đã xâm nhập mạnh mẽ vào các nước Tây Âu, sự phát triển của công ty Mỹ ở Châu Âu là một tác động mạnh mẽ làm cho các công ty Châu Âu phục hồi. Khi đã phục hồi và từng bước phát triển, chúng tiến hành các liên minh để có thêm sức mạnh, tạo lợi thế cạnh tranh trở lại. Và từ đây, TNCs Châu Âu thực thụ đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Thứ ba, thời kỳ từ 1960 đến nay, chứng kiến sự phát triển bùng nổ của TNCs Châu Âu. Các công ty của Châu Âu thực hiện đổi mới chiến lược kinh doanh, chuyển giao công nghệ cũ cho các nước khác ngoài khu vực, tập trung triển khai R & D để tăng cường sức cạnh tranh. Sự lệ thuộc vào TNCs Mỹ của các công ty Châu Âu cũng không còn nữa [20, tr.29].

Cũng giống như TNCs của các khu vực khác, các công ty Châu Âu cũng mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn thế giới để tối đa hoá lợi nhuận. Tuy nhiên, để có thể khai thác tối đa những lợi thế của mình và tăng cường khả năng cạnh tranh thì chiến lược hoạt động của các công ty Châu Âu có những bản sắc riêng.

Trong quá trình thực hiện cắm nhánh TNCs Châu Âu thường sử dụng hai hình thức cơ bản đó là thiết lập các công ty con 100% vốn của mình và hình thức liên doanh. Liên doanh là hình thức phổ biển hiện nay mà TNCs Châu Âu sử dụng để mở rộng hoạt động xuyên quốc gia của mình. Các xí nghiệp liên doanh có thể thực hiện bằng nhiều con đường khác nhau như mua cổ phần của một xí nghiệp mới, xây dựng hoặc lập ra các xí nghiệp chi nhánh mà công ty xuyên quốc gia nắm giữ phần cổ phiếu khống chế theo chế độ tham dự…., đây là hình thức thường xuyên được áp dụng của TNCs Châu Âu. Từ những năm 80 trở về trước, TNCs Châu Âu thường chú trọng đến việc đầu tư lẫn nhau, có điều này do chính sách mở cửa và tạo ra một khu vực ưu đãi thuế cho các nước trong cộng đồng kinh tế EU đã tạo nhiều yếu tố thuận lợi cho sự phát triển sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, TNCs Châu Âu tập trung vào các nước đang phát

triển ở Châu Á, vì đây là khu vực có nhiền ngành lạc hậu, rất cần vốn, kỹ thuật và là thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Với lợi thế là một cộng đồng thống nhất, TNCs của Châu Âu tạo được nét khác biệt đặc trưng trong chiến lược liên minh so với Mỹ và Nhật Bản. Liên minh chiến lược giữa TNCs Châu Âu thường kéo dài và có ít nhất từ 2 công ty trở lên nên nó đã trở thành các tập đoàn TNC hùng mạnh có khả năng cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, với mô hình là một thị trường thống nhất đã đem lại thuận lợi cho sự chiếm lĩnh thị trường của TNCs Châu Âu với TNCs ở các khu vực khác vào. Giữa các công ty trong nội bộ cộng đồng Châu Âu thì thiết lập cơ chế cạnh tranh tự do nhưng sự cạnh tranh giữa TNCs Châu Âu với TNCs bên ngoài lại có được sự trợ giúp của cả cộng đồng. Chính vì vậy, sức cạnh tranh của các công ty được tăng lên trên cả thị trường Châu Âu và thị trường thế giới. Đây là một thuận lợi riêng của TNCs Châu Âu.

Ra đời từ rất sớm TNCs Châu Âu đã trở thành những nhà đầu tư quan trọng của thế giới. Có thể nói, hiện nay, không một lĩnh vực kinh tế nào là không có sự đầu tư của TNCs Châu Âu và chúng có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Trong đó Hà Lan, Pháp, Anh và Đức là những nước đầu tư lớn nhất với các con số tương ứng là, 119 nghìn tỷ, 116 nghìn tỷ, 101 nghìn tỷ và 45,8 nghìn tỷ đứng trong nhóm 5 nước có vốn FDI lớn nhất thế giới [76]. Trong vài thập kỷ trở lại đây, bên cạnh khu vực đầu tư truyền thống TNCs Châu Âu còn rất quan tâm tới các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước ở khu vực Châu Á. Tuy nhiên, phần trăm chiếm lĩnh của các nước này trong tổng đầu tư của Châu Âu chưa cao, FDI của Châu Âu vẫn tập trung chủ yếu ở các nước phát triển. Bên cạnh là nguồn FDI lớn, TNCs Châu Âu với 53 TNCs nằm trong nhóm 100 TNCs lớn nhất thế giới đã chiếm 17,1% tổng giá trị trao đổi hàng hóa thương mại cao hơn Mỹ (16%) và Nhật Bản (6,6%) [30, tr.23].

Là một cộng đồng kinh tế thống nhất, liên minh Châu Âu đã và đang tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để TNCs tăng cường hơn nữa sức cạnh tranh và trở thành một trong những chủ thể điều tiết nền kinh tế thế giới. Vai trò của TNCs Châu Âu ngày càng lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Châu Âu cũng như toàn thế giới.

Một phần của tài liệu Vai trò của các công ty xuyên quốc gia đối với nền kinh tế một số nước Đông Nam Á (Trang 35)