NGUYÊN TẮC ĐỘC LẬP CỦA TOÀ ÁN Ở VIỆT NAM
2.2.1.1. Tính độc lập của toà ánlà một nguyên tắc hiến định
Có thể thấy, các tài liệu nghiên cứu về tính độc lập của toà án ở Việt Nam chủ yếu tập trung xung quanh một điều khoản của Hiến pháp 1992, đó là: Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ thuân theo pháp luật. Theo đó, nội dung của nguyên tắc độc lập của toà án ở nước ta thường được phân tích với các nội dung sau:
Thứ nhất, tính độc lập của cá nhân thẩm phán và hội thẩm nhân dân.
Theo quy định nêu trên, tính độc lập của toà án ở Việt Nam thường được hiểu là sự độc lập của cá nhân các thẩm phán và hội thẩm nhân dân, với ý nghĩa là các thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân phải độc lập với nhau và độc lập với các yếu tố tác động bên ngoài. Sự độc lập của thiết chế toà án không những không được nhắc đến mà còn hoàn toàn bị phủ nhận.
Lý do của việc cá nhân hoá khái niệm độc lập của toà án là do ảnh hưởng của hai nguyên tắc hiến định quan trọng nhất của Việt Nam: nguyên tắc quyền lực thuộc về nhân dân và Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Đối với tổ chức bộ máy nhà nước, nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân có nghĩa là không có sự phân chia cứng nhắc giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo mô hình Mỹ hay sự phân tách giữa hệ thống toà án với hai nhánh quyền lực còn lại giống như mô hình Đức. Về cơ bản, ba nhánh quyền lực này đều bắt nguồn từ nhân dân và được nhân dân trao cho cơ quan đại diện của mình ở cấp trung ương - tức là Quốc hội. Tuy nhiên, Quốc
hội theo Hiến pháp giao quyền hành pháp cho nhánh hành pháp và quyền tư pháp cho toà án và viện kiểm sát. Những cơ quan này vì thế tương đối tách biệt và độc lập với nhau. Tuy vậy, chúng cũng không độc lập hoàn toàn với nhau mà luôn có sự phối hợp và tương tác trong cơ cấu quyền lực nhà nước ở trung ương, trong đó Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội giữ lại cho mình quyền lập pháp và quyền giám sát hai nhánh quyền lực kia.
Nguyên tắc Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất được xem như cụ thể hoá nguyên tắc nói trên bởi lẽ nhân dân là người chủ của quyền lực nhà nước, và Quốc hội chính là cơ quan nhà nước được nhân dân uỷ quyền thực hiện các quyền lực nhà nước đó. Theo nguyên tắc này, Quốc hội có quyền làm luật, và mặc dù không trực tiếp thực hiện quyền hành pháp và tư pháp nhưng nó vẫn giữ quyền bầu ra các chức vụ cao nhất của hai nhánh quyền lực này và người đứng đầu nhà nước. Với tư cách là “cơ quan mẹ” của các cơ quan nhà nước khác, phạm vi làm luật của Quốc hội không chỉ giới hạn trong những đạo luật thông thường mà còn có thể ban hành các đạo luật về tổ chức của các cơ quan nhà nước, ví dụ như luật về tổ chức của chính Quốc hội, của Chính phủ, của hệ thống toà án, viện kiểm sát và tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương. Quốc hội cũng có thể ban hành các luật tố tụng để điều chỉnh hoạt động của các cơ quan nhà nước như: luật tố tụng hình sự, luật tố tụng dân sự….
Theo hai nguyên tắc trên thì bộ máy nhà nước ta có hình thức của một hình chóp, trong đó Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, giám sát hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước khác, trong đó có hệ thống toà án. Tuy rằng lý giải theo hai nguyên tắc này là phù hợp trong mối quan hệ giữa toà án và Quốc hội, song nếu chỉ dựa trên hai nguyên tắc đó thì không lý giải được mối quan hệ giữa toà án và hành pháp cũng như các viện kiểm sát bởi vì không cơ quan nào trong số này có quyền giám sát hoạt động của các
cơ quan còn lại. Trên thực tế, kể từ sau đợt đổi mới năm 2002, hệ thống toà án của Việt Nam đã có một sự độc lập rất lớn đối với Chính phủ và viện kiểm sát từ góc độ thiết chế.
Sự độc lập giữa các toà án các cấp cũng bị phủ nhận do mô hình tổ chức mang tính hành chính của hệ thống toà án Việt Nam. Toà án nhân dân Tối cao và các toà án tỉnh có quyền giám sát toàn diện đối với các toà án cấp dưới trực thuộc thông qua thẩm quyền hướng dẫn thi hành pháp luật mà pháp luật đã trao cho chúng. Các quan điểm hay ý kiến của các toà án cấp trên thường có giá trị bắt buộc trong thực tiễn đối với các toà án cấp dưới trực thuộc mặc dù về lý thuyết, thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập, không bị chi phối vào toà án cấp trên hoặc lệ thuộc vào các cấp xét xử cùng một toà án. Tuy hai nội dung này có vẻ rất trái ngược nhau, bởi lẽ khi Toà án Tối cao hướng dẫn các toà án cấp dưới áp dụng thống nhất pháp luật thì sự hướng dẫn đó cả về mặt pháp lý và thực tế đều có giá trị bắt buộc, và vì vậy nó cũng có giá trị bắt buộc đối với cá nhân thẩm phán ở toà án cấp dưới, nhưng nó cho thấy sự chú trọng nhấn mạnh vào tính cá nhân của sự độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân trong khái niệm về tính độc lập của toà án ở Việt Nam chứ không phải là sự độc lập của thiết chế toà án.
Một đặc điểm nữa trong khái niệm về tính độc lập của toà án ở Việt Nam là nó bao gồm cả hội thẩm nhân dân vào trong phạm vi đối tượng. Theo quy định của Hiến pháp thì hội thẩm nhân dân tham gia hội đồng xét xử và quyết định cả về khía cạnh sự kiện và khía cạnh pháp lý của vụ việc giống như thẩm phán. Vì thế nên mặc dù hội thẩm nhân dân và thẩm phán ở Việt Nam có địa vị pháp lý và có nền tảng kiến thức khác nhau nhưng về nguyên tắc, tính độc lập của họ không có sự khác biệt.
Thứ hai, khía cạnh nội dung của nguyên tắc
Về khía cạnh nội dung của sự độc lập thì nguyên tắc này có nghĩa là các thẩm phán không được nghe theo ý kiến hay mệnh lệnh của bất kỳ ai khác ngoài việc thuân thủ pháp luật. Mặc dù lý trí của thẩm phán không được đề cập tới trong điều khoản này, song điều đó được ngầm hiểu là khi giải quyết một vụ việc cụ thể, thẩm phán sẽ xử lý nó dựa trên cơ sở lý trí của mình và quy định của pháp luật mà thôi. Mọi sự can thiệp từ bên ngoài đều là bất hợp pháp. Để cụ thể hoá quan điểm này, tính độc lập của toà án ở Việt Nam được khái niệm hoá như một nghĩa vụ mang tính hai mặt. Có nghĩa là xem tính độc lập vừa là trách nhiệm của thẩm phán vừa là trách nhiệm của các cơ quan khác. Về phía thẩm phán, nghĩa vụ “phải” độc lập của họ bị ràng buộc bởi hàng loạt trách nhiệm liên quan mà nếu “không độc lập” họ phải gánh chịu. Nếu vi phạm nguyên tắc độc lập này, tức là nếu thẩm phán không độc lập hoặc không thể kháng cự lại được những ảnh hưởng từ bên ngoài thì thẩm phán có thể sẽ phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý khá nặng nề, ví dụ Điều 295 Bộ luật hình sự về tội ra bản án trái pháp luật, Điều 296 về tội ra quyết định trái pháp luật…
Về phía các cơ quan nhà nước khác cũng có nghĩa vụ không được phép can thiệp vào hoạt động của toà án và nghĩa vụ này cũng được bảo đảm bằng những chế tài hình sự. Điều 297 quy định người có hành vi ép buộc thẩm phán, hội thẩm nhân dân là trái pháp luật trong hoạt động xét xử có thể bị phạt tù từ sáu tháng đến bảy năm. Đây là chế tài áp dụng chung đối với mọi đối tượng nếu có sự can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xét xử của thẩm phán. Tuy nhiên trên thực tế thì phạm vi các cơ quan và các đối tượng mà thẩm phán và hội thẩm nhân dân cần phải độc lập được xác định chủ yếu là các cơ quan tư pháp (như cơ quan điều tra, viện kiểm sát) và các đương sự trong vụ án.
Như vậy, về mặt nội dung khái niệm tính độc lập của toà án ở Việt Nam được xem như một nghĩa vụ hai chiều của cả thẩm phán, hội thẩm nhân dân và của cả các cơ quan khác. Nghĩa vụ đó được bảo đảm thực hiện bằng cả trách nhiệm hình sự và hành chính. Điều này cho thấy khái niệm này ở Việt Nam về mặt nội dung tập trung chủ yếu vào việc bảo đảm mục đích cuối cùng của việc xét xử. Có nghĩa là việc xét xử phải nghiêm minh và chỉ tuân thủ pháp luật. Vì vậy có thể nói nó gần với khái niệm tính khách quan của toà án. Sự quy đồng giữa độc lập của toà án và khách quan của toà án là đặc điểm quan trọng nhất và là nguồn gốc của tất cả các đặc trưng khác của khái niệm về tính độc lập của toà án ở Việt Nam. Như thế, có thể nói khái niệm tính độc lập của toà án ở Việt Nam hiện nay thực chất là tính khách quan của toà án. Do sự quy đồng này nên các biện pháp bảo đảm được áp dụng từ trước đến nay để nâng cao tính độc lập của toà án ở Việt Nam thường chú trọng tới việc bảo đảm và nâng cao tính khách quan của thẩm phán hơn là xây dựng cơ chế bảo vệ thẩm phán trước những ảnh hưởng có hại tới sự độc lập của họ. Các biện pháp được dùng phổ biến hiện nay thường là dưới hình thức tuyên truyền kêu gọi và bắt buộc các thẩm phán phải độc lập. Các biện mang tính phòng ngừa cũng được pháp luật quy định nhưng chủ yếu là nhằm vào việc ngăn ngừa thẩm phán rơi vào những trường hợp có thể xung đột lợi ích của mình với lợi ích của một trong các bên của vụ việc. Có hai biện pháp ngăn ngừa: Một là, pháp luật quy định các trường hợp thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng một vụ việc cụ thể [26, Điều 42, 46], [25, Điều 46, 47], [34, Điều 16.1]. Hai là pháp luật quy định các công việc mà thẩm phán không được làm, ví dụ như tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác, đem tài liệu ra khỏi cơ quan không vì nhiệm vụ được giao hoặc không đúng thẩm quyền, tiếp bị can, bị cáo, đương sự ngoài nơi quy định … [32, Điều 15.3]
Như vậy, rõ ràng là những trao đổi và tranh luận về tính độc lập của toà án ở Việt Nam cho đến nay thường được hướng vào sự khách quan của thẩm phán nên việc phân tích dưới các góc độ khác nhau về mặt nội dung của nguyên tắc độc lập để trên cơ sở đó tạo ra một cơ chế ngăn ngừa những yếu tố có thể xâm hại tới sự độc lập của thẩm phán chưa được đề cập nhiều. Những vấn đề nội dung của nguyên tắc này như tính độc lập của cá nhân thẩm phán, tính độc lập của thiết chế toà án, sự độc lập với những nguồn tác động bên ngoài hay sự độc lập với những nguồn tác động trong nội bộ toà án…chưa được đề cập nhiều trong giới thẩm phán cũng như giới luật học. Đồng thời những câu hỏi về những nguồn đe doạ tiềm tàng đối với tính độc lập của thẩm phán và làm thế nào để hạn chế những ảnh hưởng có hại của chúng chưa được đặt ra ở mức độ phù hợp.
Sự đánh đồng về mặt khái niệm giữa tính độc lập và tính khách quan cũng là nguyên nhân của một thực tế là tính độc lập của toà án được đề cập đến ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Bởi vì ngay từ khi đó đã có yêu cầu về một hệ thống toà án khách quan và vì công lý để đem công lý đến cho người dân. Và vì yêu cầu này luôn luôn được xem trọng trong tổ chức của bộ máy nhà nước nên kể từ đó nguyên tắc tính độc lập của toà án đã luôn xuất hiện trong các bản Hiến pháp sau này của Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng do đặc tính đồng nhất giữa tính độc lập với tính khách quan của toà án nên cùng với việc nguyên tắc này xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử lập hiến thì cũng có ít sự phân tích về mối liên quan của nó với nguyên tắc Nhà nước pháp quyền và bảo vệ quyền con người. Mãi tới Hiến pháp năm 1980, nguyên tắc bảo vệ quyền con người mới chính thức được công nhận. Và ngay cả khi các quyền, nghĩa vụ công dân - sự cụ thể hoá của quyền con người vào bối cảnh của mỗi quốc gia, đã được đề cập ở Hiến pháp 1946- thì trên thực tế cũng có rất ít sự phân tích về nó trong mối quan hệ với tính độc
lập của toà án. Còn nguyên tắc Nhà nước pháp quyền thì mãi tới Hiến pháp 1992 được sửa đổi năm 2001 mới trở thành nguyên tắc hiến định.
Thứ ba, giới hạn thời gian của nguyên tắc tính độc lập của toà án
Do cụm từ “khi xét xử” trong Điều 130 Hiến pháp 1992 mà hầu như đại đa số các học giả Việt Nam cho rằng sự độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân ở Việt Nam bị giới hạn về mặt thời gian tức là độc lập trong quá trình xét xử. Theo Toà án nhân dân Tối cao, quá trình này bao gồm các giai đoạn: chuẩn bị xét xử, trong khi xét xử và xét xử xong vụ án theo thẩm quyền của cấp xét xử đó [30, tr.84, đoạn 1]. Các quan điểm rộng rãi hơn thì cho rằng phải hiểu khoảng giới hạn về thời gian đó kéo dài trong quá trình thụ lý một vụ án kể từ khi đơn được nộp cho tới khi giải quyết xong, có nghĩa là không chỉ là khoảng thời gian trước và sau phiên toà mà phải hiểu là toàn bộ quá trình thụ lý vụ án của thẩm phán và hội thẩm. Như vậy, theo quan điểm về sự giới hạn thời gian này, ngoài những khoảng thời gian nêu trên, cho dù là trước và sau phiên xử hay là trong toàn bộ quá trình thụ lý một vụ việc thì thẩm phán và hội thẩm của Việt Nam được coi là độc lập chỉ khi đang thụ lý vụ án mà thôi.
Sự giới hạn về mặt thời gian của sự độc lập của thẩm phán dường như mâu thuẫn với lý thuyết chung về nguyên tắc thẩm phán độc lập và các biện pháp bảo đảm nó như các biện pháp liên quan đến bổ nhiệm, kỷ luật thẩm phán… vì những biện pháp đó rõ ràng là đi xa hơn nhiều so với ngay cả quan điểm cởi mở nhất về hạn chế thời gian. Song, nếu đặt trong bối cảnh là đang nói đến tính khách quan chứ không phải tính độc lập của toà án thì điều này là dễ hiểu bởi vì quá trình trực tiếp xử lý một vụ án là quá trình thẩm phán và hội thẩm nhân dân thể hiện cho công chúng thấy tính khách quan của mình. Và sẽ không có gì sai khi đề cập tới ranh giới thời gian của tính khách quan của thẩm phán.
Tóm lại, khái niệm tính độc lập của toà án ở Việt Nam từ trước tới nay được hiểu và đề cập đến với tư cách là tính khách quan của toà án, nói cách khác là không có sự tách rời rõ ràng giữa hai khái niệm này. Sự quy đồng khái niệm này tiếp tục có những ảnh hưởng lớn tới các nội dung lý thuyết khác của tính độc lập của toà án ở Việt Nam.