Quân rối là hình tượng nghệ thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật rối nước trong không gian văn hóa nam chấn (Trang 55)

8. Cấu trúc luận văn

2.3.3. Quân rối là hình tượng nghệ thuật

Quân rối là công cụ nghệ thuật của nghệ sĩ múa rối, là cơ sở vật chất của nghệ thuật múa rối nói chung và rối nước nói riêng. Con rối là loại “diễn viên đặc biệt” do hai người tạo ra: người nghệ sĩ tạo hình và người điều khiển cho quân rối hoạt động. Tạo ra con rối là khâu mở đầu trong nghệ thuật múa rối. Không có con rối thì không có nghệ thuật múa rối. Sự có mặt của quân rối phân biệt nghệ thuật múa rối với các nghệ thuật sân khấu khác. Ở chèo, tuồng, cải lương, kịch nói… ta mới chỉ sáng tạo ra trang trí, hóa trang, phục trang… còn ở múa rối ta phải sáng tạo ra cả con rối để làm diễn viên. Đặc điểm này làm cho sự kỳ diệu ở sân khấu múa rối rõ rệt hơn. Sân khấu múa rối có khả năng thể hiện những biến hóa thần kỳ, sức hấp dẫn của truyện dân gian, thần thoại… và sức lôi cuốn của những trò chơi trong thế giới trẻ thơ.

Chất liệu làm nên quân rối cạn bao gồm: gỗ, vải, giấy, nan đan, chất dẻo… nhưng đối với rối nước do các con rối phải “sống” được trong môi trường

52

nước nên chất liệu là: gỗ vông, gỗ sung, gỗ dổi... Đây là những loại gỗ nhẹ và ít chịu nước. Trên thực tế, các phường rối nước chuyên dùng gỗ sung để tạc quân. Gỗ sung vừa dễ kiếm, chi phí rẻ lại dễ đục đẽo lúc còn tươi, rất nhẹ và dai lúc khô. Sung có hai loại: Sung nhà và sung rừng, gỗ màu trắng xám, thớ thẳng, nhẹ, xốp, chịu nước. Chất liệu dùng chống thấm, chắp gắn và tô vẽ chính ở rối nước là sơn. Các nghệ nhân thường dùng loại sơn thảo mộc thường được gọi là sơn ta để đem lại độ bền chắc bên trong và vẻ đẹp bên ngoài cho quân rối.

Nghệ thuật tạo hình

Công việc tạo hình quân rối nước do các nghệ nhân trong phường đảm nhiệm hay thuê thợ về làm và thường được chia ra thành từng phần riêng như tạc gỗ, sơn thếp, làm máy và lắp máy. Quân rối được tạc theo lối lắp ghép nhiều chi tiết trong một thân hình, thường chỉ cao 30 - 40cm với những màu sắc, đường nét chung chung. Con rối nhỏ bé nên không thể nào khắc họa sâu sắc được tính cách của từng nhân vật, không thể chứa đựng đầy đủ mọi chi tiết của thân hình nhân vật nên chỉ giữ lại những nét lớn tượng trưng nhất để người xem dễ nhận ra.

Quân rối gỗ dù tạc liền một khối gỗ hay chắp lại đều có hai phần liền nhau: Phần thân và phần đế [28, tr. 28].

Thân: Là phần nổi trên mặt nước lộ cho người xem thấy, thể hiện thân hình nhân vật. Quân rối người thường cao từ cổ chân cho đến đỉnh đầu, tạc bàn chân liền đế. Các bộ phận cần cử động ở đây là: đầu, mình và hai tay. Quân rối loài vật có thân dài như: con rắn, rồng… hay loài vật có thân nằm trên mặt nước: rùa, phượng… thì thân làm luôn nhiệm vụ của đế; thân loại này thường vừa bằng gỗ vừa bằng vải để dễ uốn lượn. Quân rối có chân cao như: trâu, ngựa… cũng có đế đỡ bốn chân.

Đế: Là phần chìm dưới mặt nước giữ cho quân rối nổi và là nơi lắp máy điều khiển. Với máy sào, đế vừa là phao đỡ quân rối vừa là nơi tạo sức

53

cản để thân quân rối xoay chuyển. Với máy dây, đế là nơi các đầu dây điều khiển dùng làm điểm tựa khi kéo giật các bộ phận quân rối cử động. Đế không nổi khỏi mặt nước nên không đòi hỏi đẹp mà chỉ cần nhẹ, tiện dụng, bền chắc, ít chịu tác động của nước cản ở chiều lên xuống nhưng nhanh nhậy ở chiều đưa ngang.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật rối nước trong không gian văn hóa nam chấn (Trang 55)