Sự bảo đảm hiến định về tính độc lập của toà án

Một phần của tài liệu Sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án tại Việt Nam (Trang 92 - 95)

NGUYÊN TẮC ĐỘC LẬP CỦA TOÀ ÁN Ở VIỆT NAM

2.2.2.1. Sự bảo đảm hiến định về tính độc lập của toà án

Như chúng ta biết, trong suốt lịch sử lập hiến Việt Nam, nguyên tắc độc lập của toà án luôn luôn được xem như một trong những nguyên tắc hiến pháp điều chỉnh hoạt động của tổ chức toà án. Mặc dù trên thực tế, nguyên tắc này được giải thích và áp dụng giống như tính khách quan của toà án, song điều khoản hiến pháp quy định về việc các thẩm phán phải được độc lập và chỉ tuân theo pháp luật được xem như nền tảng hiến định cho nguyên tắc tính độc lập của toà án. Ngoài việc được quy định trong Hiến pháp, nguyên tắc độc lập của toà án còn được quy định ở tất cả các đạo luật cơ bản nhất cụ thể hoá Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của toà án, đó là Luật tổ chức và hoạt động của toà án năm 2002, Pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm nhân dân, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. Tuy nhiên,

những ghi nhận thành văn trên chủ yếu là mức độ bảo đảm về mặt lý thuyết, khía cạnh thực tế của việc thực thi nguyên tắc này còn nhiều bất cập.

Trước hết, về quy định trong Hiến pháp, Điều 130 Hiến pháp 1992 chỉ quy định ngắn gọn về khái niệm của nguyên tắc mà không hề quy định về các biện pháp cơ bản để đảm bảo bằng hiến pháp việc thực hiện nguyên tắc này khiến cho nảy sinh hai bất cập: Một là, các đạo luật cũng đã theo quy định của Hiến pháp mà bỏ qua, không chú trọng tới việc quy định các biện pháp cụ thể bảo đảm tính độc lập của toà án; hai là, làm cho trên thực tế không có định hướng chi tiết để hiểu và thực thi nguyên tắc. Vì vậy, công chúng cũng thiếu đi sự định hướng để xem xét nguyên tắc một cách có hệ thống và dẫn tới sự hiểu lầm. Thực tế, như đã phân tích, tính độc lập của toà án đã bị hiểu và phân tích không thực sự là nó mà luôn có xu hướng là tính khách quan của toà án. Kết quả là nguyên tắc này đã được xem như một nghĩa vụ phải độc lập từ phía thẩm phán, và các biện pháp cụ thể để củng cố và thực thi nguyên tắc thường

được thực hiện dưới hình thức tuyên truyền, kêu gọi thẩm phán xét xử độc lập.

Thứ hai, nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc mới được hình thành trong luật Hiến pháp Việt Nam, cụ thể là Hiến pháp 1992 được sửa đổi năm 2001, trong khi đó nguyên tắc tính độc lập của toà án dường như đã xuất hiện ngay từ Hiến pháp năm 1946. Do đó, có rất ít sự liên hệ giữa nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nguyên tắc tính độc lập của toà án trong quá trình lập pháp cũng như trong nghiên cứu pháp luật. Vì thế, trên thực tế, mặc dù nguyên tắc Nhà nước pháp quyền đang được quan tâm rất nhiều nhưng nó không thực sự giúp được nhiều trong vấn đề tính độc lập của toà án, nhất là trong việc xây dựng một cách nhìn hệ thống về nguyên tắc này.

Thứ ba, theo Điều 127 Hiến pháp 1992, chức năng của toà án Việt Nam là xét xử các vụ việc tranh chấp. Theo đó, chức năng này được hiểu theo nghĩa hẹp là làm sáng tỏ sự thật của vụ án và áp dụng các điều khoản của pháp luật để ra phán quyết cuối cùng. Toà án nhân dân tối cao thậm chí có quyền hướng dẫn áp dụng pháp luật nhưng cũng không có quyền giải thích pháp luật. Trong các bản án của toà án không bao giờ có phần giải thích xem các điều khoản pháp luật mà toà sắp áp dụng phải được hiểu như thế nào. Vì thế toà án không thể giải thích nội dung của nguyên tắc độc lập của toà án cũng như các yếu tố bảo đảm nó. Chỉ có Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới có quyền giải thích hiến pháp và luật [22, Điều 91.3]. Điều này có nghĩa là một khi nguyên tắc này đã không được quy định cụ thể trong Hiến pháp và trong các luật thì chỉ có thể tìm thấy ở các văn bản giải thích của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ xảy ra trên thực tế. Hậu quả tất yếu là nội dung của nguyên tắc, nếu có, vẫn chỉ nằm trong các tài liệu nghiên cứu mà chưa bao giờ được giải thích một cách chính thức có giá trị pháp lý hay chính trị. Điều này gây ra những hiểu biết không đúng về nguyên tắc và cản trở sự cụ thể hoá nó ngay từ cấp hiến định.

Vấn đề cuối cùng, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có Toà án hiến pháp, các ý tưởng về việc hình thành toà án này để bảo vệ Hiến pháp và qua đó có thể giải thích nội dung các điều khoản Hiến pháp mới chỉ trong giai đoạn hình thành. Vì thế, các điều khoản của Hiến pháp nói chung và nguyên tắc tính độc lập của toà án nói riêng trong trường hợp bị vi phạm thì ngoài việc không xác định được vi phạm hay không, do không có quy định hay diễn giải chính thức về nội dung và các yếu tố nội dung của nó thì lại không có một toà án đứng ra để bảo vệ. Rõ ràng việc thiếu vắng một cơ chế bảo vệ hiến pháp ở Việt Nam cho thấy sự bất cập trong cơ chế thực thi nguyên tắc tính độc lập của toà án. Trong lý luận về luật Hiến pháp hiện nay, Quốc hội là cơ quan duy nhất có

quyền này với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng trên thực tế, Quốc hội chưa bao giờ thực hiện quyền này và cũng chưa uỷ quyền cho cơ quan nào thực hiện.

Một phần của tài liệu Sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án tại Việt Nam (Trang 92 - 95)