Kỹ thuật diễn rối

Một phần của tài liệu Nghệ thuật rối nước trong không gian văn hóa nam chấn (Trang 57)

8. Cấu trúc luận văn

2.3.4. Kỹ thuật diễn rối

Sự thành công của rối nước không chỉ nhờ vào giá trị nghệ thuật bề ngoài của quân rối mà chủ yếu thể hiện qua diễn xuất sân khấu - nhờ vào kỹ thuật chế tạo máy điều khiển và kỹ xảo điều khiển. Máy điều khiển rối nước xếp thành hai loại: Máy sào và máy dây. Cả hai loại máy đều có nhiệm vụ làm di chuyển con rối và tạo hành động cho nhân vật.

Máy sào: Gồm một cây sào tre hoặc gỗ dài khoảng 3 - 4 m, đầu có bộ phận chuyển động quân rối và các bộ phận trong thân hình nó. Gỗ dùng làm sào tốt là gỗ dẻ vừa dẻo vừa nhẹ, bền…

Máy sào lại được chia làm hai loại: máy sào đơn giản và máy sào phức hợp. Máy sào đơn giản là máy sào chỉ giữ và làm di chuyển toàn thân quân rối như đi lại, ra vào và tự động xoay chuyển hướng đứng. Máy sào phức hợp có thêm bộ phận làm cử động từng phần trên thân hình và toàn thân con rối: giơ tay, đá chân, quay phải, quay trái, cúi đầu... Sự điều khiển thường phải kết hợp nhiều người: người giữ sào, người kéo dây làm giơ tay, người quay thân… Kiểu máy này có sự nhẹ nhàng, linh hoạt của máy sào đơn giản đồng thời có sự phức tạp của máy dây. Với loại máy này, nhân vật có khả năng làm được nhiều động tác di chuyển lại không bị bó buộc vào một đường dây căng sẵn như máy dây. Dây dùng ở máy sào là loại dây nhỏ se bằng tơ tằm, sợi gai, cước…

Máy dây: Ở trò dây phải đóng cọc, căng dây, gài máy trước khi biểu diễn. Máy dây hay máy mềm, máy dọc… thay cây sào bằng một sợi dây chão, dây thép căng trên đầu một hệ thống cọc đóng ngầm dưới mặt nước sân khấu

54

để kéo một bàn máy lớn còn gọi là cũi trên lắp quân rối. Dây chão được căng từ trong buồng trò hoặc dài thành vòng (để đầu thả ra, đầu kéo về) hoặc chỉ là một dây thẳng để bàn máy trượt khi bị kéo ra hay co vào. Máy dây thường dùng cho các trò tập thể như: Múa bát tiên, Múa sư tử… Những con rối theo bố trí của máy dây có thể đi xa và trở về 20 - 30m. Ở loại máy này có thể điều khiển cùng một lúc nhiều quân rối (thường từ 2 đến 8 quân). Ở máy dây, có dây điều khiển riêng từng bộ phận hay từng quân rối, có dây sử dụng chung cho nhiều cử động như ở trò Bát tiên khi quay 8 con rối cùng quay, khi múa 8 đôi tay cùng múa…

Loại máy dây cồng kềnh, phức tạp, di chuyển nặng nề nên máy sào được sử dụng phổ biến. Về căn bản, rối nước là trò rối máy. Kĩ thuật chế tạo nhằm đảm bảo giấu các bàn máy trong lòng nước, lợi dụng sức nước, tạo sự điều khiển từ xa, cống hiến cho người xem nhiều điều kỳ lạ, bất ngờ…

Tóm lại, có thể khẳng định sự xuất hiện quân rối là một đặc trưng nổi bật của sân khấu rối, phân biệt nó với các loại hình sân khấu cổ truyền khác của dân tộc. Không giống như diễn viên người ở sân khấu cải lương, chèo, tuồng… quân rối là loại “diễn viên” không thay đổi được tình cảm bằng nét mặt, không tự nói được, cử động chậm chạp, động tác thiếu tự nhiên… nhưng đồng thời lại nhờ nó mới có thể tạo ra những điều kỳ lạ, kỳ ảo.

Ở rối nước, quân rối không gần tay người điều khiển như rối cạn nên sự truyền cảm từ người điều khiển trong buồng trò tới hành động của con rối ngoài sân khấu có phần bị hạn chế. Hơn nữa, quân rối nước vốn chỉ được đục đẽo bằng gỗ nhẹ, hình khối không tránh khỏi vẻ khô cứng, chịu sự tác động lớn của nước… nên khả năng diễn đạt kém hơn rối cạn. Tuy nhiên với nhiều yếu tố hỗ trợ: nước, ánh sáng, âm thanh… đã tạo cho những con rối nước vẻ lung linh, huyền ảo, sống động giúp người xem dễ dàng lĩnh hội nội dung tư tưởng và tình cảm của tiết mục. Đó là nét độc đáo ẩn chứa nơi những con rối gỗ Việt Nam. “…Có thể đôi khi công chúng cảm thấy loại nghệ thuật này đơn

55

điệu. Nhưng cảm giác thoáng qua đó đã được kiềm chế vì các con rối dìm sự đơn điệu trong nước…” [4, tr. 121].

Ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật việc sáng chế và cải tiến quân rối càng trở nên dễ dàng, hứa hẹn sự phát triển và hấp dẫn hơn của nghệ thuật múa rối nước.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật rối nước trong không gian văn hóa nam chấn (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)