8. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Phường rối đầu tiên có nữ giới tham gia
Phường rối Nam Chấn không chỉ nổi tiếng là một trong ba phường rối ra đời sớm nhất ở đồng bằng Bắc Bộ, với tài nghệ của các nghệ nhân vừa diễn rối vừa làm rối mà còn được biết đến là phường rối đầu tiên trong số 15 phường rối dân gian thu nhận nữ giới vào tổ chức phường hội rối nước.
Xưa kia, các phường rối thường có tục giấu nghề, những người không cùng dòng họ, con gái và con rể trong gia đình thì chắc chắn không được tham gia phường rối. Bên cạnh đó, những người được thu nhận vào phường rối phải luôn luôn giữ lời thề không được để mất nghề, nếu để nghề lọt ra ngoài sẽ bị phạt, bị đuổi khỏi phường. Những kỹ thuật lắp máy, điều khiển thuộc về một phường, một hội và tuyệt đối không được tiết lộ cho người ngoài biết. Lời thề khi gia nhập phường là những quy định và ràng buộc:
81
“Suốt đời suốt kiếp chúng tôi phải giữ bí mật của nghề. Nếu không chúng tôi và ba đời con cháu sẽ phải chết”. [74]. Các phường bạn đi xem rối nước chỉ thấy được sự diễn tiến của trò chứ không thể biết được bí quyết quan trọng nằm trong cấu tạo con rối và kỹ thuật điều khiển.
Phường Nam Chấn cũng không nằm ngoài những quy luật và ràng buộc ấy. Suốt một thời gian dài, rối nước trên cả nước và Nam Chấn nói riêng chỉ có các đấng nam nhi đảm nhiệm. Theo quan niệm xưa kia mà các nghệ nhân phường rối Nam Chấn chia sẻ thì rối nước không được truyền cho nữ giới bởi lẽ “con gái đi lấy chồng sẽ làm lộ bí mật của phường. Vả lại, công việc vất vả ngâm mình dưới nước nên rất bất tiện khi có cả nam và nữ trong buồng trò”
(Nghệ nhân Phan Văn Mao, 83 tuổi). Như vậy, rối nước không được truyền cho nữ giới bởi hai lý do. Thứ nhất, là do quan niệm bí truyền của phường hội rối nước, không được làm lộ bí nghề cho người ngoài nên con gái không được truyền nghề vì sẽ đi lấy chồng, dễ chia sẻ bí quyết nghề của làng mình cho nơi khác. Thứ hai, do đặc tính của nghề rối ngâm mình dưới nước để điều khiển rối, các nghệ nhân còn thay đồ thậm chí không mặc quần áo ở trong buồng trò nhỏ hẹp; do đó sự có mặt của cả nam và nữ là bất tiện và lại chịu ảnh hưởng nặng nề của những quan niệm phong kiến nên nữ giới không được phép tham gia rối nước.
Tuy nhiên, giờ đây quan niệm trên đã thay đổi, múa rối nước được truyền cho cả con gái, trong phường rối của làng hiện có nữ giới tham gia. Phường rối Nam Chấn là phường rối đầu tiên xóa bỏ thành kiến này. Thời trưởng phường Đặng Văn Đoàn trước kia, phường đã từng huấn luyện bốn phụ nữ: Đặng Thị Hương, Đặng Thị Hằng, Đặng Thị Thủy và Phan Thị Hương. Phường rối không chỉ nhận nữ giới trong họ mà còn mở rộng cho cả những người khác họ. Những ai say mê, yêu rối, có năng khiếu đều được nhận. Phường rối hiện nay đã có sự mạnh dạn thay đổi so với truyền thống với quan điểm rất thực tế: “Sự mềm dẻo và linh hoạt trong các cảnh như Múa
82
Tiên hay Múa Phượng hay những vai thoại nữ sẽ sinh động hơn khi do nữ đảm nhiệm. Ngày nay, phường rối chúng tôi rất khuyến khích sự tham gia của nữ” (Nghệ nhân Phan Văn Mạnh, 49 tuổi). Như vậy, nghệ thuật rối nước với sự tham gia của cả nam và nữ tạo nên sự hòa hợp âm dương, hấp dẫn người xem hơn. Việc kết nạp nữ giới vào phường rối là một sự bứt phá luật lệ quy định của phường hội rối nước xưa nay.
Ngày nay nghệ thuật rối nước rộng mở với nữ giới nhưng số lượng các thành viên nữ của phường rất ít vì nhiều lý do: “Nữ giới như chị Hương, chị Thanh của phường nếu như không đi lấy chồng xa thì cũng bận bịu với việc nhà, chăm sóc con cái, đi biểu diễn rối nước lại ở xa… nên vì thế mà phải bỏ” (nghệ nhân Phan Văn Khuể). Mặc dù số lượng nữ giới trong phường Nam Chấn hiện không nhiều và chủ yếu công việc của họ là đọc lời thoại và hát phụ họa cho các tiết mục rối nhưng điều đó cũng góp phần thay đổi nhận thức và tạo nên sức hấp dẫn riêng của phường khi mà buổi biểu diễn rối nước có các giọng nam, giọng nữ lồng ghép, đan xen, đối thoại làm tăng thêm phần sinh động và lôi cuốn cho các trò.
Chính từ việc mạnh dạn đi đầu và bứt phá khi nhận thấy cần sự bình đẳng và cần vai trò nữ giới trong các tiết mục mềm dẻo, mượt mà, phường rối Nam Chấn đã tạo đà cho việc đưa nữ giới tham gia nghệ thuật múa rối nước. Từ phường Nam Chấn, xu hướng nữ giới tham gia rối nước được lan rộng, giờ đây ở nhiều phường rối dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ như phường rối Nghĩa Hưng (Nam Định), phường rối Nam Giang (Nam Định) hay Đào Thục (Hà Nội)… đã có sự hiện diện của những gương mặt nữ.
Có thể khẳng định, phường rối Nam Chấn là đơn vị khởi xướng thay đổi luật lệ, phép tắc phường rối bằng sự mạnh dạn thu nhận nữ giới và chính điều này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển nghệ thuật múa rối nước dân gian Việt Nam.
83