Là sản phẩm của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật rối nước trong không gian văn hóa nam chấn (Trang 62)

8. Cấu trúc luận văn

2.3.7. Là sản phẩm của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ

Văn hóa Việt Nam mang cội nguồn và bản sắc của một nền sản xuất nông nghiệp, cái nôi của trồng trọt. Những cộng đồng định cư thành làng xã từ hàng nghìn năm trước đó đã trồng lúa nước và tạo nên nền văn minh sông Hồng. Rối nước chính là một sáng tạo độc đáo của những người nông dân ở đây.

Minh chứng cho điều này là hầu hết cơ sở rối nước cổ truyền đều tập trung quanh vùng kinh đô Thăng Long xưa - trung tâm đồng bằng phì nhiêu, chiếc nôi của nền văn minh của dân tộc, nơi được đan xen bởi mạng lưới sông ngòi chằng chịt. Đó là các cơ sở múa rối nước ở các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… Đồng thời,

59

theo thống kê của tác giả Nguyễn Huy Hồng, tám di tích thủy đình cũng được phát hiện ở đồng bằng Bắc Bộ. Cụ thể các di tích thủy đình ở các địa chỉ sau:

1. Đền Gióng (Phù Đổng, Đông Anh) 2. Chùa Thầy (Thạch Thất, Hà Nội) 3. Đình Bảng (Tiên Sơn, Bắc Ninh)

4. Đình Lạc Thổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) 5. Đình Tam Sơn (Tiên Sơn, Bắc Ninh) 6. Chùa Trông (Hưng Long, Hải Hưng) 7. Chùa Nành (Ninh Hiệp, Bắc Ninh) 8. Miếu Mục (Hải Phòng) [45, tr. 75].

Nếu như hát xẩm là “cuộc sống” của những con người “đầu đường xó chợ”, bần cùng nghèo khổ dưới đáy xã hội; hát ả đào là sản phẩm của tầng lớp trí thức phong lưu thì múa rối nước lại là sáng tạo của những người làm ruộng chuyên tay cầy tay cuốc, quanh năm lăn lộn với nắm đất cây lúa, sớm khuya cần mẫn, một nắng hai sương ngoài đồng ruộng. Đó là những con người sống ân tình với nước, ngâm bùn lội nước để làm nghệ thuật. Những khi trời đông giá rét, con rối không nhẹ, họ phải ngâm mình để điều khiển, phối hợp nhịp nhàng từng chi tiết. Phải yêu mến và gắn bó với rối nước và sẵn sàng hi sinh cho nó thì người nghệ sĩ - nông dân mới làm được như thế. Họ góp tiền góp gạo, dựng phường lập hội, tạc quân chế máy, bỏ nhiều công sức cho việc đóng cọc căng dây, dựng buồng trò, luyện tập và biểu diễn. Người nông dân coi đó là một thú vui chơi, không đòi hỏi tiền thù lao. Những con người đó làm nghệ thuật một cách bình dị, tự phát, tự nguyện và hy sinh. Chủ nhân của nền văn minh nông nghiệp qua bao thế hệ đã giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật múa rối nước đến ngày hôm nay. Múa rối nước chính là sản phẩm độc đáo của những con người lao động. Nghệ thuật được ra đời từ những khoảng thời gian “tháng ba ngày tám”, thưa việc đồng áng, lấy nước và rối để làm trò vui chơi giải trí.

60

Tiểu kết chương 2

Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu có khả năng truyền cảm cao, là sự phối hợp tài tình giữa kỹ thuật và nghệ thuật tạo hình với kỹ thuật và nghệ thuật điều khiển; lấy con rối và sân khấu mặt nước làm phương tiện chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ thể hiện mọi mặt phong phú của trí tưởng tượng loài người và của hiện thực khách quan. Nó có khả năng tập trung, hòa hợp nhiều sáng tạo nghệ thuật cùng không gian và thời gian. Múa rối nước chủ yếu dùng tài năng của người diễn viên điều khiển chứ không phải do hóa trang hay do máy móc quyết định. Đối tượng của múa rối nói chung và múa rối nước nói riêng là đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là thiếu nhi.

Có thể khẳng định rằng múa rối nước ra đời ở Việt Nam và cụ thể vùng đồng bằng Bắc Bộ chính là nơi “sản sinh” ra nghệ thuật múa rối nước cổ truyền này. Múa rối nước là một sản phẩm tiêu biểu của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những người nông dân nơi đây bằng tài năng đã biến đổi cái tự nhiên để từ đó hình thành một sáng tạo nghệ thuật. Và chính sáng tạo nghệ thuật rối nước là biểu hiện cho lối sống, cách suy nghĩ, khả năng ứng xử của người dân Việt khi sống trong điều kiện tự nhiên mang tính chất nước. Các nghệ nhân điều khiển con rối, những nghệ nhân làm ra con rối đều là những người nông dân và họ đã gửi gắm vào đó những ước mơ, khát vọng, mong muốn. Rối nước chính là những hình ảnh chắt lọc, cô đọng lại bao quát được toàn bộ đời sống nông nghiệp, về cuộc sống rất đặc trưng của người dân nông thôn Việt Nam. Bằng ngôn ngữ hình ảnh, những câu chuyện rối nước là những câu chuyện kể dân gian độc đáo về đời sống văn hóa Việt. Đồng thời nghệ thuật múa rối nước cũng phản ánh tinh tế, sống động về về lịch sử của một dân tộc yêu tự do, hòa bình, không chịu khuất phục trước kẻ thù...

61

Trong nghệ thuật múa rối nước vùng đồng bằng Bắc Bộ, 15 phường rối dân gian có sự gặp gỡ ở nhiều điểm: mặt nước làm sân khấu, thủy đình, nhân vật Tễu… tạo nên đặc điểm chung của rối nước Việt Nam. Nơi đây lưu giữ hàng trăm trò diễn đặc sắc truyền lại qua nhiều đời nghệ nhân rối nước. Mỗi phường như một đóa hoa cùng hương vị của nước, của lúa cùng lòng người quê hương, tạo cho rối nước Việt Nam rực rỡ, quyến rũ lòng người. Đến với bất kỳ chương trình rối nước của phường nào chúng ta đều dễ dàng tìm thấy bóng dáng của mái đình, bến tre, dòng sông, con đò thân quen của làng quê Việt . Và mỗi trò diễn đều chứa đựng tâm huyết, sự sáng tạo của nghệ nhân qua nhiều thế hệ đã cần mẫn, chắt chiu, gạn lọc thành tài sản tinh túy để lưu truyền cho thế hệ hôm nay. Ngày nay, với sự cởi mở trong trao đổi, giao lưu nghệ thuật giữa 15 phường rối dân gian song mỗi phường rối dù ít nhiều vẫn có những nét riêng tạo nên bức tranh màu sắc về nghệ thuật múa rối nước, tạo nên niềm tự hào con người Việt Nam.

62

Chương 3: SẮC THÁI RỐI NƯỚC PHƯỜNG NAM CHẤN 3.1. Nghệ thuật rối nước Nam Chấn

3.1.1. Lịch sử ra đời và quá trình tồn tại

Phường rối nước Nam Chấn được biết đến với nhiều tên gọi khác như rối nước làng Rạch, rối nước thôn Bàn Thạch hay rối nước Hồng Quang. Nhưng có thể nói tên gọi “phường rối nước Nam Chấn” là tên gọi đầu tiên và phổ biến nhất. Đây là tên gọi chính thức từ khi phường rối được thành lập vào năm 1755 cho đến nay.

Tên gọi rối nước làng Rạch hay rối nước Bàn Thạch là do phường rối Nam Chấn khai sinh tại làng Rạch, thôn Bàn Thạch, xã Nam Chấn trước kia. Bên cạnh đó, rối nước của phường có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân địa phương, các tiết mục của phường luôn được biểu diễn trong lễ hội thờ thành hoàng làng Linh Ứng đại vương tương truyền là ông tổ nghề múa rối của làng Rạch được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm. Tên gọi khác của phường là “rối nước Hồng Quang” là do địa điểm xã Hồng Quang hiện tại (Nam Chấn đổi thành Hồng Quang vào năm 1977) [12, tr. 7].

Rối nước Nam Chấn cùng với Phú Đa (Hà Nội), Nguyên Xá (Thái Bình) được các nhà nghiên cứu ghi nhận một trong ba phường rối ra đời sớm nhất của đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam [47, tr. 63]. Tương truyền thì trò rối nước ở làng Rạch đã xuất hiện từ rất sớm, tồn tại ước chừng hơn 600 năm. Trò biểu diễn rối nước đã có từ rất lâu trên mảnh đất Nam Chấn nhưng hình thành phường hội rối nước Nam Chấn thì đến năm 1755 mới chính thức thành lập do công của người thợ chạm Mai Văn Kha. “Năm 50 tuổi, tức năm 1755 sau khi đi làm thợ ở phương xa trở về, ông tạc ra những quân rối” [47, tr.160]. Theo các nghệ nhân cao niên thì xưa cụ Mai Văn Kha là một người thợ chạm giỏi tay nghề, hay chữ ở thôn Rạch và cụ đã đứng ra tập hợp những người tạc tượng giỏi trong làng, lập ra phường rối nước Nam Chấn. Sẵn có nghề trong tay, họ đục

63

những quân rối như Tễu, Tiên, Tứ linh... diễn thử tại ao đình, ban đầu chỉ để phục vụ dân làng sau những giờ đồng áng mệt nhọc. Sau dần, rối nước Nam Chấn phát triển và lưu truyền ra khỏi phạm vi làng xã, được nhân dân xa gần mến mộ và duy trì đến ngày nay.

Rối nước Nam Chấn ra đời từ tài năng của những người nghệ nhân, là một phần không thể thiếu trong lễ hội làng Rạch được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Nghệ thuật rối nước Nam Chấn giống như các phường rối dân gian khác ra đời đáp ứng nhu cầu tinh thần, tín ngưỡng, nhu cầu giải trí của những người nông dân sau lũy tre làng bình dị, mộc mạc. Rối nước Nam Chấn ăn sâu bám rễ và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân làng Bàn Thạch, Nam Chấn xưa và người dân thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang ngày nay.

Trong thời gian của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và thời kỳ khó khăn sau khi hòa bình lập lại, múa rối nước Nam Chấn không tránh khỏi tình trạng leo lắt: Những con rối bị tàn phá, bị lãng quên, hư hỏng sau quãng thời gian “trốn tránh” bom đạn của kẻ thù, khi ấy những người nông dân dành tâm huyết cho bốn chữ Hòa Bình, Độc Lập, rồi lại vùi đầu lo miếng cơm manh áo… Lo toan về vật chất khiến người ta ít dám nghĩ đến những niềm vui, giải trí dù là bình dị nhất, dân dã nhất như rối nước. Tuy nhiên, xét trong khoảng thời gian này, nếu như nhiều phường rối dân gian khác đã bị “xóa tên” thì phường rối Nam Chấn lại được đánh giá là phường có hoạt động được duy trì khá thường xuyên và liên tục.

Năm 1984, rối nước Bàn Thạch là phường có công “giới thiệu” nghệ thuật rối nước độc đáo của dân tộc ra thế giới. Cùng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát múa rối Trung ương và phường rối Nguyên Xá (Thái Bình), các nghệ nhân phường Nam Chấn được mời sang Pháp biểu diễn. Chuyến đi ấy, đoàn có 12 người, trong đó làng rối Nguyên Xá 4 diễn viên và

64

đóng góp một tiết mục “Cáo bắt vịt”. Còn lại 5 người của phường Nam Chấn và 3 người khác do phường truyền nghề đã tham gia 13 tiết mục. Những tiết mục của đoàn biểu diễn đã làm cho công chúng Pháp phải xôn xao, ngạc nhiên. Chuyến đi ấy kéo dài hàng tháng trên đất Pháp, báo chí Paris ngợi ca sự kỳ diệu của rối nước Việt Nam. Đối với bà con Việt kiều, đoàn rối nước đã thực sự đưa họ trở về với hồn quê. Sau những đêm diễn sôi động ở kinh thành Paris hoa lệ, đoàn đi biểu diễn ở 4 tỉnh của Pháp, rồi sang Ý biểu diễn. Đoàn đi đến đâu, rạp hát ở đó cũng chật ních khán giả và được chào đón nồng nhiệt. Đổi mới năm 1986 không chỉ khiến diện mạo đất nước dần thay da đổi thịt mà còn là “đòn bảy” quan trọng cho sự phục hồi của những hình thức nghệ thuật dân gian như múa rối nước nói chung và rối nước Nam Chấn nói riêng. Cuối năm 2002, Cục nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức 15 lớp đào tạo diễn viên rối nước trẻ cho 15 phường rối, trong đó có rối nước phường Nam Chấn. Các nghệ nhân cao tuổi trực tiếp hướng dẫn, truyền nghề và trau dồi lý thuyết cơ bản cho học viên góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Cuộc sống dần ấm no và vì thế rối nước cũng được quan tâm, chú trọng nhiều hơn. Điển hình cho điều đó là việc xây dựng cơ sở vật chất cho phường rối của làng: Nhà thủy đình cố định vào năm 1987 và thiết kế hai nhà thủy đình lưu động để biểu diễn vào năm 1983 và năm 2002.

Từ sau Đổi mới đến nay, hoạt động của phường rối Nam Chấn được duy trì một cách khá đều đặn: Buổi diễn vào các dịp hội làng, tham gia biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học, diễn tại các hội nghị, lễ hội trong và ngoài tỉnh… và đặc biệt là tham gia các hội diễn, liên hoan múa rối của vùng, của cả nước… Kể từ khi ra đời đến nay, phường rối nước Nam Chấn luôn duy trì và thống nhất với một phường rối duy nhất, không có tình trạng tách ra hay sát nhập như các phường bạn Nguyên Xá, Đông Các (Thái Bình)…

Quá trình hình thành và tồn tại của rối nước phường Nam Chấn có thể khái quát với những sự kiện tiêu biểu sau:

65

Năm Sự kiện

1755 Thành lập phường rối nước Nam Chấn do nghệ nhân Mai Văn Kha làm trùm phường

1963 Phường rối cử người lên Trung ương học tập rối cạn 1964 Tham dự Hội nghị Múa rối toàn miền Bắc

1968 Các nghệ nhân phường rối Nam Chấn vinh dự lên Hà Nội phục vụ Quốc hội

1969 Tổ chức hai buổi trình diễn để mời khách Trung ương về xem 1970 Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ múa rối nước đầu tiên được mở tại

Nam Chấn.

1970 Tham gia Hội nghị Học thuật múa rối ở miền Bắc

1971 Biểu diễn tại hồ chùa Cổ Lễ (Trực Ninh) nhân dịp cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khi về thăm Nam Định.

1971 Nhà hát Múa rối Trung ương đến tham khảo, học tập tích trò. 1974 Cùng với 2 phường rối nước ở miền Bắc biểu diễn ở Nhà hát

múa rối Trung ương với tổng số 15 tiết mục.

6/1974 Biểu diễn phục vụ đoàn cố tổng Bí thư Trường Chinh tại hồ Nhà hát Múa rối trung ương.

1974 - 1977 Xây dựng cơ sở giúp Nhà hát Múa rối Trung ương.

1980 Nghệ nhân của phường (Phan Văn Ngải) tham dự Hội nghị múa rối quốc tế được tổ chức tại Ba Lan (36 nước tham gia) 1983 Xây dựng thủy đình di động đầu tiên (sau này nhiều phường

rối lấy làm mẫu).

1984 Nghệ nhân của phường rối cùng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát múa rối Trung ương và phường rối Nguyên Xá (Thái Bình) biểu diễn tại cộng hòa Pháp, Italya, Đức… (lần đầu tiên rối nước Việt Nam ra thế giới).

1987 Thủy đình cố định được thiết kế và xây dựng trước ao đình của làng Rạch.

66

1989 Tham gia Hội diễn múa rối lần đầu tiên của tỉnh Nam Định và giành huy chương vàng, được UBND Tỉnh trao cờ xuất sắc. 1994 Đạt giải nhất hội diễn “Sông Ngọc” với vở “Công chúa xứ Chàm”.

1994 Tham dự liên hoan nghệ thuật múa rối nước toàn quốc 1995 Lưu diễn ở Đài Loan, Canada, Thái Lan.

2002 Tham gia lớp đào tạo diễn viên rối trẻ do Cục nghệ thuật biểu diễn (đã tổ chức 15 lớp đào tạo diễn viên rối nước trẻ cho 15 phường rối, trong đó có đoàn rối làng Rạch).

2002 Thủy đình di động thứ 2 được đầu tư xây dựng ( từ nguồn quỹ Ford) 2003 Bắt đầu tham gia biểu diễn định kỳ tại Bảo tàng Dân tộc học

(Phường rối thường biểu diễn khoảng 1 tháng/năm)

2004 Cùng với đoàn rối thôn Giáp Nhất (Nam Giang) tham gia biểu diễn tại Festival Huế.

2005 Tham gia Hội thảo “Bảo tồn và phát huy múa rối nước dân gian” do Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

2009 Tham gia chương trình “Trung thu 2009: Sắc màu Việt - Nhật” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

2011 Tham dự Liên hoan múa rối dân gian toàn quốc lần thứ nhất tại Hải Dương (đạt giải Tạo hình xuất sắc).

3.1.2. Kỹ thuật chế tạo quân rối và thiết kế sân khấu

Kỹ thuật chế tạo quân rối (Các công đoạn tạo hình quân rối)

Làng Nam Chấn xưa có nhiều nghề truyền thống: nghề sơn mài, nghề mộc… và chính những nghề này đã mang đến thuận lợi trong việc tạo hình rối. Quân rối xưa của phường Nam Chấn nhỏ, xinh xắn, dễ điều khiển. Bây giờ các quân rối được làm to hơn trước đây, có quân rối phải đến 2 - 3 người điều khiển. Ví như quân rối Tễu có đến 4 người điều khiển, tiết mục Bát tiên

67

cần đến 8 người điều khiển... Tỉ lệ các quân trò không phụ thuộc vào tự nhiên mà được tạo theo cảm hứng của những người nghệ nhân. Sự ước lệ luôn được chấp nhận trong sân khấu rối. Ví như các quân rối người đánh dậm hay người câu ếch nhỏ bé, còn các con cá, con ếch… lại được tạo tác khá lớn, gấp ba đến năm lần so với thực tế. Đó vừa là thể hiện sự mong muốn của người lao

Một phần của tài liệu Nghệ thuật rối nước trong không gian văn hóa nam chấn (Trang 62)