Tính độc lập của toà án và tính trách nhiệm của toà án

Một phần của tài liệu Sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án tại Việt Nam (Trang 87)

NGUYÊN TẮC ĐỘC LẬP CỦA TOÀ ÁN Ở VIỆT NAM

2.2.1.2.Tính độc lập của toà án và tính trách nhiệm của toà án

Có thể nói, ý thức hệ phổ biến ở Việt Nam hiện nay cũng có ảnh hưởng khá mạnh mẽ tới cách hiểu và áp dụng nguyên tắc toà án độc lập. Ý thức hệ này được đặc trưng bởi hai nguyên tắc hiến định, đó là nguyên tắc Đảng cộng sản lãnh đạo và nguyên tắc Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao. Đảng thực hiện sự lãnh đạo toàn diện đối với tất cả các cơ quan nhà nước, và Quốc hội có quyền lực tối cao đối với các cơ quan nhà nước còn lại trong đó có hệ thống toà án. Dưới ảnh hưởng của ý thức hệ như vậy, ở Việt Nam luôn có sự lo lắng rằng thẩm phán thoát ra khỏi vòng kiểm soát nếu như được độc lập quá mức. Vì thế nên quan điểm cần phải xây dựng cơ chế pháp lý để buộc thẩm phán phải có trách nhiệm luôn luôn phải có được sự đồng thuận rộng rãi trong giới lãnh đạo. Ở khía cạnh khác, sự quy đồng khái niệm như đề cập ở trên cũng dẫn tới một thực tế là khái niệm tính độc lập của toà án với các nội dung lý luận đã phân tích chưa tồn tại ở Việt Nam. Do khái niệm về tính khách quan của toà án đang chiếm ưu thế nên tính trách nhiệm của toà án cũng nổi lên như một vấn đề quan trọng hàng đầu.

Giống như các hệ thống toà án các nước, yếu tố đầu tiên bảo đảm tính trách nhiệm của toà án ở Việt Nam chính là nguyên tắc toà án xét xử công khai được quy định trong Hiến pháp 1992. Nguyên tắc hiến định này yêu cầu tất cả các phiên xử của toà án phải công khai trừ trường hợp ngoại lệ cần phải xét xử kín như các vụ án liên quan tới bí mật quốc gia hay nhạy cảm về mặt đạo đức.

Yếu tố thứ hai đóng vai trò quan trọng trong cơ chế ràng buộc trách nhiệm của thẩm phán đó là cơ chế phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm cộng với chế tài không được tái bổ nhiệm đối với thẩm phán đã tuyên nhiều án sai. Hai thủ tục này cho phép toà án cấp trên xét xử lại những vụ việc mà toà án cấp dưới đã có bản án, cho dù là những bản án đó đã có hiệu lực hay chưa. Pháp luật hiện hành thậm chí còn cho phép toà án cấp trên có quyền chủ động kháng nghị bản án của toà án cấp dưới mà toà án cấp trên cho rằng đã được tuyên sai. Các vụ án bị huỷ hoặc sửa sẽ được ghi vào lý lịch nghề nghiệp của thẩm phán.

Yếu tố thứ ba trong cơ chế ràng buộc trách nhiệm của toà án là sự tham gia của viện kiểm sát trong quá trình xét xử của toà án. Viện kiểm sát, ngoài chức năng công tố là chức năng giám sát hoạt động xét xử của toà án và cơ quan điều tra. Vì thế, viện kiểm sát có quyền có mặt tại phiên toà và trình bày ý kiến của mình về vụ việc và hướng áp dụng pháp luật đối với vụ việc. Những ý kiến này tất nhiên không có giá trị bắt buộc đối với thẩm phán nhưng toà án cũng thường xem trọng các ý kiến này vì viện kiểm sát có quyền kháng nghị đối với bản án của toà ngay cả khi bản án đã có hiệu lực, nếu kháng nghị xảy ra thì hiệu lực của bản án sẽ bị đình chỉ và thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm sẽ được tiến hành. Qua đó bản án có thể sẽ bị sửa hoặc bị huỷ mà hậu quả phát sinh có thể dẫn tới ảnh hưởng tới việc tái bổ nhiệm của thẩm phán. Vì vậy, trong hệ thống tư pháp Việt Nam, viện kiểm sát đóng vai trò khá quan trọng trong việc bảo đảm tinh trách nhiệm trong hoạt động của toà án.

Yếu tố thứ tư trong cơ chế ràng buộc trách nhiệm của toà án là các cơ quan đại diện ở các cấp. Các cơ quan này có quyền giám sát đối với toà án cùng cấp thông qua hoạt động báo cáo định kỳ cũng như trả lời chất vấn của chánh án toà án cùng cấp trước đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc đại biểu

Quốc hội. Vì thế, về mặt pháp lý, mặc dù các cơ quan đại diện không có quyền can thiệp vào công việc của từng thẩm phán nhưng chúng vẫn có thể ràng buộc trách nhiệm của một toà án hay một thẩm phán cùng cấp.

Yếu tố thứ năm trong cơ chế bảo đảm trách nhiệm của thẩm phán Việt Nam là chế độ kỷ luật áp dụng đối với họ. Tính trách nhiệm của toà án chủ yếu chú trọng vào các biện pháp chế tài với quan điểm là các biện pháp kỷ luật càng nặng thì càng có tác dụng duy trì tính trách nhiệm của thẩm phán. Cho nên các biện pháp kỷ luật đóng một vai trò tối quan trọng trong cơ chế bảo đảm trách nhiệm của thẩm phán hiện nay. Chúng quan trọng đến mức mà chế độ kỷ luật thẩm phán hiện đang áp dụng đã được xây dựng một cách phức tạp đến nỗi mà ngay cả các thẩm phán không phải ai cũng hiểu tường tận về chúng. Cũng chính vì sự phức tạp như vậy mà chế độ kỷ luật thẩm phán hiện tại chứa đựng nhiều mối đe doạ tới tính độc lập của thẩm phán Việt Nam. Về mặt pháp lý, thẩm phán phải chịu hai loại trách nhiệm kỷ luật: kỷ luật đối với thẩm phán và kỷ luật đối với công chức nhà nước nói chung. Hình thức kỷ luật đối với thẩm phán có thể dưới dạng cách chức hoặc miễn nhiệm theo Pháp lệnh thẩm phán. Trong khi đó, kỷ luật công chức có thể làm cho thẩm phán bị khiển trách hoặc cảnh cáo hoặc buộc thôi việc giống như một công chức thông thường. Sự xuất hiện của chế tài hình sự là một điểm đặc trưng của cơ chế bảo đảm trách nhiệm của thẩm phán Việt Nam. Thực tế thì điều này thể hiện tầm ảnh hưởng cả quan điểm coi sự độc lập là nghĩa vụ của thẩm phán. Theo pháp luật hiện hành của nước ta quy định một chế tài hình sự đối với thẩm phán ra bản án hay quyết định trái pháp luật với mức hình phạt có thể lên tới 15 năm tù. Tuy nhiên chế tài này khó có thể được áp dụng trong thực tiễn. Hiện tại chưa có giải thích cụ thể như thế nào là bản án hoặc quyết định trái pháp luật nên có nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ để chế tài hình sự này có thể áp dụng được trên thực tế, chẳng hạn như bản án hay quyết định phải trái

pháp luật ở mức độ nào mới có thể bị xử lý, và liệu các bản án và quyết định bị toà án cấp trên huỷ có bị xem như trái pháp luật? ...

Yếu tố cuối cùng trong cơ chế đảm bảo trách nhiệm của thẩm phán là trách nhiệm bồi thường cá nhân của thẩm phán nếu ra bản án sai và gây thiệt hại cho nhân dân. Cơ chế bồi thường trong trường hợp này là toà án nơi thẩm phán công tác sẽ phải bồi thường cho nạn nhân và thẩm phán sẽ phải bồi thường lại cho toà án theo Nghị quyết 388 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003 và sau đó là Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. Có thể nói, vấn đề trách nhiệm bồi thường cá nhân này cộng với một số yếu tố liên quan khác có tác động nặng nề tới tính độc lập của thẩm phán.

Một phần của tài liệu Sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án tại Việt Nam (Trang 87)