8. Cấu trúc luận văn
2.1.2. Quá trình tồn tại, phát triển
Có thể khẳng định rằng múa rối nước ra đời ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại, rối nước vẫn chưa đi xa khỏi nơi phát tích của mình. Các phường rối dân gian truyền thống đều tập trung quanh kinh thành Thăng Long, đó là ở các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh…
Múa rối nước là nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam, quá trình tồn tại, phát triển của nghệ thuật này được chia làm các thời kỳ như sau:
Thời kỳ thứ nhất: Múa rối nước mang tính chất trò chơi
Rối nước còn là một hình thức trò chơi của nhân dân lao động, thợ thủ công, nông dân, không phổ biến rộng mà hoạt động trong phạm vi vài gia đình, một vài dòng họ, một vài địa phương.
Thời kỳ thứ hai: Rối nước thành một trò diễn xướng được chuyên môn hóa với việc thành lập phường, hội rối nước
Đó là khi múa rối nước từ một nhóm người chơi rối tiến lên một phường, một gánh và bắt đầu diễn ở địa phương đông người xem, lan rộng ra ngoài xóm làng và được nhiều vùng lân cận biết đến. Ở thời kỳ này đình, chùa, cung đình cũng biết đến, múa rối nước diễn trong những ngày hội, ngày
36
lễ lớn. Phong trào lan rộng từ các vùng có nhiều cơ sở múa rối nước hoạt động, tiến đến các địa phương xa hơn và lan rộng hầu như khắp đồng bằng miền Bắc. Đã có những cuộc gặp gỡ, thi đấu, tranh tài giữa các phường rối với nhau. Nội dung tiết mục chủ yếu vẫn là phản ánh sinh hoạt đời sống nông thôn với các tiết mục lệ thuộc vào kỹ xảo. Trong thời kỳ này các phường hội ganh đua nhau, giấu nghề, giữ bí mật, ráo riết tìm những trò hay, tiết mục lạ để đem lại vinh dự cho phường rối của mình.
Thời kỳ thứ ba (1945 - 1954): Thời kỳ đình trệ
Đây là thời kỳ chống thực dân Pháp, phường rối có nơi bị đình đốn, có nơi hoạt động nhỏ giọt. Diễn rối nước nặng về phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến, nhẹ về doanh thu. Nhiều quân rối bị giặc đốt cháy, con rối mất, phường rối tan chỉ có một số ít là còn tồn tại. Tiết mục về lễ giáo phong kiến bị bãi bỏ dần, tiết mục lịch sử sản xuất và chiến đấu tăng lên.
Thời kỳ thứ tư (1954 - 1986): Manh nha phục hồi và tồn tại “cầm chừng”
Thời kỳ lập lại hòa bình ở Đông Dương 1954, các phường rối nước cổ truyền được phục hồi, phục vụ nhân dân địa phương là chủ yếu. Năm 1956 Đoàn múa rối Trung ương được thành lập, là mốc quan trọng cho nghệ thuật múa rối Việt Nam.
Thời kỳ này đã tổ chức một số liên hoan, hội diễn trao đổi kinh nghiệm về múa rối nước, những kịch bản rối nước đầu tiên từ trò tiến lên chuyện của Nhà hát múa rối Trung ương: Thi hóa Rồng, Trần Hưng Đạo bình Nguyên đã thể hiện những bước đầu trong công việc nghiên cứu phát triển và nâng cao tiết mục rối nước. Các phường rối hay chính là các đoàn múa rối nước địa phương: Nam Chấn (Nam Định), Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Nguyên Xá (Thái Bình)… đã có nhiều buổi diễn phối hợp, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm… Múa rối nước được quan tâm phát triển: Phòng triển lãm chuyên đề về nghệ thuật múa rối nước cổ truyền Việt Nam do nhà nghiên cứu Tô Sanh sưu tầm,
37
chỉnh lý và trưng bày được khai mạc ngày 12/10/1966; Bảo tàng nghệ thuật múa rối dân tộc được thành lập (20/4/1967); nhiều buổi báo cáo, hội thảo… về rối nước được diễn ra; Tháng 1/1970 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ múa rối nước đầu tiên được mở tại Nam Chấn (Nam Định)…
Thời kỳ này, lần đầu tiên rối nước do đoàn múa rối Trung ương tổ chức diễn tại Hà Nội, có doanh thu (ngày 3 - 4/10/1974). Ngày 30/4/1975 kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc mở ra trang sử mới cho lịch sử đất nước và đồng thời tạo nên sức bật mới cho các ngành nghệ thuật biểu diễn trong đó có nghệ thuật múa rối truyền thống.
Múa rối từ Hà Nội lan vào Nam bằng các cuộc biểu diễn và sự đóng góp trở lại của các nghệ nhân miền Nam. Trình độ kỹ thuật và nghệ thuật của múa rối nước nâng lên, từ nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn, trang trí đến ánh sáng sân khấu,… nhiều vở diễn có giá trị được sáng tạo.
Tuy nhiên, trong thời kỳ này múa rối nước vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn và thiếu thốn. Nhiều phường rối dân gian được phục hồi nhưng chỉ tồn tại “cầm cự” thậm chí lại tan rã.
Thời kỳ thứ năm (Từ sau Đổi mới 1986 đến nay): Sự phục hồi của rối nước
Đổi mới đánh dấu sự phục hồi và manh nha phát triển cho sân khấu nghệ thuật nói chung và sân khấu rối nước nói riêng. Nhiều phường rối nước dân gian ở các địa phương như Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định… được quan tâm và đầu tư phục hồi. Múa rối nước chuyên nghiệp với Nhà hát múa rối Thăng Long và Nhà hát múa rối Trung ương (Hà Nội), Nhà hát múa rối Rồng Vàng (TP Hồ Chí Minh) khá phát triển.
Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam bước vào sân khấu múa rối thế giới và khẳng định được vị trí của mình. Múa rối nước của Việt Nam đã tham dự các buổi biểu diễn, liên hoan múa rối thế giới, Festival… Rối nước Việt Nam lưu diễn ở nhiều nước: Bỉ, Canada, Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hà Lan, Nga… và gặt hái được thành công.
38
Có thể nói, trải qua những bước thăng trầm với hơn một nghìn năm tồn tại, nghệ thuật múa rối nước đã khẳng định vị trí quan trọng trong nền sân khấu nghệ thuật, nền văn hóa dân tộc. Giờ đây bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ phục hồi và múa rối nước giữ trọng trách cao cả vừa quảng bá, giới thiệu vừa góp phần giữ gìn, bảo vệ văn hóa Việt Nam.