Phường rối nước dân gian

Một phần của tài liệu Nghệ thuật rối nước trong không gian văn hóa nam chấn (Trang 44)

8. Cấu trúc luận văn

2.2.2. Phường rối nước dân gian

Hòa cùng làn sóng đổi mới, những làng quê Việt Nam, nơi sản sinh và nuôi dưỡng nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đang thực sự tăng tốc, tiếp nhận sự biến đổi mau lẹ. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian dường như bị đứt mạch dây liên lạc với cuộc sống hiện đại và rơi vào tình trạng suy thoái hoặc nếu tồn tại cũng lay lắt, lạc điệu với cuộc sống “công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa”. Những băn khoăn được đặt ra: Trước những thay đổi xã hội làm biến động nền tảng văn hóa thì nghệ thuật ở đâu trong cuộc sống?

41

Sự thật là suốt một thời gian dài các loại hình sân khấu nghệ thuật đã “ngủ quên” hay sống một cuộc sống “ảm đạm”. Múa rối nước Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ; những con rối ngộ nghĩnh, dễ thương chỉ xuất hiện một đến hai lần trong những dịp hội làng rồi lại nằm im lìm chờ đến năm sau. Biết bao phường rối dân gian không thể trụ vững trước những đổi thay đó. Con số 28 phường rối được nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Hồng thống kê nay chỉ có 15 phường (số ít phường được duy trì, số còn lại mới được phục hồi).

Những năm gần đây, múa rối nước được phục hồi thể hiện ở sự bùng phát trở lại của nhiều phường rối nước cũng như sự gia tăng của các hoạt động rối nước trong nhiều hoạt động văn hóa. Đó là một điều đáng mừng khi mà rất nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian khác bị suy thoái thì rối nước vẫn chứng tỏ sức sống bền bỉ.

Trong thời gian này hàng loạt các nhà thủy đình đã được xây dựng: Thủy đình làng Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội xây năm 1992; thủy đình Nguyên Xá, Thái Bình xây năm 2000; thủy đình Đào Thục, Đông Anh, Hà Nội xây năm 2001; thủy đình Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội xây năm 2004… Việc xuất hiện thủy đình ở các làng rối đã xác định một không gian diễn rối tại làng. Nó cũng góp phần xác định vai trò và vị thế của rối nước trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng. Việc xây dựng thủy đình cố định tại làng cũng xuất phát từ nhu cầu diễn rối ngày càng trở lên thường xuyên. Người ta không chỉ diễn rối vào ngày hội làng nữa mà vào những dịp quan trọng như đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử, những dịp lễ tết người ta cũng tổ chức ăn mừng bằng rối nước hoặc có khi chỉ là diễn thử một tiết mục rối mới hay một tay rối mới vào nghề cho làng xem và đặc biệt là biểu diễn để phục vụ khách du lịch.

Hiện nay, sân khấu rối nước của chúng ta có 15 phường rối dân gian thuộc 6 tỉnh, thành phố vùng châu thổ sông Hồng. Đó là:

42 1. Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội)

2. Làng Ra (hay còn gọi là rối nước Bình Phú) (Thạch Thất, Hà Nội) 3. Làng Yên (hay còn gọi là Yên Thôn) (Thạch Thất, Hà Nội)

4. Tế Tiêu (Mỹ Đức, Hà Nội)

5. Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) 6. Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình) 7. Đông Các (Đông Hưng, Thái Bình) 8. Đồng Ngư (Thuận Thành, Bắc Ninh) 9. Nhân Hòa (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) 10. Nam Chấn (Nam Trực, Nam Định) 11. Nam Giang (Nam Trực, Nam Định) 12. Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng, Nam Định) 13. Thanh Hải (Thanh Hà, Hải Dương)

14. Rối nước Hồng Phong (Ninh Giang, Hải Dương) 15. Bùi Thượng (Gia Lộc, Hải Dương)

Đây là nơi lưu giữ hàng trăm trò diễn đặc sắc truyền lại qua nhiều đời nghệ nhân rối nước. Có thể nói, rối nước truyền thống của văn hóa sông Hồng thật phong phú, đa dạng. Các nghệ sĩ - nông dân thể hiện ngắn gọn, ít kịch tính và mô phỏng chân thật những cảnh lao động sản xuất hoặc những cảnh sinh hoạt trong đời sống hàng ngày với tinh thần yêu đời, yêu xóm làng của người nông dân miền Bắc Việt Nam. Vì vậy chúng ta đến với bất kỳ chương trình rối nước của phường nào thì đều có thể dễ dàng tìm thấy bóng dáng của mái đình, bến tre, dòng sông, con đò, làng quê Việt và cũng như được hòa nhập vào “hội làng” với những cảnh náo nhiệt của pháo hoa, pháo trò, kéo cờ, tế lễ, rước kiệu, múa tiên, múa rồng, đánh đu… Mỗi trò đều chứa đựng tâm huyết, sự sáng tạo của nghệ nhân qua nhiều thế hệ đã cần mẫn, chắt chiu, gạn lọc thành tài sản tinh túy và lưu truyền cho thế hệ hôm nay.

43

Mỗi phường rối nước dân gian xưa kia có những điểm riêng mà tiêu biểu là ở hình tượng chú Tễu: Tễu Hải Phòng thì mặc áo cộc, vận khố đỏ; Tễu Nguyên Xá Thái Bình thì to lớn, tóc để trái đào; Tễu Đào Thục lại được gọi là Ba Khí, quần sắn móng lợn, đầu chít khăn nhiễu đỏ; Tễu Sài Sơn lại được gọi là ông Nhất… Trong biểu diễn nghệ thuật mỗi phường cũng có những bí quyết riêng: rối nước Đào Thục có những con rối nhảy khỏi mặt nước như đánh đu hoặc nhảy từ mặt nước lên lưng trâu bằng hệ thống xích, líp xe đạp; Làng Nguyễn Thái Bình có bí quyết cho pháo nổ dưới nước, rồng phun lửa; phường rối Trung Nghĩa (Nam Định) có con rối sư tử có đủ cả thân mình chứ không chỉ có đầu như các phường rối khác; rối nước Thanh Hải (Hải Dương) gây ấn tượng bởi những màn pháo hóa, pháo bông… rực rỡ; phường rối Đồng Ngư (Bắc Ninh) lại đặc sắc với lời ca quan họ…

Mỗi phường rối nước có những điểm riêng nhưng đều dựa trên một nền tảng văn hóa dân tộc. Điều đó làm nên sự thống nhất trong đa dạng của sân khấu rối nước Việt Nam.

Hiện nay, rối nước được phục hồi, khẳng định cho sức sống bền bỉ của nó. Song thẳng thắn nhận xét thì múa rối nước cũng mới chỉ dừng ở mức phục hồi rối nước truyền thống chứ chưa có nhiều mới mẻ. Rối nước Việt Nam vẫn chưa có được một sức sống mới. Bằng chứng là nó đang được nuôi dưỡng bởi một nguồn khán giả nước ngoài với mục đích khác và nếu không chắc chắn, cẩn thận thì nó sẽ rơi vào tình trạng thoái trào và bế tắc khi không tìm được nhịp bước song hành với cuộc sống của xã hội hiện đại.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật rối nước trong không gian văn hóa nam chấn (Trang 44)