NGUYÊN TẮC ĐỘC LẬP CỦA TOÀ ÁN Ở VIỆT NAM
2.1. KHÁI QUÁT VỀ HỆ THỐNG TOÀ ÁN VIỆT NAM
Hệ thống toà án Việt Nam đã trải qua một quá trình lịch sử hình thành và phát triển nhiều biến động cùng với lịch sử lập hiến của Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành bốn bản Hiến pháp với một số những sửa đổi bổ sung đối với từng bản Hiến pháp tuỳ thuộc vào sự thay đổi các điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội trong từng thời kỳ. Toàn bộ bốn bản Hiến pháp này đều dành hẳn một chương riêng để quy định về việc thành lập một hệ thống toà án được tổ chức theo nhiều cấp với chức năng khác nhau trên cơ sở tuân thủ một số những nguyên tắc Hiến pháp cơ bản. Tuy vậy, hệ thống toà án được mỗi bản Hiến pháp xây dựng đều có những đặc điểm khác biệt khá cơ bản so với các hệ thống được xây dựng bởi các bản Hiến pháp khác.
Thứ nhất, hệ thống toà án giai đoạn từ năm 1945 đến 1959. Bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội đầu tiên của Việt Nam (1945-1959) ban hành ngày 09 tháng 11 năm 1946, quy định rằng hệ thống toà án của Việt Nam là một hệ thống đơn nhất, có thành phần bao gồm một Toà án Tối cao, các Toà án phúc thẩm, các Toà án đệ nhị cấp và các Toà án sơ cấp [20, Điều 63]. Hiến pháp này cũng quy định hai loại công chức tư pháp làm việc trong toà án là thẩm phán, do Chính phủ bổ nhiệm, và phụ thẩm. Những người này làm việc trong toà án theo một số nguyên tắc cơ bản như: nguyên tắc thẩm phán độc lập, nguyên tắc xét xử công khai, nguyên tắc quyền bào chữa của bị cáo. Về thẩm quyền, hệ thống toà án Việt nam giai đoạn này chỉ có thẩm quyền xét xử các vụ án trong lĩnh vực hình sự, dân sự và thương mại. Quan điểm chủ đạo chi phối vị trí của hệ thống toà án trong hệ thống pháp lý của
Việt Nam trong giai đoạn này không xem nhánh tư pháp là một nhánh quyền lực ngang hàng với nhánh hành pháp, và đương nhiên là không thể ngang hàng với nhánh lập pháp. Như Vũ Đình Hoè, một trong những học giả tiêu biểu thời bấy giờ nhận định, việc phân chia giữa quyền hành chính và quyền tư pháp chỉ là sự phân định trong khía cạnh thực thi mà thôi. Không được lẫn lộn hoặc đánh đồng với sự phân chia quyền lực nhà nước ở góc độ Hiến pháp, tức là sự phân chia giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp. Sự phân định giữa tư pháp và hành chính chỉ có nghĩa đơn giản là quyền tư pháp có hai phần: phần quản lý và phần xét xử [12, tr.434]. Như vậy, có thể thấy, hệ thống toà án không những không có thẩm quyền đối với các văn bản hành chính, mà nó còn là một bộ phận cấu thành nên nhánh hành pháp trong cấu trúc của bộ máy nhà nước. Về tổ chức cũng như chức năng hoạt động của hệ thống toà án không phải do Hiến pháp điều chỉnh mà là các Sắc lệnh do Chủ tịch nước ban hành dưới danh nghĩa Chủ tịch Chính phủ. Theo đó, Chính phủ quy định về cấu trúc của hệ thống toà án, số lượng toà án và nơi đặt trụ sở các toà án. Hơn nữa, các thẩm phán trong giai đoạn này bao gồm hai loại là thẩm phán xét xử và thẩm phán công tố đều do Chính phủ bổ nhiệm, đề bạt và quy định về tiền lương thông qua các thủ tục, trong đó Bộ trưởng Tư pháp đóng vai trò quan trọng.
Thứ hai, Hiến pháp 1959 và hệ thống toà án giai đoạn 1960-1980. Hai năm sau khi bản Hiến pháp thứ hai (1959) của Việt nam được ban hành, hai văn bản luật được Quốc hội ban hành để hoàn chỉnh khung pháp lý điều chỉnh tổ chức và hoạt động của hệ thống toà án Việt nam, đó là Luật tổ chức toà án ban hành năm 1960 (Luật 1960) và Pháp lệnh tổ chức toà án Tối cao và toà án địa phương ban hành năm 1961 (Pháp lệnh 1961).
Tổ chức hệ thống toà án trong giai đoạn này được xây dựng theo mô hình đơn nhất gồm ba cấp với một Toà án Tối cao có tên gọi là Toà án nhân
dân Tối cao đứng ở vị trí cao nhất của hệ thống toà án. Ở cấp trung gian là các toà án tỉnh được thành lập theo khu vực địa lý, vừa là tòa án sơ thẩm, vừa là toà án phúc thẩm. Ở cấp thấp nhất, các các toà án huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm được thành lập ở các tỉnh và huyện. Bên cạnh cấu trúc chung này còn có một loại toà án khác là toà án khu tự trị, có thẩm quyền về mặt lãnh thổ đối với các khu tự trị lúc bấy giờ, nó tồn tại đến năm 1975 - khi kết thúc sự tồn tại của các khu tự trị.
Với Hiến pháp 1959, mô hình bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được xây dựng. Các nguyên tắc chủ đạo chi phối tổ chức của bộ máy nhà nước kiểu mới này là Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan này thực hiện quyền giám sát đối với các nhánh quyền lực khác. Toà án nhân dân Tối cao, Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao riêng biệt và ngang cấp nhau. Quyền lực của những cơ quan này bắt nguồn từ Quốc hội. Một nguyên tắc chính trị mang tính chủ đạo khác là các cơ quan đại diện các cấp kiểm tra và giám sát các cơ quan nhà nước cùng cấp, tức là các cơ quan hành chính, toà án và viện kiểm sát cùng cấp. Vì thế nên quyền kiểm tra giám sát toà án được chuyển từ Bộ Tư pháp sang các cơ quan dân cử ở địa phương. Một điểm lớn nữa là trong giai đoạn này, hệ thống toà án không còn quyền công tố, nó đã chuyển giao quyền này cho viện kiểm sát và vì thế từ giai đoạn này, toà án chỉ còn duy nhất chức năng xét xử.
Thứ ba, Hiến pháp năm 1980 và hệ thống toà án giai đoạn 1980-1992. Điểm mới nổi bật nhất về hệ thống toà án trong thời kỳ này là việc bắt đầu mở rộng thẩm quyền xét xử của toà án sang lĩnh vực lao động. Và kể từ năm 1986, khi chính sách đổi mới được thực thi trên cả nước và khối kinh tế tư nhân bắt đầu phát triển thì các toà án lại được giao thêm thẩm quyền xét xử một số vụ việc hành chính. Tuy nhiên, thẩm quyền đối với những vụ việc này được chuyển giao sang cho hệ thống toà án bởi một Quyết định của Hội đồng
Bộ trưởng - Quyết định số 10/HĐBT ngày 14/1/1985 với tiêu đề là chuyển giao quyền xét xử một số loại vụ việc lao động cho toà án. Trên thực tế thì thẩm quyền xét xử hành chính vẫn chưa chính thức được trao cho toà án.
Một đặc điểm nổi bật khác là nếu như trong giai đoạn 1959-1980, Bộ tư pháp không đóng vai trò nào trong hoạt động của toà án thì trong giai đoạn này nó đã quay trở lại với vai trò chủ yếu là quản lý nhân sự khác (ngoài thẩm phán) của các toà án địa phương (việc bầu và bãi nhiệm các thẩm phán thuộc thẩm quyền của các cơ quan đại diện). Có thể thấy, cơ quan đóng vai trò chính trong vấn đề nhân sự của toà án giai đoạn này vẫn là các cơ quan đại diện các cấp.
Đặc điểm khác biệt cuối cùng của hệ thống toà án thời kỳ này là cơ cấu tổ chức của toà án Tối cao. Theo Luật tổ chức toà án năm 1981 thì có tới ba toà án nằm trong Toà án nhân dân Tối cao vì chúng đều riêng biệt với nhau. Cơ chế này dẫn tới những bất cập trong công tác xét xử vì một vụ kiện khi đã được gửi lên Toà án Tối cao có thể không bao giờ kết thúc bởi vì nó có thể được xét xử ít nhất ba lần hoặc thậm chí hơn, mỗi lần có thể ra bản án có hiệu lực thi hành khác nhau của toà án Tối cao nhưng trên thực tế thì lại không thể thi hành được.
Thứ tư, Hiến pháp 1992 và hệ thống toà án giai đoạn 1992-2002. Những thành công bước đầu của công cuộc đổi mới chính là cơ sở về mặt nội dung cho một bản Hiến pháp có nội dung đổi mới toàn diện trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và tổ chức bộ máy nhà nước. Một nền kinh tế năng động và cởi mở hơn, thành quả trực tiếp của công cuộc đổi mới, cũng đòi hỏi những thay đổi thích hợp trong hệ thống toà án. Sau gần 10 năm áp dụng, mô hình quản lý toà án với sự chi phối từ các cơ quan đại diện các cấp đã cho thấy những bất cập cơ bản. Pháp luật
về hệ thống toà án trong giai đoạn này là để nhằm giải quyết những bất cập này và qua đó đưa đến những thay đổi cơ bản trong hệ thống toà án Việt Nam.
Trước tiên, các cơ quan đại diện các cấp không còn thẩm quyền bầu, đề bạt và bãi nhiệm thẩm phán. Trong thập kỷ 1980, hoạt động của cơ quan đại diện phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan hành chính ở địa phương bởi vì cơ quan hành chính được coi là cơ quan thường trực của cơ quan đại diện cùng cấp. Vì thế, trên thực tế, sự nghiệp và việc đề bạt thẩm phán giai đoạn này lệ thuộc rất lớn vào người đững đầu bộ máy hành chính ở địa phương. Rõ ràng là cơ chế này rất có hại cho tính độc lập của toà án. Hơn nữa, những đại biểu dân cử - thành viên của cơ quan đại diện địa phương - thường không có kiến thức luật cũng như công việc của toà án. Vì thế, quyết định của họ về việc lựa chọn thẩm phán thường là cảm tính và dựa vào sự đề cử của chính quyền là chính. Để khắc phục bất cập này, pháp luật đã trao quyền bổ nhiệm tất cả các thẩm phán cho Chủ tịch nước và Bộ Tư pháp được đưa trở lại lĩnh vực hoạt động của toà án với vai trò trợ giúp Chủ tịch nước trong việc thực thi quyền bổ nhiệm thẩm phán. Đồng thời, Bộ Tư pháp còn có thực quyền giám sát đối với các toà án địa phương, cả cấp tỉnh và cấp huyện và thậm chí còn quyết định ngân sách hàng năm đối với các toà án địa phương.
Một đặc điểm khác của hệ thống toà án thời kỳ này là việc mở rộng thẩm quyền xét xử các vụ việc. Từ tháng 7 năm 1994, toà án chính thức được trao thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh tế, và tương tự, thẩm quyền đối với một số vụ án hành chính cũng được trao cho toà án kể từ tháng 7 năm 1996.
Sự can thiệp của Bộ Tư pháp vào công việc của toà án giai đoạn này không chỉ dừng lại ở mức độ quản lý nhân sự và ngân sách của toà án địa phương, từ năm 1993, khi Pháp lệnh thi hành án dân sự được ban hành, Bộ Tư pháp được giao trách nhiệm thực thi tất cả các bản án dân sự của toà án.
Thứ năm, quá trình đổi mới kể từ sau năm 2002. Năm 2002, những đạo luật mới liên quan tới tổ chức và hoạt động của hệ thống toà án cũng như địa vị pháp lý của thẩm phán và hội thẩm nhân dân được ban hành đặt nền tảng cho quá trình đổi mới hiện nay của hệ thống toà án Việt Nam. Khác với những đổi mới ở các giai đoạn trước, quá trình đổi mới này có những đặc điểm khác bởi nó không theo sau việc ban hành một bản Hiến pháp mới. Động lực chính của đổi mới lần này là nhu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động
và năng lực của hệ thống toà án vốn đang có nhiều bất cập. Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 02 tháng 01 năm 2002 về một số nhiệm vụ
trọng tâm của công tác tư pháp trong thời kỳ tới đã cảnh báo rằng công tác tư pháp đang có chất lượng thấp. Hệ thống toà án, cùng với những cơ quan khác, là những người được coi là phải chịu trách nhiệm đối với tình hình này.
Hai yếu tố có ý nghĩa như một nguyên tắc hiến định, đó là sự can thiệp không hợp lý của Bộ Tư pháp vào hoạt động của toà án địa phương và sự công nhận nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hai yếu tố định hướng quá trình đổi mới hệ thống toà án năm 2002. Toàn bộ hệ thống toà án kể từ đó đã không còn chịu ảnh hưởng của Bộ Tư pháp. Sự liên hệ của Bộ này vào hoạt động của ngành toà án giờ đây chỉ bó hẹp trong một số lĩnh vực như đào tạo tiếp tục đối với thẩm phán hoặc thực thi các bản án dân sự của toà án. Các toà án địa phương giờ đây đặt dưới sự kiểm soát toàn diện của Toà án nhân dân Tối cao và thực tế điều này có thể gây ra một bất cập khác cho tính độc lập của toà án địa phương, điều này sẽ được đề cập cụ thể ở phần sau.
Một yếu tố khác cũng góp phần định hướng quá trình đổi mới hệ thống toà án năm 2002, đó là sự bất cập trong cấu trúc nội tại của Toà án nhân dân Tối cao như đã nêu ở phần trên. Luật tổ chức toà án năm 2002 đã xây dựng được một cấu trúc phù hợp hơn cho Toà án nhân dân Tối cao. Tuy nhiên,
cũng cần thấy rằng, mặc dù đã có những cải thiện cơ bản trong thời gian gần đây, nhưng quá trình cải cách của hệ thống toà án Việt Nam hiện nay vẫn đang là một quá trình tiếp tục. Tháng 6 năm 2005, Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã được ban hành. Theo đó, toàn bộ hệ thống toà án Việt Nam sẽ được tổ chức lại. Thay thế các toà án tỉnh và huyện như hiện nay, có thể sẽ có các toà án khu vực có thẩm quyền sơ thẩm, các toà án phúc thẩm và các toà án thượng thẩm. Các án lệ do Toà án nhân dân Tối cao ban hành cũng có thể sẽ được sử dụng. Các toà án sẽ có mối liên hệ ít hơn đối với các cấp chính quyền địa phương.
Theo luật tổ chức toà án năm 2002, toà án có thẩm quyền xét xử các vụ việc hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính, kinh tế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là toà án có thẩm quyền xét xử đối với tất cả các loại vụ việc thuộc tất cả các loại trên. Đối với các vụ việc không phải là hình sự, thẩm quyền xét xử của toà án được xác định theo cách thức liệt kê [26, Điều 25 - 32], [34, Điều 11].
Cơ cấu của hệ thống toà án nước ta theo Luật tổ chức toà án năm 2002 bao gồm Toà án nhân dân Tối cao, các toà án địa phương, các toà án quân sự, các toà án khác mà pháp luật thành lập và các toà án đặc biệt mà Quốc hội có thể thành lập để xét xử những trường hợp đặc biệt. Về mặt lý thuyết, hai loại toà án sau có thể được thành lập dưới hình thức một toà án lâm thời hay một cơ quan xét xử nửa toà án để giải quyết một vụ việc đặc biệt hay phục vụ một mục đích đặc bịêt nào đó. Tính độc lập của những toà án đó, một khi được thành lập, có thể sẽ bị đe doạ nghiêm trọng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một tiền lệ nào về sự tồn tại của những toà án này. Trong phạm vi nghiên cứu về tính độc lập của toà án, hai loại toà án này và các toà án quân sự sẽ không được đề cập đến. Một lý do chính không đề cập đến toà án quân sự là vì bản chất đặc biệt liên quan đến cơ chế mệnh lệnh trong quân đội. Vì vậy,
hệ thống toà án được đề cập trong nghiên cứu này chỉ bao gồm Toà án nhân