Thẩm phán phải độc lập

Một phần của tài liệu Sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án tại Việt Nam (Trang 42)

Với tư cách là những người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với việc giải quyết các tranh chấp trong xã hội, các thẩm phán thường gặp phải những tình huống khó xử trong quá trình thực hiện chức năng của mình. Những tình

huống này được thể hiện qua những ảnh hưởng hoặc sự vận động từ nhiều nguồn khác nhau và có khả năng tác động tới phán quyết của họ. Những ảnh hưởng này có thể đến từ các nguồn vô hình, ví dụ như nền tảng giáo dục, các sách khoa học có tác động đến cách hiểu của thẩm phán về pháp luật. Đương nhiên, những yếu tố này có tác động lớn tới cách thức thẩm phán áp dụng pháp luật đối với một vụ việc cụ thể nào đó mà mình đang xử lý. Những ảnh hưởng thuộc loại này cũng có thể đến từ ý thức hệ, tôn giáo, kinh nghiệm sống hay điều kiện làm việc mà người thẩm phán theo hoặc đã trở nên quen thuộc với thẩm phán.

Các nguồn ảnh hưởng hữu hình tới thẩm phán thậm chí còn nhiều hơn. Các bên trong một vụ tranh chấp đương nhiên muốn có sự tác động tới thẩm phán bằng bất cứ cách nào dù hợp pháp hay bất hợp pháp để có thể chuyển biến vụ án theo hướng có lợi cho mình. Khi một vụ việc mà toà án đang giải quyết có dấu hiệu ảnh hưởng tới lợi ích hoặc mối quan tâm của các cơ quan nhà nước thuộc nhánh lập pháp hay hành pháp, các cơ quan này đương nhiên cũng sẽ sẵn sàng tham gia vào quá trình tố tụng. Những nguồn ảnh hưởng tới thẩm phán có thể xác định được còn bao gồm các thẩm phán cấp trên hoặc thâm niên cao hơn muốn vị thẩm phán đang thụ lý vụ án xử lý vụ án đó theo hướng mình cho là đúng; hoặc những đồng nghiệp của thẩm phán, những người mà có thể ý kiến của họ đối vụ việc được vị thẩm phán thụ lý nghe theo khi họ bàn bạc với nhau về vụ án đó; hay là giới báo chí đưa tin về vụ việc và các ý kiến của công luận liên quan đến vụ việc…

Tóm lại, các nguồn có thể gây ảnh hưởng tiềm tàng tới một thẩm phán trong quá trình xử lý vụ án có nhiều. Rõ ràng là một nghiên cứu về tính độc lập của toà án không thể nào bao quát được tất cả những nguồn ảnh hưởng này. Với một thực tế là những nguồn đó không chỉ là rất nhiều về số lượng mà còn rất đa dạng về bản chất nên không thể cùng được xem xét trong một

lý thuyết về tính độc lập của toà án được. Vì thế, vấn đề đặt ra là phải xác định những nguồn nguy hiểm tiềm tàng nhất có thể ảnh hưởng tới tính độc lập của toà án từ góc độ pháp lý.

Cũng cần phải nói rằng, lý thuyết về Nhà nước pháp quyền giống như nhiều lý thuyết pháp lý khác, có tính quy chuẩn. Những phân tích và bàn luận về nó đều nhằm mục đích cuối cùng là xây dựng những khung pháp lý nhằm bảo vệ hệ thống toà án từ những nguồn đe doạ tiềm tàng tới tính độc lập của nó. Vì thế, lý thuyết này phải tập trung vào những mối đe doạ tới tính độc lập của toà án mà có thể điều chỉnh được, chẳng hạn, những đe doạ từ cơ quan lập pháp, hành pháp hay từ các thẩm phán đồng nghiệp. Những nguồn đe doạ tới tính độc lập của toà án có thể phân loại thành hai nhóm: những nguồn bên ngoài hệ thống toà án (những ảnh hưởng từ bên ngoài) và những nguồn đến từ bên trong hệ thống toà án tác động tới các thẩm phán (những ảnh hưởng từ bên trong). Thêm vào đó, bởi vì các nguồn đe doạ này bắt nguồn chủ yếu từ các mối quan hệ nhiều chiều của các toà án và cá nhân các thẩm phán, nên lý thuyết pháp lý về tính độc lập của toà án cuối cùng phải đưa ra được một phạm vi các yếu tố hoặc những biện pháp định hướng những mối quan hệ đó theo mục đích bảo vệ tính độc lập của toà án, bảo đảm yêu cầu các phán quyết của toà án không bị can thiệp bởi các chủ thể khác trong xã hội.

Như đã phân tích, bản thân toàn bộ hệ thống toà án là một thiết chế, được giao chức năng xét xử, và thẩm phán là người thực hiện chức năng đó. Chính vì vậy, cần phải xem xét tính độc lập của toà án từ từ hai khía cạnh: tính độc lập của các cá nhân thẩm phán và tính độc lập mang tính tập thể của toàn bộ hệ thống toà án. Nói cách khác, khi xem xét về tính độc lập của toà án nói chung và độc lập của các phán quyết của toà án nói riêng, những mối đe doạ tiềm tàng cần phải được xem xét và và quy định dưới dạng những nguyên tắc

quy chuẩn cho dù chúng liên quan đến toàn bộ hệ thống toà án hay là cá nhân thẩm phán.

Khác với tính độc lập của thiết chế toà án như đã phân tích ở trên, tính độc lập của cá nhân thẩm phán có nghĩa là mỗi thẩm phán cần phải được giải phóng khỏi mọi ảnh hưởng từ bất kỳ nguồn nào để họ có thể thực hiện nhiệm vụ xét xử theo pháp luật. Những đe doạ tới tính độc lập của cá nhân thẩm phán thường là nhằm trực tiếp tới các vấn đề liên quan tới thẩm phán. Một cơ quan hay quan chức thuộc khối hành pháp hay một quan chức thuộc hệ thống toà án có thể có quyền tăng hoặc giảm lương thẩm phán, quyết định các vấn đề về kỷ luật thẩm phán hoặc thuyên chuyển thẩm phán sang toà án khác. Chánh án toà án có thể có quyền giao vụ việc cho thẩm phán. Tất cả những quyền năng này đều có thể được sử dụng để làm thay đổi quá trình ra quyết định của một thẩm phán khi đang giải quyết một vụ án nào đó. Thực tế là các mối đe doạ tới tính độc lập của cá nhân thẩm phán đến từ nhiều phía và có nhiều hình thức. Chúng đều rất nguy hiểm bởi vì chúng tác động trực tiếp tới cá nhân các thẩm phán, những người có trách nhiệm trực tiếp giải quyết các vụ việc, và vì thế mà chúng có khả năng tiềm tàng làm thay đổi công lý.

Tính độc lập của thiết chế toà án và tính độc lập của cá nhân thẩm phán có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cuối cùng thì mục đích của tính độc lập của thiết chế cũng nhằm bảo đảm tính độc lập của cá nhân các thẩm phán trong hệ thống toà án. Thông thường thì một hệ thống toà án càng độc lập thì càng đem lại sự độc lập cho cá nhân thẩm phán làm việc trong đó. Tuy nhiên, sự độc lập của thiết chế có thể sẽ vô ích nếu như cá nhân những thẩm phán, người chịu trách nhiệm thực thi chức năng xét xử, lại phải lệ thuộc vào cơ quan lập pháp hay hành pháp. Nếu trường hợp này xảy ra thì cả nguyên tắc Nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền con người sẽ không được bảo vệ. Chính vì vậy, tính độc lập của thiết chế toà án và tính độc lập của cá nhân

thẩm phán cần được xem như hai mặt của một vấn đề. Phán quyết của toà án muốn được độc lập, không chịu sự can thiệp của các chủ thể khác trong xã hội thì không thể thiếu một trong hai yếu tố này.

1.3. TOÀ ÁN ĐỘC LẬP Ở MỘT SỐ QUỐC GIA ĐIỂN HÌNH 1.3.1. Toà án độc lập ở Mỹ

Một phần của tài liệu Sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án tại Việt Nam (Trang 42)