NHỮNG YÊU CẦU CỦA TOÀ ÁN ĐỘC LẬP

Một phần của tài liệu Sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án tại Việt Nam (Trang 25)

Để hiểu rõ về những yêu cầu của toà án độc lập, trước hết, cần có nhận thức chung về sự độc lập của hoạt động xét xử. Về lý luận cũng như thực tiễn, sự độc lập của hoạt động xét xử gắn liền với chủ nghĩa lập hiến chủ quyền nhân dân và nguyên tắc phân quyền trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, mặc dù mức độ phân quyền ở mỗi quốc gia là khác nhau, tuỳ thuộc vào quá trình phát triển của dân chủ, của nhà nước và pháp luật đặc biệt là các điều kiện và mức độ phát triển của các yếu tố thuộc hạ tầng cơ sở xã hội và kinh tế. Điều này thể hiện rõ ở các nước phát triển hiện đại, nơi mà quyền tư pháp về hình thức cũng như về thực tế đã có những thay đổi căn bản, nhiều nơi đã trở thành nhánh quyền lực nhà nước cao nhất. Cùng với quá trình dân chủ hoá quyền tư pháp, mặc dù là nhánh quyền lực ít nổi bật hơn so với quyền lập pháp và quyền hành pháp, với những mức độ khác nhau, đã bắt đầu kiểm soát quyền lập pháp và quyền hành pháp. Vị trí đó được thể hiện bởi hệ thống tổ chức và thẩm quyền của toà án; bởi vai trò của các Toà án trong cơ chế quyền lực nhà nước. Ở nhiều quốc gia dân chủ (trong đó có Việt Nam), Toà án có thẩm quyền kiểm soát các nhánh quyền lực khác và ra các phán quyết cuối cùng đối với các khiếu kiện về các hoạt động của các cơ quan nhà nước (mặc dù ở Việt Nam toà hành chính mới ra đời và thẩm quyền còn hết sức khiêm tốn). Sự độc lập của hoạt động xét xử là yếu tố có tính nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, là điều kiện để đảm bảo và củng cố trật tự pháp luật, bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân, quyền con người.

Trong hệ thống các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước thì Toà án là cơ quan được tổ chức và thành lập để thực hiện chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý. Vì thế, trong tư liệu pháp lý, thông thường người ta còn nói đến sự độc lập của Toà án, sự độc lập của quyền Tư pháp. Nói như thế cũng hoàn toàn đúng, bởi vì chỉ có Toà án mới có quyền xét xử

và hoạt động xét xử là hoạt động tư pháp, thực hiện quyền Tư pháp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong trường hợp đó, xét xử cần được hiểu theo nghĩa rộng của từ này, nghĩa là toàn bộ hoạt động xem xét, xử lý vụ việc từ khi có khởi kiện (truy tố, điều tra) cho đến khi phán quyết và thi hành phán quyết đó. Và mặc dù các hoạt động đơn lẻ của từng khâu, từng giai đoạn của toàn bộ quá trình tố tụng có thể do nhiều cơ quan bộ phận thực hiện, nhưng theo pháp luật, điều đó Toà án (thẩm phán) chỉ đạo và chịu trách nhiệm. Mặt khác, nói đến độc lập là độc lập của quyền tư pháp, đối với quyền hành pháp và quyền lập pháp trong hoạt động của mình, hoạt động xét xử. Còn về mặt tổ chức thì dù là ở Mỹ, hay ở Đức, ở Pháp, hệ thống Toà án và Thẩm phán đều phải do Quốc hội (lập pháp) hoặc do Tổng thống (hành pháp) thành lập và bổ nhiệm, do đó, nói đến quyền tư pháp ở Mỹ, một giáo sư khoa Luật, trường Đại học New Mexico (Mỹ) đã viết: “Nước Mỹ thừa hưởng 4 truyền thống luật của nước Anh…Truyền thống thứ nhất: Sự độc lập của ngành tư pháp không chỉ độc lập mà còn phải chịu trách nhiệm…Hiến pháp quy định rất ngắn gọn như sau về hệ thống Toà án: - Quyền xét xử của nước Mỹ tập trung vào một toà án duy nhất đó là Quốc hội. Toà án tối cao đó là Toà án duy nhất mà có quyền lực trong hệ thống toà án nước Mỹ. Công việc đầu tiên của Quốc hội đầu tiên là xây dựng Toà án, sản phẩm đó là hai hệ thống Toà án….”[7, tr.5, 9].

Tại phần 1 Điều thứ ba Hiến pháp nước Mỹ ghi nhận: Quyền Tư pháp của Hợp chủng quốc do Toà án tối cao và các toà án cấp dưới thực hiện, và các toà án này đều do Quốc hội tổ chức và thành lập.

Điều 92 Đạo luật cơ bản của Cộng hoà Liên Bang Đức quy đinh: Quyền tư pháp được tạo cho các Thẩm quyền; quyền đó được thực hiện bởi Toà án Hiến pháp Liên bang. Các toà án Liên bang được quy định tại Đạo luật cơ bản này, và các toà án theo lãnh thổ.

Đề cập đến sự độc lập của hoạt động xét xử, Điều 97 Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Đức quy định: “Các thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo luật”. Điều 130 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi bổ sung năm 2001) cũng quy định: “Khi xét xử, thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Rõ ràng là dù ở đâu thì Toà án cũng là một bộ phận trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước. Về tổ chức, toà án và thẩm phán đều do Quốc hội và (hoặc) Tổng thống tổ chức và thành lập (thành lập Toà án và bổ nhiệm Thẩm phán). Do đó, không thể đặt vấn đề về sự độc lập của Toà án mà không xem xét nó trong mối liên hệ tổng thể nhưng có sự tách bạch về tổ chức và hoạt động của mỗi cơ quan trong bộ máy nhà nước. Một số học giả cho rằng chánh án và Thẩm phán do Tổng thống bổ nhiệm thì mới có cơ sở cho sự độc lập của Toà án. Vì vậy, Chánh án Toà án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội (biểu hiện của nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa), cho nên toà án ở Việt Nam dù là một hệ thống độc lập "nhưng không hẳn là một thiết chế độc lập như toà án trong các chính thể áp dụng nguyên tắc phân quyền” [4, tr.82].

Ý kiến này cần phải được xem xét lại. Bởi vì, thứ nhất, dù là ở Anh, ở Đức hay ở Mỹ, quyền lực của Quốc hội là rất lớn, đặc biệt là Thượng Viện trong việc tổ chức toà án, bổ nhiệm Thẩm phán cũng như giám sát hoạt động tư pháp. Nghiên cứu kỹ Hiến pháp của các nước này trong các quy định về thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Tổng thống và hệ thống Toà án thì sẽ rõ hơn. Thứ hai, sự độc lập của toà án, của quyền tư pháp được đặt trong quan hệ với hai nhánh quyền khác nhưng trước hết là quyền hành pháp. Bởi vì quyền hành pháp nằm trong tay bộ máy, lực lượng cưỡng chế, có thể chi phối về vật chất và tinh thần không chỉ đối với nhánh quyền tư pháp, mà cả đối với quyền lập pháp một cách mạnh mẽ. Mặt khác, quốc hội là một thiết chế quyền

lực đại diện cho nhân dân, được Hiến pháp trao cho sứ mệnh tổ chức và thành lập các cơ quan thiết chế khác của nhà nước, đồng thời, giám sát hoạt động của cơ quan đó. Với hệ thống các nguyên tắc và phương thức tổ chức, hoạt động của Quốc hội, nó là một thiết chế đảm bảo một cách tốt nhất chế độ dân chủ của hình thức dân chủ đại diện. Tuy nhiên, theo Montesquieu, mô hình lý tưởng được ông đưa ra là: “Quyền phán xét không nên giao cho một viện nguyên lão thường trực, mà phải do những người trong đoàn thể dân chúng được cử ra từng thời gian trong một năm, do luật quy định, lập thành toà án, làm việc kéo dài bao lâu tuỳ theo sự cần thiết” [16, tr.102].

Sự độc lập của hoạt động xét xử của toà án còn được đặt trong mối quan hệ giữa toà án thuộc các cấp khác nhau, giữa thẩm phán với các “Thủ trưởng”, với cấp uỷ, giữa toà án với các thiết chế quyền lực mang tính quản lý hành chính lãnh thổ. Ở một mức độ nhất định, các Toà án cấp dưới nhiều khi phải phục tùng các toà án “Cấp trên”, sự chỉ đạo của “Thủ trưởng”, của “tập thể”, và điều đó không thể không làm tổn hại đến sự độc lập của hoạt động xét xử. Vì vậy, để đảm bảo sự độc lập xét xử, hệ thống toà án thường được tổ chức theo cấp xét xử: Sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm….và các thẩm phán không chịu sự quản lý của các thiết chế quyền lực theo hành chính - lãnh thổ. Mặt khác, địa vị và uy thế của các thẩm phán, chánh án toà án phải được xác định xứng đáng trong cơ chế quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị để có thể khẳng định được vai trò và chức năng của tư pháp như một khâu quan trọng nhất trong hệ thống kiểm tra, đảm bảo sự thượng tôn của Hiến pháp và pháp luật.

Cũng có quan điểm cho rằng thẩm phán cần phải độc lập với chính trị. Trong trường hợp đó, pháp luật, hiến pháp mà thẩm phán tuân theo sẽ trở thành vô vi, không vì lợi ích của ai cả. Sự độc lập của xét xử nghĩa là thẩm phán khi xét xử không bị can thiệp nhưng phải chịu trách nhiệm.

Như vậy, nguyên tắc độc lập của hoạt động xét xử chỉ có thể tồn tại trong chế độ nhà nước dân chủ và pháp quyền cùng với sự phân công rành mạch (phân chia) và phối hợp (kiềm chế, đối trọng) giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự độc lập của quyền tư pháp là độc lập của Toà án và thẩm phán trong hoạt động xét xử, chỉ tuân theo pháp luật, không bị can thiệp, không bị tác động, bị phụ thuộc bởi bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân hay lực lượng nào ngoài hệ thống tư pháp và trong hệ thống tư pháp của mình.

Vậy, những yêu cầu của toà án độc lập là gì? Từ những phân tích trên cho phép khẳng định rằng, nội dung của nguyên tắc độc lập của toà án được thể hiện tập trung ở 3 lĩnh vực: Một là, toà án phải độc lập về mặt thể chế, nghĩa là phải có hệ thống tổ chức và với những quy chế hoạt động riêng không trùng và không thể giống với hành pháp và lập pháp. Hai là, toà án phải có hành chính nội bộ riêng. Ba là, thẩm phán phải độc lập.

Một phần của tài liệu Sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án tại Việt Nam (Trang 25)