8. Cấu trúc luận văn
3.3.2. Cách thức truyền nghề của phường rối
Múa rối nước làng Rạch đã trải qua nhiều thăng trầm và có giai đoạn chỉ cầm chừng nhưng với lòng nhiệt tình, yêu nghề và ý thức giữ gìn một nét đẹp văn hóa của các nghệ nhân và nhân dân địa phương, rối nước Nam Chấn không những không bị mai một mà vẫn vững bước và vươn đến với mọi miền xa gần. Từng ngày, bằng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề múa rối nước,
93
các nghệ nhân nơi đây không ngừng tìm tòi, sáng tạo, cải tiến các tích trò, cố gắng gìn giữ, truyền lại cho các thế hệ mai sau một di sản văn hóa quý giá.
Đào tạo nghệ nhân biểu diễn rối của phường rối Nam Chấn chủ yếu theo lối truyền nghề, truyền dạy, hướng dẫn trực tiếp. Cách truyền dạy này có ưu điểm là người học nghề có khả năng bắt chước nhanh, thuần thục những gì được học nhưng khả năng tư duy, sáng tạo độc lập lại hạn chế, bởi chỉ được truyền những kinh nghiệm và thủ thuật diễn một cách máy móc và dập khuôn. Múa rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, từ xưa tới nay vẫn là truyền nghề là chính, vì thế mà vai trò của nghệ nhân rất quan trọng. Hiện nay ở làng vẫn còn hai nghệ nhân cao tuổi là các cụ Phan Văn Niệm, 86 tuổi và cụ Phan Văn Mao, 83 tuổi là những thế hệ “kỳ cựu” của phường rối, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy và chỉ bảo cho các thế hệ trẻ.
Cách đào tạo nghệ nhân rối nước theo phương thức truyền nghề khá phổ biến ở các phường rối. Đối với phường rối Nam Chấn, hiện nay không hẳn là theo “cha truyền con nối” vì quan điểm tiếp nhận “người mới” của phường đã cởi mở và bình đẳng đối với mọi cá nhân nhưng thực tế chứng minh những nghệ nhân phường rối thường thuộc về một gia đình, một dòng họ nhất định.
Ví dụ ở phường rối hiện nay có hai nghệ nhân Phan Văn Mạnh và Phan Văn Mẽ chính là hai anh em ruột trong gia đình có truyền thống 8 đời về rối nước. Cha của hai nghệ nhân Mạnh và Mẽ chính là cố nghệ nhân Phan Văn Ngải người được mệnh danh là “bàn tay vàng của rối nước Việt Nam” với khả năng vừa sáng tác tích trò, vừa tạo hình vừa biểu diễn. Người nghệ nhân nổi bật với cách tạo hình rối không giống ai, rất có hồn có vía mà nhanh nhẹn, linh hoạt, khiến nhiều nghệ sỹ đi học ở nước ngoài cả chục năm cũng phải nể phục. Cố nghệ nhân Phan Văn Ngải cũng chính là tác giả của chú Tễu đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre nổi tiếng thế giới của Pháp và cũng là tác
94
giả của nhà thủy đình di động mà hiện nay các phường rối sử dụng. Từ những năm chiến tranh, những diễn viên Nhà hát Múa rối Trung ương đã về làng Rạch học hỏi thêm kinh nghiệm về cách thức biểu diễn rối nước. Nghệ nhân Phan Văn Ngải chính là một trong những người được cử ra giúp đỡ, hướng dẫn các nghệ nhân Nhà hát. Trong gia đình còn có người con trai út là nghệ nhân Phan Thanh Liêm - người nổi tiếng với việc “độc diễn rối đầu tiên của Việt Nam” cùng với việc xây dựng một thuỷ đình mini trên tầng thượng tại nhà riêng ở phố Khâm Thiên, Hà Nội phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Với sự cách điệu về sân khấu và thiết kế con rối, nghệ nhân Phan Thanh Liên có thể ngồi trên sàn và một lúc điều khiển nhiều con rối hơn. Đó cũng chính là sáng tạo mà nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã đóng góp cho nghệ thuật múa rối nước Việt Nam, mở ra hướng phát triển mới cho nghệ thuật rối.
Bên cạnh đó, những nghệ nhân khác trong phường Phan Văn Khuể, Phan Văn Yêm, Phan Văn Mao, Phan Văn Niệm, Phan Văn Điểm, Phan Văn Tường… đều có những quan hệ thân thiết: anh em, bác cháu… vì vốn dĩ đều là những người thuộc dòng họ Phan.
Như vậy, mặc dù có những manh mún hoạt động nhất định do hoàn cảnh và điều kiện kinh tế, tuy nhiên với môi trường rối truyền thống của gia đình, dòng họ, chúng ta hoàn toàn tin tưởng nghề rối của phường Nam Chấn sẽ được duy trì, ổn định và có những bước tiến trong thời gian tới.