TOÀ ÁN ĐỘC LẬ PỞ MỘT SỐ QUỐC GIA ĐIỂN HÌNH 1 Toà án độc lập ở Mỹ

Một phần của tài liệu Sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án tại Việt Nam (Trang 46 - 52)

Trong lịch sử phát triển của bộ máy nhà nước, phải khẳng định rằng nhà nước Mỹ có một hệ thống toà án được hưởng nhiều quyền độc lập hơn cả, và quyết định của toà án Mỹ được thực thi một cách nghiêm chỉnh hơn. Ngay cả ở các nhà nước mẹ mẫu quốc của họ cũng không có một nền tư pháp mạnh mẽ như vậy. Mãi cho đến những năm gần đây, những nhà nước ở Châu Âu mới nhận ra vấn đề này và đang có những cải cách cho kịp Mỹ. Đã có cả một thời kỳ nước Mỹ được mệnh danh là Chính phủ của những quan toà, đó là thời kỳ từ năm 1880 đến năm 1940 - cho thấy vai trò chính trị của quyền tư pháp, sự đối trọng của quyền tư pháp đối với quyền lập pháp và quyền hành pháp. Ngày nay, tình trạng “Chính phủ của ông Toà” ở Mỹ không còn nữa. Toà án tối cao Mỹ đã trở lại chức năng vốn có của nó là bảo vệ chính văn Hiến pháp và tinh thần của Hiến pháp, chứ không tìm cách thay thế chúng bằng những quan điểm cá nhân của mình. Do đó, Toà án tối cao đã dần trở thành một định chế chính trị đóng vai trò tích cực trong đời sống chính trị của Mỹ. Ở Mỹ mọi mâu thuẫn trong xã hội không thể giải quyết được ở đâu thì cuối cùng phải đến toà để giải quyết. Ví dụ như cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 43 của Mỹ giữa Gore và Bush phải chờ đến phán quyết của Toà án tối cao. Có thể nói, nước Mỹ tốn rất nhiều tiền của cho hoạt động xét xử so với nhiều nước trên thế giới. Các nhà lập hiến Mỹ đã có rất nhiều nỗ lực xây dựng những cơ sở hiến pháp cho sự độc lập của tư pháp. Với một chế độ phân quyền cứng rắn, quyền tư pháp ở Mỹ được tăng cường khả năng độc lập đến cao độ mà trong các chính thể đại nghị phân quyền mềm dẻo không có được.

Trong việc phân bổ quyền lực, Hiến pháp Mỹ đã thiết kế cho tư pháp một vị thế độc lập. Sự độc lập đó của tư pháp được bảo đảm bằng các cơ chế như: chế độ bổ nhiệm thẩm phán, nhiệm kỳ suốt đời của thẩm phán, lương bổng bảo đảm cuộc sống của thẩm phán, thi hành án, kỷ luật tư pháp… Với một cơ sở hiến định như thế, thể chế tư pháp ở Mỹ đã phát huy được khả năng độc lập của mình.

Cấu trúc của thể chế tư pháp Hoa Kỳ bao gồm hai hệ thống: hệ thống toà án liên bang và hệ thông toà án bang. Hệ thống toà án liên bang chịu sự điều chỉnh của pháp luật liên bang, còn hệ thống toà án bang chịu sự điều chỉnh bởi pháp luật của bang đó. Nhưng đây không phải là hai hệ thống toà án tách biệt nhau, mà chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hệ thống toà án liên bang Hoa Kỳ bao gồm: các toà án khu vực liên bang, các toà án phúc thẩm lưu động liên bang và toà Toà án tối cao liên bang. Hệ thống toà án tiểu bang được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Hiến pháp và luật của bang đó. Hệ thống toà án của các bang khác nhau cũng không hoàn toàn giống nhau do chế độ liên bang cho phép mỗi bang có thẩm quyền nhất định trong phạm vi lãnh thổ của mình. Hệ thống toà án ở mỗi bang gồm: Toà án tối cao tiểu bang, Toà án phúc thẩm và Toà án sơ thẩm.

Khác với nhiều quốc gia, nguyên tắc độc lập của toà án Mỹ không được quy định cụ thể trong các bản Hiến pháp, cả ở cấp liên bang và cấp bang. Trên thực tế, quan điểm về tính độc lập của toà án ở Mỹ được bắt nguồn trực tiếp từ nguyên tắc tam quyền phân lập, đây là nguyên tắc hiến pháp nền tảng định hình nên bộ máy nhà nước Mỹ cả ở cấp liên bang và cấp bang. Và đặc điểm này đã có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành tính độc lập của các hệ thống toà án ở Mỹ.

Để tránh tập quyền trong hệ thống nhà nước, những nhà sáng lập Hiến pháp liên bang Mỹ đã thiết lập nên bộ máy nhà nước gồm ba nhánh quyền lực

độc lập với nhau và trao cho mỗi nhánh đó một chức năng chính trị riêng. Quan điểm này được thể chế hoá trong Hiến pháp liên bang Mỹ, và theo đó Nghị viện liên bang bao gồm Thượng viện liên bang và Hạ viện liên bang, nắm quyền lập pháp. Tổng thống liên bang nắm quyền hành pháp, và hệ thống toà án, bao gồm một toà án tối cao và những toà án cấp dưới do Nghị viện thành lập nắm quyền tư pháp. Về mặt nội dung, nguyên tắc tam quyền phân lập có nghĩa là ba nhánh quyền lực này cần phải riêng biệt với nhau để quyền năng thuộc về một nhánh quyền lực này không được thực hiện một cách trực tiếp và toàn phần bởi bất kỳ nhánh quyền lực nào khác còn lại. Và cũng để cho rõ ràng rằng, không nhánh quyền lực nào có thể có, một cách trực tiếp hay gián tiếp, một ưu thế bao trùm lên các nhánh quyền lực khác trong quá trình thực hiện quyền lực của mình. Quan điểm về tam quyền phân lập sau đó đã được khẳng định thêm bởi Toà án tối cao Mỹ trong một số vụ việc mà nó giải quyết.

Khi bàn về hệ thống toà án trong cấu trúc nhà nước theo thuyết tam quyền phân lập này, Alexander Hamilton (1775-1840) - một trong số các nhà sáng lập Hiến pháp Mỹ cho rằng: “hệ thống toà án, từ bản chất tới chức năng, sẽ luôn luôn là nhánh quyền lực ít nguy hiểm nhất đối với tính chính thống chính trị của Hiến pháp; bởi vì nó có ít khả năng đe doạ tính chính thống đó nhất” [37, tr.489]. “Và cuối cùng thì có thể thấy rằng, bởi vì tự do không có lý do gì phải sợ hệ thống toà án nếu hệ thống này độc lập, nhưng lại có tất cả lý do để sợ nếu như hệ thống này được nhập với một trong số hai nhánh quyền lực còn lại, bởi vì hệ quả của sự sát nhập đó chắc chắn sẽ là sự lệ thuộc của hệ thống toà án vào nhánh quyền lực kia”[37, tr.491]. Vì thế nên Hamilton kết luận rằng “sự độc lập tuyệt đối của các toà án là đặc biệt quan trọng trong một Hiến pháp tam quyền”[37, tr.491].

Để bảo đảm tính độc lập của các toà án liên bang, Hamilton xây dựng một số các biện pháp bảo đảm bao gồm sự nghiệp thẩm phán suốt đời, nguyên tắc không được giảm lương thẩm phán và nguyên tắc nghị viện luận tội thẩm phán như là cách thức duy nhất để cách chức thẩm phán. Để bảo vệ tính độc lập thiết chế của hệ thống toà án, Hamilton khẳng định rằng Nghị viện không được ban hành luật có giá trị hồi tố hoặc luật để bác bỏ một phán quyết đã tuyên của toà án. Cùng với sự trưởng thành của hệ thống toà án Mỹ, một số biện pháp bảo đảm mới cũng được xây dựng thêm, hoặc bởi Nghị viện thông qua các đạo luật, hoặc bởi chính hệ thống toà án thông qua các án lệ của họ. Mặc dù vậy, những biện pháp bảo đảm do Hamilton đề xuất ngay từ đầu luôn luôn đóng vai trò quan trọng nhất trong việc bảo vệ tính độc lập của hệ thống toà án liên bang.

Tìm hiểu về tính độc lập của toà án ở Mỹ không thể không đề cập đến nguyên tắc tư pháp giám sát (Judicial Review) - một nguyên tắc hiến định có tác động lớn tới vị trí của nguyên tắc tính độc lập của toà án trong khung hiến pháp Mỹ.

Chúng ta có thể thấy, ý tưởng về thẩm quyền của hệ thống toà án liên bang xem xét tính hợp hiến của các hành vi của các nhánh chính trị còn lại được bắt nguồn từ tư tưởng của các nhà sáng lập Hiến pháp Mỹ. Trong Bản luận liên bang số 78, Hamilton đã tuyên bố rằng “những hạn chế đối với các nhánh quyền lực còn lại để bảo vệ tính độc lập của toà án chỉ có thể dược bảo đảm trong thực tiễn thông qua công cụ trung gian chính là các toà án, những người phải được trao trách nhiệm tuyên bố vô hiệu đối với các hành vi trái với tinh thần rõ ràng của Hiến pháp” [37, tr.490]. Tuy vậy, phải mãi tới năm 1803 thì tư tưởng này mới được phát biểu một cách rõ ràng thành một nguyên tắc hiến pháp trong vụ việc Marbury v. Madion nổi tiếng của Toà án tối cao liên bang của Mỹ, mà theo định nghĩa của Henry Abraham, thì đó là

quyền của bất kỳ toà án nào của Mỹ được tuyên vi hiến và theo đó là không có hiệu lực áp dụng đối với bất kỳ luật hoặc bất kỳ hành vi chính thức căn cứ trên pháp luật nào, hay bất kỳ hành vi nào của các công chức nhà nước mà toà án đó cho rằng mâu thuẫn với hiến pháp liên bang” [38, tr.300]. Theo Abraham, nguyên tắc tư pháp giám sát của các toà án Mỹ có nghĩa rằng toà án này có thể tuyên bố vô hiệu và qua đó từ chối áp dụng các hành vi vi hiến của một trong hai nhánh quyền lực nhà nước còn lại. Tuy nhiên, để tuyên bố một hành vi lập pháp hoặc hành pháp vô hiệu trên cơ sở vi hiến, toà án rõ ràng trước tiên phải giải thích những điều Hiến pháp bị vi phạm. Vì vậy, khái niệm tư pháp giám sát đương nhiên bao gồm cả quyền của các toà án Mỹ được giải thích Hiến pháp. Trong vụ Marbury v. Madison, Toà án tối cao liên bang tuyên bố rằng “cần nhấn mạnh rằng thẩm quyền và trách nhiệm của nhánh tư pháp là phát biểu pháp luật là gì. Những người thực tế áp dụng các quy định vào những trường hợp cụ thể cần thiết phải có quyền phát biểu và giải thích các quy định đó. Nếu như có hai luật mâu thuẫn với nhau thì các toà án phải quyết định về tính hiệu lực và phạm vi áp dụng của từng luật” [38, tr.177]. Sau này Toà án tối cao liên bang đã khẳng định lại nhiều lần rằng: với tư cách là người giải thích tối cao của Hiến pháp liên bang Mỹ, có thẩm quyền và trách nhiệm quyết định rằng liệu hai nhánh quyền lực còn lại đã thực hiện thẩm quyền của mình theo Hiến pháp liên bang hay chưa, và nếu như chưa thì tuyên bô vô hiệu đối với các hành vi của các nhánh quyền lực này. Ở mức độ này thôi thì nguyên tắc tư pháp giám sát của các toà án Mỹ cũng đã có tác động quan trọng tới phạm vi và tính ổn định của vị trí độc lập của các toà án này, đặc biệt là những toà án ở cấp liên bang.

Trước tiên, Hiến pháp liên bang Mỹ không có điều khoản định nghĩa tính độc lập của toà án. Vì thế, khái niệm về nguyên tắc này phụ thuộc vào các toà án hiến pháp liên bang, mà đặc biệt là Toà án tối cao liên bang xây dựng nên.

Trên thực tiễn, toà án này đủ thông minh để không tự ràng buộc nó vào một định nghĩa đầy đủ và rõ ràng về tính độc lập của toà án. Trái lại, nó làm giàu thêm khái niệm này bằng những nội dung được phát triển thông qua các vụ án cụ thể của nó, qua đó làm cho tính độc lập của toà án trở thành một khái niệm mở và luôn luôn, kể cả bây giờ, lệ thuộc vào những giải thích tiếp theo của nó. Vì thế nên những nghiên cứu về tính độc lập của toà án ở Mỹ sẽ không thể đầy đủ nếu không xem xét phân tích những án lệ của toà án tối cao liên bang Mỹ liên quan tới lĩnh vực này.

Thứ hai, nguyên tắc tư pháp giám sát có thể được xem như vũ khí tối thượng của hệ thống toà án để bảo vệ tính độc lập của nó theo Hiến pháp liên bang Mỹ. Hiến pháp không định nghĩa cụ thể về tính độc lập của toà án, nhưng nó có quy định một số biện pháp cụ thể đảm bảo tính độc lập này. Đó là sự nghiệp suốt đời, lương không bị giảm, và luận tội như là cách thức duy nhất để cách chức thẩm phán. Những biện pháp này được xem như là ba nền tảng duy trì tính độc lập của hệ thống toà án liên bang Mỹ. Các hành vi lập pháp hoặc hành pháp vi phạm tới chúng đều có thể bị tuyên bố vô hiệu bởi hệ thống toà án trên cơ sở vi hiến và theo quyền tư pháp giám sát của các toà án. Trên thực tế, trong giai đoạn từ 1943 đến 1997 đã có hai vụ việc, trong đó Toà án tối cao liên bang tuyên bố các đạo luật của nghị viện là vi hiến trên cơ sở đã xâm hại các biến pháp hiến định bảo đảm tính độc lập của toà án này. Có thể hiểu rằng, về lý thuyết thì có thể, cho dù khả năng là rất ít, phán quyết về tính hợp hiến của toà án tối cao liên bang có thể bị đảo ngược bởi Nghị viện - thông qua việc sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, cần thấy rằng, thủ tục để sửa đổi Hiến pháp là rất phức tạp và khó khăn. Thêm vào đó, những biện pháp hiến định bảo đảm tính độc lập của toà án này đã được tuyên bố rất chắc chắn bởi các nhà sáng lập của Hiến pháp Mỹ, vì thế mà chúng khó có thể bị thay đổi, ngay cả đối với những người có tư tưởng cấp tiến nhất. Với quyền tư

pháp giám sát của hệ thống toà án, dường như tính độc lập của hệ thống toà án liên bang của Mỹ đã có được nền móng vững chắc nhất so với nhiều quốc gia khác.

Mặc dù nguyên tắc tư pháp giám sát cũng hiện diện ở các bang, nhưng tính độc lập của các hệ thống toà án bang có vẻ như vẫn không đạt được vị trí vững vàng như đối với hệ thống liên bang. Một trong những lý do có thể là không chỉ tính độc lập của toà án không được quy định rõ ràng trong các Hiến pháp bang mà ngay cả những biện pháp bảo đảm cụ thể cũng không được quy định. Hơn nữa, các điều khoản hiến pháp của các bang đều có thể được sửa đổi một cách dễ dàng. Chính vì thế mà nguyên tắc tư pháp giám sát không giúp ích gì nhiều trong việc bảo vệ tính độc lập của toà án ở cấp bang so với cấp liên bang.

Tóm lại, nguyên tắc tam quyền phân lập và nguyên tắc tư pháp giám sát chính là điều kiện cần và đủ cho một sự bảo đảm hiến pháp chắc chắn cho tính độc lập của hệ thống toà án liên bang Mỹ. Trong khi nguyên tắc thứ nhất đưa vấn đề tính độc lập của tòa án vào phạm vi của các vấn đề hiến pháp thì nguyên tắc thứ hai làm cho toà án trở thành người quyết định nội dung các tranh cãi liên quan tới vấn đề đó. Hai nguyên tắc này, phối hợp cùng với nhau, về cơ bản, nói lên rằng, toà án là người có tiếng nói cuối cùng về phạm vi cũng như nội dung của địa vị độc lập của chính bản thân nó.

Một phần của tài liệu Sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án tại Việt Nam (Trang 46 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)