8. Cấu trúc luận văn
2.3.2. Thủy đình là hình tượng đặc trưng
Buồng trò hay còn gọi là nhà rối, thủy đình rối nước chính là nơi để các nghệ nhân hoạt động. Nếu như buồng trò của sân khấu rối cạn, rối bóng, rối Nhật Bản... đều dựng trên mặt đất thì trong rối nước buồng trò rối nước bắt buộc phải dựng trên mặt ao, hồ.
Thủy đình rối nước được chia làm hai kiểu: Thủy đình cố định bằng gạch ngói kiên cố, kiểu cách đẹp đẽ như thủy đình rối nước chùa Thầy (Hà Nội), thủy đình đền Gióng (Hà Nội)… và thủy đình dùng để đi biểu diễn lưu động có kiểu tháo lắp gọn nhẹ, cơ động làm bằng phên tre, khung ống nước. Hai loại thủy đình đều dài rộng khoảng 6m x 6m.
Sự khác biệt giữa buồng trò rối nước với các loại hình rối không chỉ ở kiểu dáng, hình dạng, kích thước… mà điều đặc biệt là thủy đình rối nước thể hiện nét văn hóa Việt qua kiến trúc mang dáng dấp mái đình - một trong những biểu tượng của văn hóa làng xã Việt. Thủy đình có kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái. Mái được cắt ra làm hai phần ở giữa có khoảng cách. Phần mái cao gấp đôi phần thân nhưng nhà rối trông vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát. Thêm vào đó tám đầu đao được bắt cong với nét uốn nhịp nhàng làm mảng lá mái như bay lên.
Đối với buồng trò biểu diễn lưu động bề ngoài cũng không khác buồng trò cố định nhưng vật liệu lại là gỗ, tre, phên, vải… Lòng buồng trò lưu động không chia làm ba gian theo chiều ngang mà chia thành hai phần theo chiều dọc. Phần trước là nơi các nghệ nhân đứng điều khiển, phần sau có sàn ván chắc chắn cao trên mặt nước là nơi để quân rối.
51
Thủy đình đã cho chúng ta hình ảnh cụ thể về một sân khấu rối nước. Đó là một trong số ít hiện diện vật chất giúp chúng ta nghĩ ngay đến rối nước. Có lẽ chính vì thế mà thủy đình đã nhanh chóng trở thành biểu tượng của loại hình này. Ngày nay, hình ảnh của thủy đình cùng với chú Tễu là biểu tượng của rối nước Việt Nam. Thủy đình - sự hiện diện của một vật chất chứa đựng nét độc đáo với kiến trúc mái đình thân thuộc đã nâng tầm rối nước trở thành một loại hình sáng giá, mang đậm yếu tố văn hóa Việt.
Có thể nói, sự kết hợp giữa ao làng với thủy đình đã tạo nên một không gian diễn xướng rất đặc trưng, độc đáo của rối nước. Không gian vừa thiên tạo vừa nhân tạo mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt là cội nguồn cho vẻ đẹp nghệ thuật lan tỏa. Sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa của ba yếu tố: thiên nhiên - con người - nghệ thuật là sự tuyệt diệu mà không phải bất cứ loại hình nghệ thuật sân khấu nào cũng có được.